Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 38)
Gần 65 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên trì chịu đựng, bền bỉ bám đất, bám dân, dũng cảm, hy sinh, vững vàng nơi biên giới, Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Tà Lùng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài 38: Tà Lùng Anh hùng
Anh dũng chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ nhân dân
Thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) bây giờ đã khác xưa rất nhiều, nhất là sau khi cửa khẩu Tà Lùng được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế (năm 2012). Đường sá, nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt chả thua gì phố thị dưới xuôi. Theo Trung tá Phùng Danh Tuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, đơn vị quản lý đoạn biên giới dài gần 23km (trong đó, có trên 18km trên sông), với 33 cột mốc. Địa bàn đơn vị quản lý có 4 xã: Mỹ Hưng, Cách Linh, Đại Sơn, Triệu Âu, cùng 2 thị trấn: Tà Lùng và Hòa Thuận, huyện Phục Hòa. Trong địa bàn có 85 xóm, trong đó, có 14 xóm sát biên giới. Đây là nơi sinh sống của gần 20.000 người dân thuộc 4 thành phần dân tộc chính là Tày, Nùng, Mông và Kinh.
"Người dân nơi đây không bao giờ quên hình ảnh người chiến sĩ CANDVT Tà Lùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân. Trong những ngày khói lửa chiến tranh đó, tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của các anh mãi là tấm gương sáng ngời trong sự nghiệp vẻ vang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, mãi mãi xứng đáng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi gương" - bà Đàm Thị Phượng, Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng chia sẻ.
Ông Chu Trung Kiên, nguyên Đồn trưởng Đồn CANDVT Tà Lùng (giai đoạn 1978-1979) nhớ lại: "Lúc mới thành lập đơn vị, vùng đất này còn rất nhiều gian khó. Doanh trại, nơi ăn chốn ở còn tạm bợ, thiếu thốn đủ bề, nhiệm vụ lại rất nặng nề, hoạt động chống phá của địch và các loại tội phạm ở biên giới rất phức tạp. Nhưng vượt lên tất cả, anh em cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) dù là người miền xuôi hay miền ngược đều luôn yêu thương, đoàn kết, kiên trì bám đất, bám dân, lăn lộn nơi biên giới. Thấu hiểu sự vất vả của người dân, CB, CS Đồn CANDVT Tà Lùng luôn chia ngọt sẻ bùi, nhường cơm sẻ áo với bà con các dân tộc Tày, Nùng trong địa bàn. Đặc biệt là khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, các anh sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân. Chính vì thế, các anh luôn được dân tin yêu, ủng hộ và đùm bọc"...
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Dư Khiêm, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng: Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979, Đồn CANDVT Tà Lùng là một mục tiêu bị tấn công hết sức ác liệt. Nhưng CB, CS của đồn đã cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân biên giới kiên cường chiến đấu, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ biên giới...
Nhiều CB, CS của đồn đã nêu cao khí phách anh hùng cách mạng, chiến đấu ngoan cường, hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, 14 CB, CS của đơn vị đã ngã xuống trên mảnh đất biên giới, hy sinh tuổi xuân của mình để bảo vệ vùng đất biên cương Tổ quốc. Máu của các anh mãi mãi tô thắm lá cờ truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng và Nhà nước đã tuyên dương công trạng cho tập thể Đồn CANDVT Tà Lùng ngày 19/12/1979. Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng ngời trong sự nghiệp vẻ vang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, mãi mãi xứng đáng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi gương.
Mãi là tấm gương sáng ngời trong chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc
Lúc 4 giờ 45 phút, ngày 17/2/1979, Đồn CANDVT Tà Lùng trở thành một trong những mục tiêu tấn công đầu tiên của quân địch. Chúng dùng các loại pháo lớn từ bên kia biên giới bắn phá rồi sử dụng 23 xe tăng và hơn 1 trung đoàn bộ binh bao vây Trạm kiểm soát Tà Lùng và Đồn CANDVT Tà Lùng. Chỉ với hơn 80 tay súng chống chọi với lực lượng hùng hậu của đối phương nhưng CB, CS Đồn CANDVT Tà Lùng không hề nao núng. Dưới sự chỉ huy của Trung úy, Đồn trưởng Chu Trung Kiên, đơn vị đã bình tĩnh, dựa vào hệ thống công sự, nêu cao tinh thần dũng cảm, chiến đấu với địch. Chỉ tính riêng trong ngày đầu tiên diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt, CB,CS đơn vị đã đẩy lùi 11 đợt tấn công của chúng, bắn cháy 3 xe tăng, bắn hỏng và làm bị thương 7 chiếc khác, tiêu diệt gần 300 tên, giữ vững trận địa.
Chỉ tính riêng trong trận chiến đấu ngày 17/2/1979, Đồn CANDVT Tà Lùng hy sinh 6 đồng chí, bị thương 8 đồng chí. Đơn vị cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới. Điển hình như Chính trị viên Nông Văn Vạn, tuy bị thương nhưng vẫn luôn có mặt ở chiến hào trực tiếp chiến đấu và động viên CB, CS bình tĩnh, tiêu diệt nhiều tên địch. Đồng chí Phan Văn Bạch dũng cảm xông pha dưới làn đạn địch, bắn cháy 1 xe tăng và bắn hư 2 xe tăng, chặn đứng mũi tiến công bằng xe tăng của chúng. Sau một ngày chiến đấu oanh liệt với địch, CB, CS của Trạm kiểm soát Tà Lùng được lệnh rút về đồn, nhưng Trung sĩ Lường Văn Huấn (sinh năm 1957, quê ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), quyền Trạm trưởng đã xung phong ở lại một mình để phá cầu, ngăn bước tiến của địch rồi hy sinh ngay sau đó.
Hay như Binh nhì Dương Thanh Lộc (sinh năm 1960, quê ở xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), tuy bị thương nặng nhưng vẫn gắng ném thêm 1 quả lựu đạn về phía địch, góp phần làm tiêu hao sinh lực của chúng. Binh nhất Hà Văn Sâng (sinh năm 1959, quê ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) dũng cảm bắn cháy, bắn hỏng 2 xe tăng địch. Khi đang chuẩn bị bắn chiếc xe tăng thứ 3, anh bị đạn địch găm trúng vào trái lựu đạn đeo bên người. Lựu đạn nổ, đồng chí Hà Văn Sâng đã anh dũng hy sinh. Hay như đồng chí Phan Văn Hạnh (quê tỉnh Bắc Thái) dũng cảm, mưu trí bắn cháy, bắn hỏng 2 xe tăng của đối phương...
Bài 39: Sóc Hà: Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu