Những 'tượng đài' trong lòng dân biên giới
Ở hai hoàn cảnh của đất nước và hai thế hệ khác nhau, nhưng câu chuyện của những người lính Biên phòng trên miền biên Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) có nét hao hao hình ảnh bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp trong bài hát 'Bộ đội về làng' của nhạc sĩ Lê Yên. 'Các anh về mái ấm nhà vui, tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ…'. Bộ đội Cụ Hồ thì thời nào cũng vậy, luôn vẹn nguyên tình yêu trong lòng nhân dân.
Hai “con suối” chảy trong lòng nhân dân
Từ xưa đến nay, người Mơ Nông ở xã biên giới Quảng Trực vẫn ví con suối Đắk Huých như “người mẹ thiên nhiên” hiền hòa, bao dung và chung thủy. Suối Đắk Huých là khởi nguồn mạch sống của muôn loài nhưng chưa bao giờ “nổi giận” lấy đi của ai bất cứ thứ gì. Mùa khô hạn thì dẻo dai tưới mát cánh đồng, còn khi mưa về, khắp nơi oằn mình chống lũ, suối Đắk Huých vẫn hiền hòa, bao dung như tình yêu của mẹ. Nói đến suối Đắk Huých là nói về sự nuôi nấng và chở che. Người Mơ Nông ở xã Quảng Trực xem con suối này như báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng.
Nói rộng ra, trên địa bàn xã Quảng Trực là vậy, còn ở một “góc nhỏ” nơi cuối trời biên giới, 85 hộ gia đình người Mơ Nông ở bon Bu Prăng 1 còn có thêm “con suối” mà họ đã dành tất cả sự trân quý. “Con suối” ấy được khởi nguồn từ tấm lòng những người lính Biên phòng, cũng chung thủy, hiền hòa và bao dung, ngày đêm cống hiến, bồi lắng thêm niềm tin trong lòng nhân dân.
Chúng tôi không có ý định ví “bộ đôi” Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Hồng Lam và Nguyễn Văn Uyền (nguyên cán bộ Biên phòng tăng cường) là những “tượng đài”, nhưng quả thực với những gì các anh đã cống hiến cho đất rừng biên giới Quảng Trực thì rất đáng để ngưỡng mộ. Với Trung tá Phạm Hồng Lam, cuộc đời binh nghiệp gần như đã gắn chặt với xã Quảng Trực.
Ở đây, anh miệt mài làm công tác dân vận như người diễn viên chuyên đóng các vai phụ trong bộ phim truyền hình dài tập. Đầu tiên là nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tuy Đức (đơn vị quản lý địa bàn xã Quảng Trực trước đây), sau đó, được tăng cường giữ chức danh Phó Công an xã, rồi Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực. “Vai diễn” nào Trung tá Phạm Hồng Lam cũng hoàn thành xuất sắc, trở thành “nhịp cầu nối” quan trọng để mang ý Đảng đến với lòng dân, góp phần hiện thực hóa những chủ trương và giải pháp của Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới nơi vùng cực Nam Tây Nguyên.
Còn người thứ 2 - Trung tá Nguyễn Văn Uyền, thời gian trải nghiệm địa bàn tuy có ít hơn so với đồng nghiệp nhưng cũng ngót nghét gần 3 nhiệm kỳ trong vai trò “cán bộ tăng cường” phụ trách bon Bu Prăng 1. Hơn 13 năm trải dấu chân bên con suối Đắk Huých, Nguyễn Văn Uyền đã tạo ra sợi dây kết nối tình quân dân bền chặt. Trong quãng thời gian khá dài ấy, anh tham gia xây dựng và kiến tạo đời sống cho bà con nhân dân ở bon Bu Prăng 1 nằm trong dự án xây dựng khu dân cư biên giới của tỉnh Đắk Nông.
Cũng như người đồng đội của mình, bất kể việc gì khi bà con cần là Nguyễn Văn Uyền đều “vào vai” một cách xuất sắc; từ tuyên truyền, vận động nhân dân dời bon ra nơi ở mới, đến việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa nước và các loại cây công nghiệp, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong cộng đồng, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư...
Ông Điểu Tol, Bí thư chi bộ bon Bu Prăng 1 khẳng định rất vui với chúng tôi: “Nói đến Trung tá Nguyễn Văn Uyền, trong bon mình từ già, trẻ, gái, trai đều biết rất rõ vì anh quá gần gũi và hết lòng yêu thương, giúp đỡ nhân dân. Chi bộ của bon khi có đồng chí ấy về tham gia sinh hoạt cũng đổi mới rất nhiều cả về chế độ, giờ giấc sinh hoạt đến chất lượng hoạt động. Mặc dù đã chuyển công tác về Bộ Chỉ huy hơn 3 năm, nhưng bon Bu Prăng 1 vẫn nhớ mãi những việc Trung tá Uyền đã làm. Chỉ có điều, tên anh lạ quá, bà con chưa bao giờ viết đúng, gọi trúng mà thôi...”.
“Suối Biên phòng” vẫn chảy
“Bộ đôi” Trung tá QNCN Phạm Hồng Lam và Nguyễn Văn Uyền giờ đây đã chuyển công tác về Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông, nhưng cũng như “người mẹ thiên nhiên” Đắk Huých, “suối Biên phòng” vẫn hiền hòa chảy mãi trên đất rừng biên giới Quảng Trực.
Đại tá Phạm Mạnh Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Đắk Nông cho chúng tôi biết: “Xã Quảng Trực là một trong những địa bàn được Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông đặc biệt quan tâm. Ở đây, bên cạnh việc đầu tư xây dựng bon Bu Prăng 1, chúng tôi còn kết nghĩa đỡ đầu với bon Bu Prăng 2 để tập trung phát triển kinh tế, cải thiện nâng cao đời sống cho bà con nhân dân. Ngoài số cán bộ tăng cường cho xã và thôn, chúng tôi chỉ đạo 3 đơn vị quản lý địa bàn là Đồn Biên phòng Đắk Dang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu Prăng và Đồn Biên phòng Bu Cháp đưa 46 đảng viên về phụ trách 158 hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Có thể khẳng định rằng, quá trình phát triển đi lên của xã Quảng Trực luôn ghi đậm dấu ấn những người lính Biên phòng...”.
Vâng, đó là sự kế thừa và tiếp nối để “con suối Biên phòng” chảy mãi trong lòng nhân dân. Ở chiều ngược lại, tình cảm của người Mơ Nông bên con suối Đắk Huých dành cho BĐBP cũng chính là điểm sáng, đẹp tựa lời hát “Bộ đội về làng” ra đời cách đây hơn 2/3 thế kỷ. Bộ đội Cụ Hồ thì thời nào cũng vậy, luôn vẹn mãi tình yêu trong lòng nhân dân. Câu chuyện của Trung tá QNCN Nguyễn Văn Uyền với người Mơ Nông ở bon Bu Prăng 1 đã nói lên tất cả.
Năm 2017, trước khi chuyển công tác về Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông, Trung tá Nguyễn Văn Uyền được bà con trong bon Bu Prăng 1 tổ chức buổi liên hoan chia tay đầy cảm xúc, trong tiếng cồng chiêng trầm lắng của núi rừng Tây Nguyên. Cuộc liên hoan có cả nụ cười và nước mắt, bộ đội và nhân dân cứ như thế ôm lấy nhau mà khóc. Họ nhớ lại những đêm lửa hồng trong sự lặng thinh của đất trời biên giới ngồi nghe anh hiến kế làm ăn, nhớ lại những lần người lính Biên phòng “xắn quần lội ruộng” khi cây lúa nước chưa bén rễ nơi đất làng.
Giờ đây, khi cuộc sống đã đổi thay, người Mơ Nông ở bon Bu Prăng 1 đã nhuần nhuyễn với các loại cây hàng hóa như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, lúa nước - nghĩa là đã có của ăn, của để thì anh lại tạm chia tay lên đường nhận nhiệm vụ khác. Nỗi nhớ cứ day dứt mãi trong lòng người đi, kẻ ở và những giọt nước mắt chia tay hôm ấy chính là lời tri ân mà các chủ nhân vùng biên giới đã dành cho nhau.
“Bộ đội về làng” - một hình ảnh dung dị nhưng đầy tính nhân văn. Câu chuyện cống hiến của Trung tá Phạm Hồng Lam, Nguyễn Văn Uyền và những người lính Biên phòng ở Quảng Trực hôm nay giống như dòng suối mát lành làm thắm hơn màu xanh biên giới.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-trong-long-dan-bien-gioi-post438103.html