Những vấn đề cần quan tâm sau khi sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố
ĐBP - Hiện nay toàn tỉnh đã có 5 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ triển khai sáp nhập các thôn, bản, đội, tổ dân phố. Bên cạnh những thành công là tinh gọn hệ thống chính trị từ cơ sở, giảm số cán bộ không chuyên trách, nâng cao hoạt động quản lý ở thôn, bản, tổ dân phố thì thực tế một số địa bàn sau khi thực hiện sáp nhập đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, rút kinh nghiệm. Ðặc biệt sau khi sáp nhập, số người hoạt động không chuyên trách giảm, cùng với đó, một người sẽ kiêm nhiệm nhiều chức danh, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 1.813 thôn, bản, đội và tổ dân phố. Thực hiện chủ trương sáp nhập theo quy định, đến nay đã sáp nhập 501 thôn, bản để thành lập 247 thôn, bản. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh còn 1.559 thôn, bản, tổ dân phố.
Huyện Ðiện Biên có 25 đơn vị hành chính cấp xã với 465 thôn, bản, đội. Ðến nay, huyện đã sáp nhập 239 thôn, bản, đội để thành lập 119 thôn, bản, đội trên địa bàn 20/25 xã. Sau khi sáp nhập, nhiều xã đã giảm số lượng lớn thôn, bản, đội như: Sam Mứn sáp nhập 10 bản thành 5 bản; Pom Lót sáp nhập 11 bản thành 5 bản; Thanh Nưa sáp nhập 8 bản thành 4 bản… Ðồng thời, số lượng đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở các thôn, bản cũng giảm nhiều. Trước đây ở mỗi thôn, bản, đội có 8 chức danh không chuyên trách như: Trưởng thôn (bản, đội), công an viên, chi hội trưởng phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân…
Theo ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên thì sau khi sáp nhập đã góp phần tinh gọn hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý thôn, bản… Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2010/NÐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau; chế độ chính sách giữa các vùng, thôn, bản cũng là những vướng mắc sau khi sáp nhập cần sớm được tháo gỡ.
Tại TP. Ðiện Biên Phủ, đã sáp nhập 109 bản, tổ dân phố để thành lập 52 bản, tổ dân phố; đổi tên 6 tổ dân phố. Mặc dù kết quả lấy ý kiến cử tri đối với các tổ dân phố sáp nhập đều nhận được sự đồng thuận cao, nhưng sau khi sáp nhập cũng nảy sinh những vấn đề cần được giải quyết. Ðơn cử như sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trong các tổ dân phố. Trước đây, hội trường của các tổ dân phố được thiết kế, xây dựng phục vụ người dân trong tổ, sau khi sáp nhập 2 tổ thành 1 thì số lượng người sinh hoạt tăng lên gấp nhiều lần, vì vậy mỗi hội trường tổ dân phố đều quá tải, nhiều người không thể tham dự. Ðiều này ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; hay những khi có hội hè, ngày đại đoàn kết… sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức vui chơi của người dân. Ðiển hình, tại tổ dân phố 10, phường Him Lam có 47 hộ dân, sau khi sáp nhập với tổ 9 thì dân số tăng lên gấp đôi, hội trường tổ dân phố cũ không thể đáp ứng được số lượng người tham gia sinh hoạt, hội họp.
Ngoài những vướng mắc, bất cập trên thì chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cũng là vấn đề cần được quan tâm. Theo quy định, hiện nay đội ngũ cán bộ không chuyên trách cơ sở chỉ còn 3 chức danh: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản, tổ dân phố; trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, bản, tổ dân phố. Việc giảm số lượng cán bộ không chuyên trách đồng nghĩa với việc một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc. Khối lượng công việc nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ.