Những tượng đài nổi tiếng thế giới về Thế chiến II
Trên thế giới có rất nhiều tượng đài, địa danh lịch sử về những anh hùng và nạn nhân của Chiến tranh thế giới thứ II.
Nghĩa trang tường thành Kremlin ở Matxcơva, Nga
Những cặp vợ chồng mới cưới và du khách thường đem hoa tới viếng tại Mộ Chiến sĩ vô danh tại Nghĩa trang cạnh tường thành Kremlin.
Ngày 9/5 hàng năm, nước Nga thường tổ chức duyệt binh tại Quảng trường Đỏ để kỉ niệm Ngày Chiến thắng. Tuy nhiên, năm nay sự kiện này đã bị hoãn vì dịch COVID-19.
Tượng đài Mamayev ở Volgograd, Nga
Khoảng 25 triệu người Liên Xô đã hi sinh trong Thế chiến II. Đây là đất nước chịu tổn thất về người lớn nhất trên thế giới. Và đây cũng là quốc gia có đài tưởng niệm chiến tranh lớn nhất thế giới - Tượng đài "Mẹ Tổ quốc kêu gọi" (hay Tượng đài Mamayev).
Tượng đài cao tới 85m, tưởng nhớ về trận chiến Stalingrad, diễn ra từ ngày 25/8/1942 đến ngày 2/2/1943. Đây được xem là một trong những trận chiến đẫm máu nhất lịch sử Thế giới II.
Đài Tưởng niệm Cenotaph ở London, Anh
Đài Tưởng niệm Cenotaph là một nghĩa trang trống. Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, các nguyên thủ quốc gia và các cựu chiến binh các nước đã cùng viếng thăm Cenotaph. Năm nay, sự kiện này đã bị hủy vì COVID-19.
Cenotaph vốn được xây dựng vì các nạn nhân của Thế chiến I. Từ năm 1946, nơi này trở thành điểm tưởng niệm của cả những người đã ngã xuống trong Thế chiến II.
Đài Tưởng niệm bộ chỉ huy máy bay ném bom RAF ở London, Anh
Đài tưởng niệm này là tác phẩm điêu khắc mô tả phi đoàn chỉ huy máy bay ném bom RAF của không quân Hoàng gia. Nó được xây dựng để tưởng nhớ tới 55.573 phi đoàn của quân Đồng minh đã hy sinh trong Thế chiến II.
Sau khi được khánh thành vào năm 2012, tượng đài này đã gây ra nhiều tranh cãi vì trận đánh bom của Không quân Hoàng gia đã phá hủy nhiều thành phố của Đức và cướp đi 600.000 mạng người.
Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp
Đài tưởng niệm nằm cạnh Khải Hoàn Môn trên Đại lộ Champs-Élyseés của thủ đô Paris. Đây là công trình tưởng niệm các nạn nhân của cả 2 cuộc chiến tranh thế giới.
Ngày 8/5 hàng năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các sĩ quan quân đội cấp cao sẽ tới đây thăm viếng và đặt vòng hoa cho những người lính vô danh.
Nghĩa trang quân đội Mỹ ở bãi biển Omaha, Pháp
Vào ngày 6/8/1944, 150.000 binh sĩ quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy (Pháp) mở ra Mặt trận phía Tây.
Rất nhiều đài tưởng niệm, bảo tàng và nghĩa trang quân sự đã được xây dựng dọc bờ biển này để tưởng niệm một trong những trận chiến quan trọng nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II, nơi 68.000 binh sỹ đã hy sinh
Đài Tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ II ở Washington, D.C, Mỹ
Đài tưởng niệm này được khánh thành vào năm 2004, nhằm tưởng nhớ 16 triệu lính Mỹ đã chiến đấu trong Thế chiến II.
Để tưởng nhớ những người đã hi sinh trong cuộc chiến, bức tường Hòa bình tại đây đã được gắn 4.048 ngôi sao mạ vàng. Mỗi ngôi sao tượng trưng cho 100 liệt sĩ.
Tại Mỹ, ngày 8/5 được gọi là "Ngày Chiến thắng ở Châu Âu". Mãi tới ngày 14/8/1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh, cuộc chiến mới thực sự chấm dứt.
Tượng đài “Đầu hàng vô điều kiện” ở bến cảng San Diego, Mỹ
Ngày 14/8/1945, trong lễ kỷ niệm Nhật Bản chính thức đầu hàng, một thủy thủ Mỹ đã hôn một y tá xa lạ trên Quảng trường Thời đại. Bức ảnh được đăng trên Tạp chí “Life” và trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.
Đây là nguyên mẫu cho các tác phẩm điêu khắc “Đầu hàng vô điều kiện”. Một trong số tác phẩm đó được đặt tại bến cảng San Diego ở Mỹ.
Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản
Ngày 6/8 hàng năm, đúng 8 giờ 15 phút, chiếc chuông Hòa bình ở thành phố Hiroshima vang lên đánh dấu thời khắc xảy ra vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
Các di tích trong trận Hiroshima đã trở thành Di sản Thế giới của UNESCO. Hơn 70 đài tưởng niệm và tượng đài đã được xây dựng tại Công viên Hòa bình để tưởng nhớ 146.000 nạn nhân của vụ tấn công bom nguyên tử.
Đền Yasukuni ở Tokyo, Nhật Bản
Các chính trị gia cấp cao của Nhật thường viếng thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tưởng nhớ hơn 2 triệu quân nhân Nhật Bản trong Thế chiến II, bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh bị kết án tử hình. Các quốc gia từng bị Nhật Bản xâm chiếm, như Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn thường phản đối sự việc này.
Đài Tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Nam Kinh, Trung Quốc
Ngày 13/12/1937, quân đội Nhật chiếm được thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. Nơi đây đã diễn ra cuộc thảm sát 200.000 nghìn người Trung Quốc, nguồn tin khác cho thấy số nạn nhân có thể lên tới 300.000.
Đài tưởng niệm ở Nam Kinh còn là bảo tàng lưu trữ tài liệu, hình ảnh cùng những thước phim lưu giữ lịch sử trong giai đoạn Thế chiến II.
Khu Tưởng niệm Yad Vashem ở Jerusalem, Israel
“Tượng đài và địa danh” là bản dịch tên tiếng Do Thái của Đài tưởng niệm Holocaust ở Jerusalem, Israel. Holocaust được xây lên để tưởng nhớ khoảng 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc Xã sát hại trong Thế chiến II.
Nằm ở trung tâm của khu kiến trúc rộng lớn là "Hội trường tưởng niệm" không có cửa sổ, bên trong luôn được thắp lửa. Tên của 22 trại tập trung tử thần lớn nhất của Đức Quốc Xã được khắc trên sàn nhà.
Đài Tưởng niệm Holocaust ở Berlin, Đức
Tại thủ đô của Đức có rất nhiều đài tưởng niệm Chiến tranh thế giới thứ II, trong số đó, nổi tiếng nhất là Đài Tưởng niệm Holocaust, nơi có 2.711 tấm bia tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị sát hại ở châu Âu.
Đài Tưởng niệm Holocaust được khánh thành vào năm 2005.
Đài Tưởng niệm Neue Wache ở Berlin, Đức
Neue Wache là nơi tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh của Đức, với tâm điểm là tác phẩm điêu khắc người mẹ ôm đứa con trai đã chết của Käthe Kollwitz.
Năm 2020, các lễ kỷ niệm ngày 8/5 đã bị hủy vì dịch bệnh, nhưng Thủ tướng Merkel, Tổng thống Steinmeier và Chủ tịch Schäuble của Bundestag sẽ đặt vòng hoa tại đây.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-lieu/nhung-tuong-dai-noi-tieng-the-gioi-ve-the-chien-ii-ar544575.html