Những văn bản dưới luật đang làm khó DN chế biến xuất khẩu thủy sản
Sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm bấy lâu nay vẫn thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) khi nhập khẩu về Việt Nam nhưng lại được 'gắn mác' kiểm dịch là đi ngược lại với tinh thần cải cách hành chính.
Đây là quan điểm ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Trong 10 năm qua (2010-2020), Bộ NN&PTNT đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, gồm: Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT (TT06) ngày 2/2/2010, sau đó được thay thế bởi Thông tư 26/2016/TTBNNPTNT (TT26) ngày 30/6/2016; TT26 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36) ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT (TT11) ngày 22/10/2019.
Luật Thú y không quy định
sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Tuy nhiên các văn bản dưới Luật này lại đang chi tiết hóa theo chiều hướng đa dạng các sản phẩm cần kiểm dịch.
Danh sách sản phẩm kiểm dịch ngày càng… phình
Song song với các quy định có sẵn, tiến trình thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, càng về sau danh mục sản phẩm thủy sản nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.
Ví dụ ở TT06, không phải lấy mẫu xét nghiệm với các sản phẩm thủy sản đã bỏ nội tạng được xử lý nhiệt; ướp muối, phơi khô, hun khói hoặc bảo quản đông lạnh dưới -180C sau thời gian ít nhất 7 ngày (trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ phải duy trì tối thiểu -180C). Thủy sản và các sản phẩm thủy sản sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm cũng không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh.
Nhưng đến TT26 năm 2016, sau khi được “nâng cấp” từ TT06 thì danh mục phải kiểm dịch đã bao gồm “sản phẩm động vật thủy sản ở dạng tươi sống, sơ chế, đông lạnh, ướp lạnh (bao gồm cả động vật thủy sản đã chết ở dạng nguyên con) và cả các sản phẩm động vật thủy sản ướp muối, sản phẩm đã qua xử lý (phơi khô, sấy khô, hun khói). Thậm chí cả các sản phẩm động vật thủy sản ở dạng chế biến, đóng hộp, dầu cá”.
Cuối cùng đến TT36 hiện đang áp dụng, cơ bản những điều của TT26 lại được đưa vào thêm việc đánh giá sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao là sản phẩm động vật thủy sản ở dạng sơ chế, tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh.
Trong khi những văn bản mang tính kỹ thuật sâu này còn gây tranh cãi vì xu hướng mở rộng đối tượng cần kiểm dịch thì hiện nay, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT (TT15). Đây là thông tư về mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT, trong đó quy định rõ những dòng hàng nào phải kiểm tra nhập khẩu theo kiểm dịch, kiểm tra ATTP hay kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Đại diện VASEP nhìn nhận, công tác kiểm dịch nhập khẩu của ngành thú y với các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến hiện nay thực chất là công tác kiểm tra ATTP.
TT15 là danh mục để cơ quan Hải quan có thể đối chiếu, xem xét các giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành để thông quan các lô hàng. “Nếu ban hành với các danh mục theo hướng đang dự thảo sửa đổi này sẽ khiến hơn 80% số lượng sản phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu đúng ra thuộc danh mục miễn kiểm tra nhập khẩu về an toàn thực phẩm (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP) sẽ phải kiểm dịch 100% khi nhập khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Nêu rõ hơn vấn đề, ông Nguyễn Hoài Nam so sánh các hình thức kiểm tra ATTP và kiểm dịch cho sản phẩm thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm hiện nay. Theo đó, thực tế sản phẩm thủy sản nhập khẩu được chia làm hai nhóm: Thứ nhất là nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu (nhóm I), thứ hai là nhập khẩu để tiêu thụ nội địa (nhóm II).
Nhóm I hiện nay vẫn đang thực hiện công tác “kiểm dịch” – như cách gọi của Cục Thú y là kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cảm quan (bao gói, ghi nhãn, ngoại quan) 100% lô hàng nhập khẩu. Khi có nghi ngờ thì thực hiện lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định trong TT36, bản chất chính là các chỉ tiêu ATTP. Trong khi nếu xếp đúng việc kiểm tra nhập khẩu nhóm hàng này là kiểm tra ATTP và thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật ATTP thì nhóm hàng này sẽ thuộc danh mục được miễn kiểm tra về ATTP nhập khẩu (Khoản 7 Điều 13), ông Nam phân tích.
Ở nhóm II là nhập khẩu để tiêu thụ nội địa, thì hiện nay cũng kiểm tra 100% lô hàng về hồ sơ và cảm quan. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được tiến hành theo nguyên tắc khác nhau giữa “sản phẩm nguy cơ cao” và “sản phẩm nguy cơ thấp” – và trung bình 5 lô lấy mẫu xét nghiệm 1 lô. Các chỉ tiêu xét nghiệm cũng theo quy định trong TT36 và việc quyết định đạt hay không là dựa theo QĐ 46/2007-QĐ-BYT của Bộ Y tế về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm.
Việc này cũng cho thấy bản chất đây là kiểm tra ATTP nhập khẩu, dù được mang tên là “kiểm dịch” trong TT26 và TT36. Nếu nhóm hàng này được xếp đúng là kiểm tra ATTP, thì theo Nghị định 15/2018 cũng chỉ kiểm 5% số lô hàng/năm khi đã đạt phương thức kiểm tra giảm.
Gây lãng phí cho doanh nghiệp
Trong văn bản góp ý về Dự thảo Thông tư thay thế TT15 của Bộ NN&PTNT gửi tới lãnh đạo Bộ này hồi đầu tháng 3/2021, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cũng nêu các ý kiến:
Thứ nhất, cần đơn giản hóa danh mục kiểm dịch động vật theo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ. Trong dự thảo Thông tư, bất cứ sản phẩm gì được sản xuất hay chế biến từ động vật đều quy thành “sản phẩm có nguồn gốc động vật” dẫn đến việc áp dụng kiểm dịch quá rộng nằm ngoài phạm vi của Luật trong dự thảo Thông tư.
AmCham Việt Nam dẫn một ví dụ cụ thể: “Từ thịt phân lập được protein. Từ protein tách được các acid amin dùng trong dược phẩm/thực phẩm. Từ acid amin tạo ra được các amin. Như vậy, chẳng lẽ các acid amin, amin dù là thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể con người đều coi là sản phẩm động vật và phải kiểm dịch? Thế giới không có nước nào làm như vậy cả”.
Điểm bất hợp lý thứ hai trong TT15, AmCham chỉ ra đó là kiểm dịch thực phẩm có nguồn gốc động vật bao gói sẵn hiện nay hoàn toàn trùng với kiểm tra ATTP, do cùng kiểm tra các vi sinh vật như E. Coli, Salmonella và không đúng với quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). “Có nhiều mặt hàng vừa phải kiểm dịch sản phẩm ở Bộ NN&PTNT, vừa phải kiểm tra ATTP ở Bộ Y tế, tức là 2 lần kiểm ở 2 bộ khác nhau cho cùng chỉ tiêu, điều này là rất bất hợp lý, gây tốn kém vô ích”, AmCham nhấn mạnh.
AmCham Việt Nam cũng cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan cung cấp, trong năm 2019 có hơn 134.000 lô hàng nhập khẩu phải kiểm dịch, nhưng không phát hiện bất kỳ vi phạm nào. Nếu tính chi phí mỗi lần kiểm dịch chỉ là 1 triệu đồng, thì tổng chi phí đã là 134 tỷ mà không thấy có vi phạm, tức là đã lãng phí hàng trăm tỷ mỗi năm một cách vô ích trong khi kinh tế đang rất khó khăn vì dịch bệnh.
AmCham Việt Nam đề xuất để quản lý có hiệu quả, cần áp dụng quản lý rủi ro và gợi ý với Bộ NN&PTNT các phương án.
Phương án thứ nhất được AmCham đề xuất là bỏ một số mặt hàng khỏi danh mục kiểm dịch để phù hợp với định nghĩa trong Luật Thú y và phù hợp với quản lý rủi ro.
Phương án thứ hai, AmCham gợi ý, nếu Cục Thú y quan ngại một số mã hàng hóa khác trong các chương này có thể chứa các sản phẩm động vật chưa qua chế biến xử lý nhiệt thì nên có ghi chú rõ ràng về phạm vi áp dụng và miễn trừ các sản phẩm xử lý nhiệt. Nên có giấy chứng nhận y tế (Health Certificate) cho sản phẩm nhập khẩu để đảm bảo các sản phẩm này được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tốt, đảm bảo an toàn...
AmCham cũng cho rằng trong danh mục có nhiều mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, “rất bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết mà không mang lại hiệu quả gì đáng kể” cho nên AmCham đề nghị loại bỏ kiểm tra chất lượng trước thông quan cho các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn.
Kết thúc văn bản gửi Bộ NN&PTNT, AmCham đề nghị Bộ “chỉ kiểm tra 1 mục có nguy cơ cao nhất, vừa bảo đảm được an toàn cao cho người tiêu dùng, vừa tạo thuận lợi cho sản xuất-kinh doanh”.