Những vấn đề cần ưu tiên trong 'Chiến lược phát triển năng lượng' [Kỳ 6]

Việt Nam đã bắt đầu trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng vào năm 2015, và tỷ trọng nhập khẩu tịnh năng lượng đã tăng đến 20% vào năm 2017, dự báo tỷ lệ này vào năm 2050 sẽ lên tới 63 - 72% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của đất nước. Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường do các yếu tố bất ổn về địa chính trị, biến đổi khí hậu cực đoan… cho thấy việc nghiên cứu triển khai một chiến lược dài hạn về nhập khẩu nhiên liệu trong trung, dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là hết sức cần thiết, như Nghị Quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu: 'Khẩn trương xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn song song với khuyến khích đầu tư, khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài'. (Bài viết này sẽ đề cập tới vấn đề nhập khẩu than cho sản xuất điện của Việt Nam).

KỲ 6: CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ NHẬP KHẨU THAN CHO ĐIỆN

I. Hiện trạng nhập khẩu than của Việt Nam và các thị trường tiềm năng

Bắt đầu từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng với khối lượng nhập khẩu than ngày càng tăng, đặc biệt từ các nước có tiềm năng phong phú các loại than lò hơi (than bitum, á bitum), phù hợp với các nhà máy nhiệt điện như: Indonesia, Australia và LB Nga (xem Bảng 1):

Bảng 1. Sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam (nghìn tấn) giai đoạn 2015 - 2019:

Năm 2019 sản lượng than sạch sản xuất trong nước đạt trên 39 triệu tấn (40,5 triệu tấn than nguyên khai). Như vậy, lượng nhập than trong 10 tháng năm 2019 đã tới trên 94% so với than trong nước.

Qua Bảng trên nhận thấy, hiện nay Việt Nam nhập khẩu than chủ yếu từ Indonesia, Australia, LB Nga và Nam Phi với khối lượng không lớn. Dưới đây là những nghiên cứu, nhận định về 4 thị trường tiềm năng này đối với quy hoạch nhập khẩu than của Việt Nam:

1/ Indonesia:

Indonesia là nước có tiềm năng tài nguyên trữ lượng than và cũng là nước sản xuất than lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay tổng trữ lượng than của Indonesia là 22.598 triệu tấn, trong đó 15.068 triệu tấn than anthracite và bitum, 7.530 triệu tấn than á bitum và lignite, chiếm 2,2% trữ lượng than thế giới và chiếm 5,3% trữ lượng than khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Than á bitum và bitum của Indonesia rất phù hợp với các dự án nhiệt điện than mới của Việt Nam (từ khu vực miền Trung trở vào phía Nam). Trong những năm gần đây xuất khẩu than năng lượng của nước này tăng mạnh với giá thấp hơn so với than của Australia có cùng nhiệt trị, nên việc nhập khẩu than từ Indonesia để phục vụ cho nhu cầu của các nhà máy điện có tính khả thi kinh tế cao hơn so với nhập khẩu than từ thị trường khác.

Tuy nhiên, trong tương lai, việc nhập khẩu than từ Indônesia sẽ gặp một số khó khăn do các mỏ than chất lượng tốt ngày một xuống sâu trong khi các mỏ than mới nằm sâu trong lục địa và chất lượng thấp; điều kiện thời tiết không thuận lợi do mùa mưa kéo dài, khó khăn trong vận chuyển; nhu cầu tiêu thụ than trong nước của Indonesia gia tăng mạnh cùng với chính sách ưu tiên nguồn than cho sử dụng trong nước, hạn chế xuất khẩu nên giá than tăng cao.

Ngoài ra, do nhiều nước nhập khẩu than lớn khống chế nên Việt Nam phải cạnh tranh với các nước này để nhập khẩu than. Vì vậy, thị trường than Indonesia được đánh giá là "thị trường có tiềm năng trong ngắn hạn và trung hạn".

2/ Australia:

Than là nguồn năng lượng lớn nhất ở Australia. Tổng trữ lượng than của Australia tính đến cuối năm 2017 là 144.818 triệu tấn, chiếm 14% tổng trữ lượng than và đứng thứ 3 thế giới, trong đó 68.310 triệu tấn than anthacite và bitum (gọi chung than đen) và 76.508 triệu tấn than ábitum và lignite (gọi chung than nâu). Than đen có cả than năng lượng và than dùng cho luyện kim. Với sản lượng than năm 2017 thì trữ lượng than của Australia có thể khai thác trong 301 năm.

Trong Kịch bản thông thường: Australia sẽ đẩy mạnh sản xuất từ 516 triệu tấn năm 2015 lên 859 triệu tấn năm 2050 để đón đầu sự tăng trưởng của thị trường châu Á bao gồm Ấn Độ, các nước ASEAN và để bù đắp cho sự sụt giảm than năng lượng của Indonesia. Trong đó, sản lượng than năng lượng đến năm 2030 là 381triệu tấn, năm 2040 - 502 và năm 2050 - 616.

Trong "Kịch bản công nghệ tiên tiến": Sản lượng than năng lượng của Australia năm 2030 là 272 triệu tấn, năm 2040 - 284 triệu tấn và năm 2050 - 284 triệu tấn.

Dự báo giá than năng lượng của Australia đến 2030 có thể tăng đến 160,0 - 166,7 USD.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia ngành than, việc nhập khẩu than từ Australia Việt Nam có một số thuận lợi cơ bản sau:

Thứ nhất: Tài nguyên than ở Australia rất dồi dào, chất lượng tốt; Chính phủ Australia khuyến khích các nhà đầu tư khai thác than.

Thứ hai: Các công ty, tập đoàn nước ngoài chủ yếu từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan đã đầu tư khai thác các mỏ trong đó có than tại Australia từ rất lâu.

Thứ ba: Đối với Việt Nam cách thức thuận lợi nhất để đầu tư khai thác than tại Australia là mua cổ phần của các công ty đã có sẵn.

Thứ tư: Tổ chức khai thác theo phương thức chủ mỏ - nhà thầu, trong đó, chủ mỏ quản lý, kiểm soát các hoạt động của nhà thầu và tiêu thụ sản phẩm.

3/ Liên Bang Nga:

Theo BP 2018, tổng trữ lượng than của Nga là 160.364 triệu tấn, chiếm 15,5% trữ lượng than thế giới (đứng sau Mỹ với tổng trữ lượng là 250.916 triệu tấn), trong đó than anthacite và bitum 69.634 triệu tấn và than ábitum và than lignise là 90.730 triệu tấn. Với mức sản lượng năm 2017 có thể khai thác trong vòng 391 năm. Trên thế giới, Nga là nước xuất khẩu than đứng thứ 3, chỉ sau Inđônêxia và Australia. Năm 2017, than xuất khẩu mang về cho Nga 13,5 tỉ đô la Mỹ.

Nga có trữ lượng than dồi dào và tiềm năng xuất khẩu than lớn, vì trong nước ưu tiên sử dụng khí đốt. Than của Nga có giá FOB cạnh tranh, song khi cung cấp sang khu vực châu Á thì không có lợi thế về vận chuyển, đặc biệt khó khăn về vận tải than từ các mỏ vùng Siberi ra cảng biển với cung độ rất lớn (bình quân khoảng 4.000 km) nên chi phí cao (thông thường, chi phí vận tải than bằng đường sắt tuy thấp, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá cao (tới 30% trong giá FOB) và việc kết nối từ mỏ ra cảng khó khăn, phức tạp.

Hơn nữa, than năng lượng của Nga rất được Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng mà 2 nước này lại gần Nga nên bị thu hút vào 2 thị trường này.

Việt Nam với LB Nga có quan hệ truyền thống lâu đời, điều kiện chính trị thuận lợi, công nghệ khai thác mỏ tương đồng, vì vậy, việc hợp tác khai thác than tại bể than Đonbass thuộc Liên Bang Nga là định hướng quan trọng trong việc thu xếp nguồn than nhập khẩu trong dài hạn.

Ngoài ra, trên thực tế, các nhà xuất khẩu than của Nga thường dễ chấp nhận phương thức bán theo giá CIF, thuận lợi cho phía mua ở Việt Nam.

4/ Nam Phi:

Than của Nam Phi có giá FOB cạnh tranh, song khi cung cấp sang Việt Nam thì không có lợi thế về vận chuyển. Hơn nữa, Ấn Độ tiếp tục là nước nhập khẩu chính than của Nam Phi do nhu cầu than của nước này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần vì nhiều lý do (nguồn cung ở Ấn Độ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng, sản xuất điện của Ấn Độ bị chi phối bởi than đá với hơn 75% tổng sản lượng điện là từ than).

Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng có nhu cầu nhập khẩu than Nam Phi. Trữ lượng than hiện có của Nam Phi chỉ đảm bảo khai thác trong vòng 39 năm với mức sản lượng năm 2017, trong khi nhu cầu than trong nước của Nam Phi tăng cao, phải hạn chế xuất khẩu trong tương lai.

Mặt khác, xét về giá trị sử dụng, than Nam Phi tương đối "khó tính" và kém hấp dẫn đối với các loại lò hơi của các dự án nhiệt điện ở Việt Nam. Vì rằng than nhập khẩu phải có khả năng pha trộn với các loại than sản xuất trong nước có chất lượng thấp để chế biến ra những loại than có chất bốc và nhiệt năng phù hợp với nhu cầu của các hộ tiêu thụ, thông thường đó là than anthracite, trong khi than Nam Phi chủ yếu là than bitum.

Do vậy, khả năng nhập khẩu than Nam Phi đối với Việt Nam là không cao, với khối lượng không lớn và không lâu dài.

Từ những phân tích nêu trên về 4 nước có tiềm năng xuất khẩu than cho thấy:

Một là: Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam nên tập trung vào nguồn than nhập khẩu từ thị trường Indonesia, Australia, Nam Phi.

Hai là: Về lâu dài, Việt Nam cần mở rộng thị trường nhập khẩu than sang Nga.

Ba là: Hiện nay thị phần nhập khẩu than năng lượng từ Australia và Indonesia chủ yếu đã do Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc nắm giữ, vì vậy, việc Việt Nam nhập khẩu than từ Australia và Indonesia với số lượng lớn trong dài hạn sẽ gặp không ít khó khăn.

Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam tăng cao, mà nguồn nhập chủ yếu vẫn đang tập trung vào một số nước như: Indonesia, Australia, Nga... Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể đối với việc nhập khẩu than như mở rộng thị trường nhập khẩu, dự báo về giá thành, giá bán than trong nước, giá than nhập khẩu để có những thay đổi cần thiết khi giá than nhập khẩu tăng cao.

Cần thiết sớm nghiên cứu các yếu tố về hợp tác quốc tế, tính ổn định chính trị, thị trường truyền thống,... để xem xét việc đầu tư vào một vài mỏ than ở nước ngoài (liên doanh với chủ mỏ nước sở tại), nhằm tăng tính chủ động về nhập khẩu than trong trung và dài hạn.

II. Về xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu than

Việt Nam từ trước đến nay luôn là nước xuất khẩu than, các hoạt động nhập khẩu than chủ yếu là nhỏ lẻ và do các doanh nghiệp tự thực hiện. Vì vậy, trước tình hình sẽ phải nhập khẩu than số lượng lớn trong những năm tới đây, chúng ta vẫn còn rất yếu và rất thiếu về cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu, hệ thống kho bãi trung chuyển, khả năng vận chuyển quốc tế và nội địa, v.v…

Quy hoạch phát triển ngành Than (QH 403/2016) đề ra định hướng là: "Xây dựng mới, đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hiện có đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

Trên tinh thần đó, để bảo đảm cung cấp than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực lớn tại miền Nam là Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) 4.200 MW (sử dụng than nhập và than nội địa), Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) 4.320 MW và Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang) 3.200 MW, có thể xem xét phương án vận chuyển than nổi với lựa chọn Gò Gia là cảng trung chuyển. Phương án này đã được Bô Công Thương phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải đưa vào Quy hoạch nhóm cảng biển số 6 và Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phép chuyển tải than nổi với khối lượng khoảng 15 triệu tấn/năm và có thể lên tới 20 triệu tấn/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển tải than nổi với cảng trung chuyển Gò Gia có nhiều ưu việt:

Thứ nhất: Có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi để hình thành khu cảng nước sâu, đón được tàu biển tải trọng lớn từ 80.000 DWT tới 150.000 DWT, chiều rộng lòng sông tới 1.000m, bề rộng luồng tàu 200m. rất phù hợp với chiến lược phát triển cảng biển và công tác Logistics.

Thứ hai: Có thể hoạt động quanh năm do không chịu ảnh hưởng của mưa bão.

Thứ ba: Có chi phí đầu tư thấp, thời gian xây dựng nhanh, giá thành chuyển tải 1 tấn than chỉ bằng khoảng 1/3 giá chuyển tải theo phương thức cảng trung chuyển trên bờ truyền thống do sử dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Ngoài ra, đã có những nghiên cứu về khả năng xây dựng cảng trung chuyển than ở các khu vực: Duyên Hải - Trà Vinh, Cái Mép - Vũng Tàu, Soài Rạp - Tiền giang [1]. Từ năm 2013 TKV đã tiến hành lập Báo cáo khả thi Dự án Cảng trung chuyển than Duyên Hải - Trà Vinh, nhưng do một số điều kiện chưa thuận lợi, chưa thống nhất được với tỉnh Trà Vinh về vị trí các hạng mục của Dự án, nên đến năm 2018 Báo cáo khả thi này đã tạm dừng. Quý III năm 2019 Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao EVN kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây của TKV, chủ trì tổ chức nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu để đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Hồi đầu năm 2019, qua xem xét tình hình khai thác, xuất nhập khẩu và tiêu thụ than của Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có Văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về giải pháp giải quyết những khó khăn, thách thức trong phát triển hạ tầng nhập khẩu than. Ghi nhận các kiến nghị trên, Chính phủ đã có Văn bản chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu các đề xuất này. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 17/1/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản (do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký) đồng ý thống nhất với kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về việc "cho phép các đơn vị đầu mối nhập khẩu than tham gia đầu tư xây dựng, hoặc ký hợp đồng dài hạn với các đối tác sở hữu cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu than". Đồng thời, đề nghị Tạp chí thông báo đến các đơn vị đầu mối nhập khẩu than để nghiên cứu và đề xuất cụ thể với Cục hàng hải Việt Nam.

III. Đề xuất các chính sách khuyến khích thực hiện Quy hoạch dài hạn nhập khẩu than

Hiện nay, tại Việt Nam, tham gia thị trường nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện ngoài TKV, Tổng công ty Đông Bắc còn có PV Power Coal thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhập khẩu cho các dự án nhiệt điện của PVN, EVN nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện của EVN, các chủ đầu tư BOT tự nhập than cho các dự án nhiệt điện của mình cũng nhiều doanh nghiệp thương mại trong và ngoài nước khác tham gia cung ứng than nhập khẩu về Việt Nam. Số doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu than cho điện năm 2016 ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc, theo thống kê lên tới 55 doanh nghiệp.

Hiện nay, việc nhập khẩu than ở nước ta đang thiên về hướng cho phép các nhà máy nhiệt điện được chủ động hơn trong việc nhập khẩu than thay vì phải thông qua các đơn vị đầu mối. Tại công văn số 2172/VPCP-CN ngày 10/3/2017 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: "Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than (gồm cả chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện BOT, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài…) chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định (trực tiếp nhập khẩu, hoặc mua than qua đầu mối là TKV, TCT Đông Bắc, hoặc qua doanh nghiệp thương mại)".

Như vậy, thị trường than nhập khẩu ở Việt Nam với yêu cầu đấu thầu quốc tế rộng rãi, thực sự mở cửa đối với các doanh nghiệp kinh doanh than trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các bên mua than đã đưa ra trong hồ sơ thầu những điều khoản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, hoặc đã để xảy ra tình trạng "tranh mua" trên thi trường quốc tế, làm cho giá than (FOB) bị đẩy lên cao.

Để khắc phục tình trạng này, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo EVN và PVN thực hiện quản lý thống nhất việc đấu thầu nhập khẩu than cho các nhà máy điện. Theo đó, EVN và PVN trực tiếp tổ chức đấu thầu tập trung (một đầu mối ở Tập đoàn) theo phương thức mua các "lô hàng lớn" và "dài hạn" (thay vì để các đơn vị thành viên đấu thầu mua lẻ và ngắn hạn như vừa qua). Có như vậy, mới nhập khẩu được than có chất lượng ổn định, với giá (FOB) thấp của các công ty thương mại lớn có kinh nghiệm và chuyên về cung cấp than, khắc phục được những tiêu cực như đã xẩy ra trong thời gian qua.

Đối với TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hai đơn vị vừa khai thác than trong nước (có chi phí/giá thành cao hơn) vừa được nhập khẩu than từ nước ngoài (có giá thấp hơn nhiều) để cung cấp cho các dự án nhiệt điện (trực tiếp, hoặc thông qua đấu thầu), Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cho hai đơn vị này có cơ chế quản lý và hạch toán minh bạch để tránh tình trạng lợi dụng chênh lệch giá trong cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.

Về cơ chế xác định giá than nhập khẩu, tuy đã được hướng dẫn trong thông tư số 13/TT-BCT/2017 của Bộ Công Thương, song các hạng mục như chi phí quản lý, hao hụt khi vận chuyển vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đến nay, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đầu tư khai thác than ở nước ngoài, mà mới chỉ có Công ty Nhiệt điện An Khánh đã thành lập công ty liên doanh để khai thác than ở Indonesia với sản lượng khoảng 3 - 5 triệu tấn/năm. Tình trạng này cần được cải thiện trong giai đoạn tới bằng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (tư, hoặc công) tham gia đầu tư khai thác than tại các nước có chính sách thông thoáng như Australia và LB Nga để góp phần bảo đảm cung cấp than nhập khẩu ổn định, bền vững cho nhu cầu ngày càng tăng trong nước.

IV. Thành lập doanh nghiệp đầu mối đảm nhận thực hiện nhập khẩu than trong dài hạn

Có thể nói, việc nhập khẩu than với khối lượng lớn cho sản xuất điện của Việt Nam là vấn đề hết sức phức tạp. Đã đến lúc chúng ta cần có đơn vị đầu mối có năng lực, kinh nghiệm để nhập khẩu than cho tất các dự án điện than trong tương lai.

Có thành lập một doanh nghiệp đầu mối đảm nhận thực hiện Quy hoạch dài hạn nhập khẩu than (kiểu như ESCO) trên cơ sở Công ty PV Power Coal - một doanh nghiệp đã được thành lập từ năm 2009 để đảm nhiệm việc đảm bảo nguồn cung và chuẩn bị cơ sở hạ tầng tiếp nhận than cho các nhà máy nhiệt điện than của PVN. Trong hơn 10 năm qua PV PowerCoal đã thực hiện một số nhiệm vụ đáng khích lệ.

Cụ thể, với vai trò là đầu mối nhập khẩu than cho các dự án của PVN, PV PowerCoal đã đàm phán ký kết các COFA (Thỏa thuận khung mua bán than dài hạn) với khối lượng than cam kết 15 triệu tấn/năm. Các đối tác được PV PowerCoal lựa chọn ký kết đều là chủ sở hữu mỏ, hoặc những công ty kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực than tại Indonesia và Australia, có kinh nghiệm, năng lực tài chính, có cơ sở hạ tầng khai thác, vận tải, xuất khẩu than hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp than lâu dài, ổn định theo đúng yêu cầu về chất lượng và khối lượng.

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ tự lo phương án vận chuyển và chuyển tải than cho các dự án nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 trong khi Cảng trung chuyển được Chính phủ giao cho TKV chưa được đầu tư xây dựng. PV PowerCoal đã chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án vận chuyển nổi than nhập khẩu với lựa chọn cảng Gò Gia là khu vực neo đậu và trung chuyển (như đã nêu ở phần trên). Phương án này có khả năng trung chuyển tớ 20 triệu tấn/năm đáp ứng nhu cầu than cho các trung tâm nhiệt điện lớn là Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu trong trung và dài hạn.

Kết luận

Từ những thông tin, đánh giá nhận định nêu trên, có thể kết luận: Trong triển khai thực hiện một nội dung quan trọng và cấp thiết của Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam, cần sớm cho nghiên cứu xây dựng 'Chiến lược về nhập khẩu nhiên liệu trong trung, dài hạn'. Riêng đối với nhập khẩu than cho các nhà máy điện và nhu cầu công nghiệp khác, các vấn đề nghiên cứu có thể tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất: Xác định các thị trường xuất khẩu than lớn để tiếp cận và xây dựng các hợp tác thương mại nhập khẩu, kể cả công tác đầu tư mỏ than tại nước ngoài để chủ động trong dài hạn.

Thứ hai: Định hướng xây dựng các hạ tầng cảng - kho trung chuyển than trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam để giảm chi phí nhập khẩu và vận chuyển nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế. Mặt khác, xây dựng hệ thống logistic đi kèm phục vụ nhập khẩu than (dự trữ, pha trộn than, đội tàu thủy vận chuyển - phân phối nội địa). Trước mắt, tập trung vào cảng - kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba: Đề ra các chính sách khuyến khích thực hiện (bao gồn chính sách tài chính, đầu tư, v.v...), các giải pháp ngoại giao, xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, các biện pháp tổ chức, điều hành nhập khẩu nhiên liệu.

Thứ tư: Giao các ngành, cơ quan chức năng, tổ chức, đơn vị chuyên môn phù hợp cùng các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện./.

(Đón đọc kỳ tới...)

Theo Năng lượng Việt Nam

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-van-de-can-uu-tien-trong-chien-luoc-phat-trien-nang-luong-ky-6-568860.html