Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 45)
Cuối năm 1978, tình hình trên tuyến biên giới Hà Giang nói chung và khu vực do Đồn CANDVT Nghĩa Thuận quản lý ngày càng trở lên căng thẳng. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, đơn vị đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 5 xã biên giới kiện toàn hệ thống chính trị đảm bảo vững mạnh trong thời chiến....
Bài 45: Nghĩa Thuận: Quân dân đoàn kết, dũng cảm chiến đấu bảo vệ biên giới
Luôn sát cánh, “chung lưng đấu cật” cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nghĩa Thuận (nay là Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, BĐBP Hà Giang) luôn khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm, gan dạ chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận vinh dự được tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Lớp cha trước, lớp con sau...
Đang là cuối mùa Đông nên thời tiết ở các xã biên giới thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang rất đỏng đảnh, khó chịu. Gần 10 giờ trưa, ở khu vực nghĩa trang liệt sĩ xã Nghĩa Thuận, trời đang nắng hanh hao, thoáng chốc đã bị mây mù bao phủ. Đứng cách 3m không nhìn rõ mặt người. Phải mất hơn nửa giờ chờ cho sương mù bớt đi, mới nhìn rõ danh tính khắc trên tấm bia đá ở Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Nghĩa Thuận. Cũng như phần lớn các xã biên giới của Hà Giang, các anh hùng liệt sĩ dù là lực lượng vũ trang hay dân quân du kích xã, công nhân các lâm trường... đều được vinh danh chung ở một nhà bia.
Trong danh tính 55 liệt sĩ lưu danh tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Nghĩa Thuận, có 12 liệt sĩ thuộc Đồn CANDVT Nghĩa Thuận, 29 liệt sĩ là dân quân xã và 14 liệt sĩ thuộc nhiều đơn vị... Có mặt tại Nhà bia tưởng niệm, Đại úy Vương Trung Hùng, nhân viên kiểm soát Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận cho biết: “Ông Vàng Tải Sần, nguyên là Xã đội trưởng xã Nghĩa Thuận, là bố đẻ của em”. Ngày 11/3/1979, Xã đội trưởng Vàng Tải Sần tổ chức cho dân quân xã Nghĩa Thuận đi tuần tra biên giới, địa bàn. Khi đến khu vực mốc A15, xóm Tả Súng Chư thì bị địch phục kích. Xã đội trưởng Vàng Tải Sần và 3 dân quân hy sinh tại chỗ. Lúc đó, Vương Trung Hùng mới được 5 tháng. Lớn lên, Vương Trung Hùng nhập ngũ, làm người lính Biên phòng và noi gương bố, tiếp tục cầm súng bảo vệ biên cương.
Trước kia, huyện Quản Bạ có 11 xã, trong đó, có 5 xã biên giới (Cao Mã Pờ, Tùng Vài, Tả Ván, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn) thì cả 5 xã đều thuộc địa bàn do Đồn CANDVT Nghĩa Thuận quản lý. Thời điểm đó, cuộc sống của bà con ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, khí hậu rất khắc nghiệt. Nhưng khi xảy ra chiến tranh, chính quyền địa phương và bà con luôn đoàn kết, sát cánh và tham gia chiến đấu cùng bộ đội. Ông Nguyễn Tiến Phòng, nguyên Chính trị viên phó Đồn CANDVT Nghĩa Thuận (từ năm 1979-1982) nhớ lại: Sáng 18/5/1977, trên đường tuần tra từ Cao Mã Pờ về lại Nghĩa Thuận, khi đi qua khu vực mốc 3, tổ tuần tra của Đồn CANDVT Nghĩa Thuận gồm 6 người, do Trung úy Viên Đình Thượng phụ trách bị đối phương phục kích, bắt giữ. Sau 10 ngày kiên trì đấu tranh, phản kháng, chúng buộc phải trao trả 6 cán bộ, chiến sĩ của ta.
Cuối năm 1978, tình hình trên tuyến biên giới Hà Giang nói chung và khu vực do Đồn CANDVT Nghĩa Thuận quản lý ngày càng trở lên căng thẳng. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, đơn vị đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 5 xã biên giới kiện toàn hệ thống chính trị đảm bảo vững mạnh trong thời chiến. Cùng với đó là kết hợp với dân quân xã chiếm lĩnh các điểm cao, các vị trí có lợi về chiến thuật, các lối mòn qua biên giới, tổ chức ngay việc bố phòng, sẵn sàng chiến đấu. Khi được tăng cường thêm lực lượng, đơn vị đã phối hợp với dân quân bố trí 8 tổ, chốt để sẵn sàng ứng phó với địch.
Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đánh địch
Sáng 17/2/1979, địch cho một tốp khoảng 40-50 tên tiến đánh vào khu vực chốt mốc 4. Lực lượng của ta ở khu vực mốc 4 có 2 cán bộ, chiến sĩ cùng 12 dân quân do Thiếu úy La Chiến Thường, Trung đội trưởng Đồn CANDVT Nghĩa Thuận chỉ huy. Với tinh thần cảnh giác cao độ, ta đã phát hiện và quyết liệt đánh trả chúng. Sau nhiều đợt xung phong đánh chiếm trận địa thất bại, bị thiệt hại nặng, địch phải rút chạy. Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt được 17 tên, bắn bị thương nhiều tên, riêng đồng chí Thường diệt được 4 tên địch.
Sau thất bại ở khu vực mốc 4, ngày 11/3/1979, một trung đoàn bộ binh địch ồ ạt đánh vào trận địa của ta ở khu vực mốc 5. Dựa vào hệ thống công sự trận địa được chuẩn bị từ trước, phát huy vũ khí, trang bị hỏa lực hiện có cùng với cách đánh thông minh, dũng cảm, sáng tạo, Đồn CANDVT Nghĩa Thuận cùng dân quân xã, với sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn 4, bộ đội địa phương và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quản Bạ đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, buộc chúng phải rút chạy. Trận này, ta đã tiêu diệt được 55 tên địch, bắn bị thương nhiều tên, thu 2 súng CKC, 1 bộc phá...
Sau trận đánh này, đồng chí Lệnh Xuân Tích, chiến sĩ của Đồn CANDVT Nghĩa Thuận và tập thể đội dân quân Túng Chúng Phìn, xã Nghĩa Thuận được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Sau thất bại năm 1979, địch vẫn không ngừng tăng cường khiêu khích vũ trang, tiến hành các hoạt động đánh phá ta. Trong thế trận bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được củng cố và xây dựng vững mạnh, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng dân quân xã, đẩy lùi các đợt tiến công lấn chiếm của đối phương.
Đại tá Lưu Đức Hùng, nguyên là cán bộ Đồn CANDVT Nghĩa Thuận kể: Đêm 15/9/1988, khoảng một trung đội thám báo của chúng xâm nhập qua biên giới để phục kích tổ công tác Đồn CANDVT Nghĩa Thuận. Nhưng hành động của chúng đã bị người dân trong địa bàn phát hiện và kịp thời báo cho Đồn CANDVT Nghĩa Thuận biết. Lúc đó, đồng chí Lưu Đức Hùng là Trung úy, được đơn vị giao phụ trách một tổ công tác đi tìm địch để đánh, buộc chúng phải rút chạy...
Lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, tháng 8/1990, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận vinh dự được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.