Những vấn đề cần lưu ý khi khai thác thủy sản vùng biển giáp ranh nước ngoài
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, khi khai thác thủy sản trên vùng biển giáp ranh nước ngoài, ngư dân Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau:
Đi khai thác cần tổ chức theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; không sang vùng biển của các nước khác khai thác. Khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh với các vùng biển nước ngoài, ngư dân Việt Nam cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu dạt sang vùng biển của nước khác. Tránh không cho tàu nước ngoài đến gần và tiếp cận; trong trường hợp tàu nước ngoài vượt qua vùng biển Việt Nam, đề nghị ngư dân báo ngay cho lực lượng chức năng cảnh sát biển, hải quân, đồng thời có biện pháp tự bảo vệ.
Các tàu cá của ngư dân cần trang bị thiết bị kết nối vệ tinh (Movimar) và phải mở máy thường xuyên để cơ quan chức năng kiểm soát được vị trí của tàu đang khai thác ở ngư trường nào, để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, cảnh báo tránh vi phạm vùng biển nước ngoài và những vấn đề nguy hiểm khác. Khi gặp tình huống cần sự giúp đỡ, ngư dân gọi về các đài trực canh của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (trực 24/24 giờ).
Những trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp khi tàu cá đang hoạt động trên biển bao gồm: cháy nổ, đâm va, nghiêng lật, cướp biển, hỏng máy thả trôi và mất điều khiển, nước ngập, mắc cạn, tàu đang chìm, rời tàu, người rơi xuống biển, cấp cứu y tế, tai nạn lao động (được gọi chung là các sự cố) thì gọi cấp cứu, khẩn cấp tới hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz, hoặc kênh 16 VHF. Thông tin về tàu sẽ ngay lập tức được chuyển đến ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn địa phương, bộ đội biên phòng địa phương, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực để có các biện pháp ứng cứu tàu kịp thời.
Tại các ngư trường lớn, khu vực nhạy cảm chưa phân chia rõ vùng biển của các nước láng giềng, ngư dân Việt Nam phải nhận biết rõ về chủ quyền của các nước. Chỉ được đánh bắt hải sản trong vùng biển, đảo của Việt Nam, tuyệt đối không đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép dưới bất kỳ hình thức nào. Khi bị nước ngoài kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nếu bất đồng về ngôn ngữ thì bằng cử chỉ, ngư dân phải thể hiện rằng “Chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam". Đồng thời, qua phương tiện thông tin, ngư dân phải tìm cách báo ngay cho các lực lượng chức năng như: cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư để có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Làm tốt công tác chuẩn bị kỹ thuật trước chuyến hành trình như: chuẩn bị phương tiện ngư cụ, trang thiết bị (VHF, AIS - định vị vị trí tàu, ICOM, điện thoại, hải đồ...) trong trạng thái sử dụng tốt nhất.
Khi hoạt động trên biển, chủ tàu phải mang theo giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép đánh bắt cá và phải mua bảo hiểm cho tàu, thuyền viên. Thuyền viên phải có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Phải đăng ký ngư trường đánh bắt cá; khi thay đổi phải báo cáo cho các cơ quan chức năng biết để hỗ trợ khi cần thiết. Tuyệt đối không được đánh bắt cá trên luồng hành trình của tàu biển và không chạy cắt mũi tàu khác. Phải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và pháp luật của các nước. Không tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, chất độc để khai thác hải sản trái phép; không khai thác hải sản có tính chất tận thu, hải sản thuộc danh mục cấm khai thác, đánh bắt (về giấy tờ, hồ sơ tàu, trường hợp bản chính thế chấp tại ngân hàng thì mang theo bản photocopy có chứng thực).
Sau khi kết thúc chuyến biển, chủ tàu cá phải nộp nhật ký khai thác cho ban quản lý cảng cá. Đồng thời, chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trong quá trình lên cá; ghi đầy đủ báo cáo khai thác vào giấy kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản làm cơ sở xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản.