Những tỷ phú nông dân xứ Nhãn bám đất làm giàu

Dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, ham học hỏi là điểm chung của những tỷ phú nông dân xứ nhãn. Bằng sự nỗ lực, họ đã vượt qua những rào cản mà người nông dân còn đang vướng mắc, từng bước tiếp cận, nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Họ dám chịu thất bại để thành công, thay đổi quan niệm về sản xuất nông nghiệp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Họ là những nông dân bình thường nhưng với nghị lực phi thường đã vươn lên làm giàu, trở thành những tỷ phú nông dân, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

THEO ĐUỔI ĐAM MÊ CÂY CẢNH

Năm 2006, anh Nguyễn Văn Thơm, thôn 3, xã Xuân Quan (Văn Giang) khởi nghiệp với nghề trồng hoa, cây cảnh. Với hơn 2 sào ruộng, anh bắt tay trồng cau cảnh, sung, nguyệt quế… và đi bán ở các chợ trong và ngoài huyện. Sau thời gian gắn bó với cây cảnh, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, năm 2010, anh Thơm chuyển hướng sang trồng thử nghiệm 1 sào hoa thảm, hoa trang trí. Anh Thơm chia sẻ: Bắt tay vào trồng hoa, cây cảnh, tôi gặp không ít thất bại do thiếu kinh nghiệm, thị trường không đón nhận. Tuy nhiên, với quyết tâm theo đuổi đam mê, năm 2012, tôi đã bàn với gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cây cảnh trước đây sang trồng hoa hàng nền, hoa giỏ treo. Năm 2016, gia đình tôi tiếp tục đầu tư lắp đặt nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tự động nhằm đi trước một bước trong sản xuất hoa, tăng vụ, đưa các giống hoa mới về gieo trồng.

Tỷ phú cây cảnh Nguyễn Văn Thơm, thôn 3, xã Xuân Quan (Văn Giang)

Từ hơn 2 sào ruộng trồng cây cảnh ban đầu, đến nay, gia đình anh Thơm đã mở rộng diện tích lên hơn 2 mẫu, trồng đa dạng các loại cây cảnh, hoa trang trí như: Dạ yến thảo, dừa cạn, đồng tiền, hoa giấy, bách thủy tiên, hoa hồng và bàng nhập ngoại… Ngoài ra, gia đình anh Thơm còn sản xuất một số loại hoa giống như: Hoa đồng tiền, ngọc thảo… để chủ động nguồn giống sản xuất và cung cấp cho các nhà vườn có nhu cầu.

Hàng năm, gia đình anh Thơm xuất bán trên 100 vạn cây và chậu hoa, cây cảnh các loại. Doanh thu trung bình mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Thơm còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân trong xã về giống, kinh nghiệm canh tác, thị trường tiêu thụ hoa, cây cảnh. Hiện nay, nhà vườn Thơm Dung tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập trung bình 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2020, anh Nguyễn Văn Thơm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PHÁT HUY TINH THẦN DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Năm 1999, bằng vốn kiến thức được học, anh Lưu Văn Dũng (sinh năm 1976) ở xã Quang Hưng (Phù Cừ) bắt tay vào nuôi cá thương phẩm trên diện tích 3ha ao, hồ bỏ hoang của xã. Sau vài năm nuôi thả, nhận thấy lợi nhuận không cao do chưa chủ động được con giống; thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh thủy sản qua nhiều khâu trung gian; thị trường tiêu thụ bấp bênh do phụ thuộc vào thương lái.

Anh Lưu Văn Dũng, xã Quang Hưng (Phù Cừ) kiểm tra sự phát triển của cá thương phẩm

Năm 2004, anh Dũng đã bàn với gia đình mạnh dạn thuê thêm 3,5ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả của xã để áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất con giống đến tiêu thụ sản phẩm. Để thành công trong khâu sản xuất con giống, anh Dũng đã đi tham quan nhiều trang trại sản xuất con giống thủy sản trên cả nước, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các chuyên gia thủy sản... Với quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra, năm 2005, anh Dũng thành công với lứa cá chép giống đầu tiên. Từ thành công bước đầu, anh vừa làm vừa học hỏi, tự rút kinh nghiệm để nâng tỷ lệ ươm nở thành công cá giống. Những năm tiếp theo, anh Dũng còn thành công với việc nhân giống cá rô đồng, chép đỏ, trắm đen, trắm cỏ, chạch sông... Đến nay, trang trại của gia đình anh Dũng cung cấp trung bình 500 - 700 triệu con cá giống/năm cho các trang trại thủy sản ở trong và ngoài tỉnh. Doanh thu hàng năm đạt trung bình 13 tỷ đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, năm 2017, anh Dũng còn tập hợp các hộ nuôi thủy sản trong xã thành lập HTX Thủy sản Hưng Phát. Các thành viên tham gia HTX được hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất, tiếp cận các chương trình, dự án thủy sản và bao tiêu sản phẩm. Do đó, các hoạt động và dịch vụ của HTX ngày càng đa dạng, lớn mạnh. Doanh thu trung bình của HTX đạt từ 20 đến 25 tỷ đồng/năm.

KHÁT VỌNG LÀM GIÀU TRÊN ĐỒNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG

Tuổi thơ gắn bó với cây lúa, con gà, con lợn nên ông Trịnh Văn Hoan, thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng (Văn Lâm) luôn coi đó là điểm tựa để ông “bám đất làm giàu”. Ông Hoan chia sẻ: Tận dụng đất rộng, gia đình tôi xây dựng dãy chuồng với tổng diện tích 1,7 nghìn m2 để nuôi lợn từ 20 năm nay. Tuy nhiên, chăn nuôi trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Năm 2015, gia đình tôi thuê diện tích đất xa khu dân cư của xã để xây dựng trang trại rộng trên 13 nghìn m2, tập trung chăn nuôi lợn.

Trang trại nuôi lợn cho nghe nhạc của tỷ phú Trịnh Văn Hoan, thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng (Văn Lâm)

Vốn đã “bỏ túi” nhiều kỹ thuật chăm sóc lợn, có mối tiêu thụ ổn định, ông Hoan bắt tay xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt, lắp đặt camera quan sát, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, máng uống tự động. Để hạn chế dịch bệnh, chủ động sản xuất, tiết kiệm chi phí, gia đình ông Hoan sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống đến xuất bán sản phẩm. Từ nhiều năm nay, nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP, chất lượng sản phẩm đáp ứng các chỉ tiêu xuất bán vào siêu thị nên gia đình ông đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Vinh Anh (Hà Nội). Đến nay, trang trại của gia đình ông thường xuyên duy trì gần 1 nghìn con lợn các loại, trung bình xuất bán cho Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Vinh Anh 70 con/chuyến. Lợi nhuận trung bình đạt trên 1,3 tỷ đồng/năm. Gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi người một lĩnh vực, một cách làm khác nhau nhưng đều có chung sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thành công của họ là cả quá trình phấn đấu, học hỏi. Tin tưởng rằng, với những chính sách, cơ chế hỗ trợ trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp của các cấp, ngành, địa phương; những chia sẻ, hỗ trợ của các tỷ phú nông dân đi trước sẽ làm dày thêm danh sách những tỷ phú nông dân “bám đất làm giàu”, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

MAI ĐÀO

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202112/nhung-ty-phu-nong-dan-xu-nhan-bam-dat-lam-giau-8be2a4d/