Những vấn đề còn tồn tại của ĐT Việt Nam khi thoát pressing
Clip ĐT Việt Nam thoát pressing trước ĐT Nhật Bản 'vô tình' cho thấy những vấn đề của thầy trò HLV Troussier khi kết nối cùng số liệu thống kê từ AFC.
Thoát pressing là điểm nhấn giúp ĐT Việt Nam chiếm tình cảm của người hâm mộ dù thua ĐT Nhật Bản 2-4 ở trận ra quân Asian Cup 2023.
Nửa tháng sau tuyên bố “80% ý kiến trên mạng xã hội không ủng hộ tôi”, HLV Philippe Troussier hẳn sẽ cảm thấy ấm lòng nếu đọc những bình luận khen ngợi cách ĐT Việt Nam thoát pressing trước ĐT Nhật Bản.
Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ vấn đề mà ĐT Việt Nam đang gặp phải.
Tình trạng “lệch” cánh
“Tuyển Việt Nam đã thoát pressing thế nào trước Nhật Bản?” tổng hợp 18 tình huống phối hợp ấn tượng của các học trò HLV Philippe Troussier. Một nửa trong số này diễn ra bên cánh trái với sự góp mặt của bộ 3 cầu thủ trẻ Nguyễn Đình Bắc – Võ Minh Trọng – Phan Tuấn Tài.
Không chỉ vượt trội về số lượng so với những “highlight” thoát pressing bên cánh phải (9 so với 5), chất lượng những pha thoát pressing ở hai cánh là điều đáng lưu ý.
Nếu như Minh Trọng thể hiện sự tự tin và có những pha xử lý thanh thoát bên cánh trái, thì Xuân Mạnh không thể kết nối cùng Phạm Tuấn Hải - Đỗ Hùng Dũng – Nguyễn Thanh Bình để tạo ra những miếng phối hợp ấn tượng.
Tình huống thể hiện rõ nhất sự đối lập giữa 2 cánh diễn ra ở phút 17 của trận đấu. ĐT Việt Nam thoát pressing bên cánh trái rồi mở ra thời cơ phản công bên cánh phải, nhưng Xuân Mạnh chuyền dài hỏng và Tuấn Hải không thể theo kịp.
Theo thống kê của AFC, Xuân Mạnh không có đường chuyền chính xác nào tới tiền đạo Tuấn Hải ở trận này. Số liệu của AFC cũng chỉ ra thực tế, người nhận nhiều đường chuyền chính xác nhất từ Xuân Mạnh là trung vệ lệch phải Nguyễn Thanh Bình. Thậm chí, số đường chuyền chính xác của Xuân Mạnh cho Thanh Bình nhiều gần bằng số đường chuyền chính xác của Minh Trọng trong cả trận (16 so với 19).
Điều này cho thấy Xuân Mạnh tỏ ra không thoải mái khi kéo bóng và thực hiện những đường chuyền lên phía trước, thay vào đó là xu hướng chuyền ngang. Clip của VFF phản ánh số liệu của AFC, khi 3 lần Xuân Mạnh xuất hiện trong vai trò khởi tạo tình huống thoát pressing đều là những đường chuyền ngắn đơn giản.
Lần duy nhất Xuân Mạnh thực hiện đường chuyền cho tiền đạo theo thống kê của AFC cũng xuất hiện trong clip của VFF. Một đường chuyền ngang và ngắn, Đình Bắc nhận bóng từ Xuân Mạnh rồi xoay người thoát khỏi vòng vây của 4 cầu thủ Nhật Bản.
Clip của VFF còn lý giải vì sao Trương Tiến Anh liên tục được HLV Philippe Troussier gọi lên tuyển. Với 22 phút thi đấu sau khi vào thay Xuân Mạnh bên cánh phải, Tiến Anh góp phần tạo ra 2 pha “highlight” trong clip thoát pressing trước Nhật Bản. Đó đều là những tình huống chủ động kéo bóng lên phía trước, thay vì chuyền ngang đơn giản.
Ở cánh trái, số liệu của AFC củng cố diễn biến trong clip của VFF. Sự kết nối giữa Minh Trọng và Đình Bắc rất mạnh mẽ. Thực tế, Đình Bắc là người nhận nhiều đường chuyền chính xác nhất từ Minh Trọng (8), còn Minh Trọng là người nhận nhiều đường chuyền chính xác nhất từ Đình Bắc (6).
Thống kê cũng chỉ ra tầm quan trọng của Phan Tuấn Tài. Trung vệ lệch trái của ĐT Việt Nam là người có nhiều đường chuyền chính xác nhất trước ĐT Nhật Bản (64) và trong số này chỉ có đúng 1 đường chuyền về cho thủ môn Nguyễn Filip.
Thiếu lựa chọn nhân sự phù hợp
Cánh trái của ĐT Việt Nam không còn tạo ra “highlight” sau khi Minh Trọng và Đình Bắc rời sân ở phút 64. Điều này trùng khớp với thực tế rằng Khuất Văn Khang chỉ có 2 đường chuyền chính xác sau khi vào sân thay Minh Trọng và cả 2 đều hướng tới trung vệ lệch trái Phan Tuấn Tài.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Trường có 4 đường chuyền chính xác sau khi vào thay Đình Bắc trên hàng tiền đạo hướng đến Đỗ Hùng Dũng, Phạm Tuấn Hải, Trương Tiến Anh và Phan Tuấn Tài.
Dù rằng Minh Trọng - Đình Bắc không đảm bảo thể lực hoạt động cường độ cao suốt 90 phút và ĐT Việt Nam thiếu phương án dự bị ưng ý bên cánh trái, nhưng cơn đau đầu của HLV Philippe Troussier về cánh phải còn nhức nhối hơn.
Khả năng thoát pressing không tốt bên cánh phải đã khiến ĐT Việt Nam nhận bàn thua trước ĐT Nhật Bản. Phút 44, Xuân Mạnh mất bóng khi bị đối phương quây ráp. ĐT Nhật Bản tấn công, tạo ra 2 thời cơ dứt điểm liên tiếp và Takumi Minamino gỡ hòa 2-2.
HLV Philippe Troussier đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm bên cánh phải nhưng vẫn chưa thể “chốt” phương án ưng ý như Võ Minh Trọng – Phan Tuấn Tài bên cánh trái.
Trước khi Phạm Xuân Mạnh – Nguyễn Thanh Bình đá chính trước ĐT Nhật Bản, HLV Philippe Troussier đã trao cơ hội cho Trương Tiến Anh, Vũ Văn Thanh, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Trung Hiếu – Đỗ Duy Mạnh, Bùi Hoàng Việt Anh, Quế Ngọc Hải nhằm tìm “tổ hợp” chạy cánh phải – trung vệ lệch phải. Có thể, cánh phải của ĐT Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi nhân sự ở trận gặp ĐT Indonesia.
Tình trạng ở 2 cánh của ĐT Việt Nam cũng phản ánh thực tế, những cầu thủ trẻ thích nghi và thể hiện tốt hơn so với nhóm cựu binh trong lối chơi HLV Philippe Troussier xây dựng.
Mặt khác, số lượng cầu thủ Việt Nam thực sự hòa nhập với lối chơi của HLV Philippe Troussier vẫn ít hơn những người đang cố gắng đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, ĐT Việt Nam còn bị “bão” chấn thương tàn phá lực lượng tại Asian Cup 2023.
Dấu hỏi về mối nguy hiểm thực sự ở tình huống bóng mở
Trong 18 pha thoát pressing “đã mắt” của ĐT Việt Nam trên YouTube, chỉ có 2 lần trái bóng được luân chuyển từ sân nhà sang sân khách rồi đe dọa ĐT Nhật Bản. Kết thúc của 2 pha bóng này là Minh Trọng tạt thiếu chính xác và Đình Bắc bị chặn cú dứt điểm trong thế chới với. Đây cũng là 2 tình huống có phần may mắn, khi trái bóng bật ra hướng cầu thủ Việt Nam sau những pha tranh chấp 50-50.
Nỗ lực kiểm soát bóng đã đưa ĐT Việt Nam tới 2 tình huống cố định, từ đó có 2 bàn thắng trước ĐT Nhật Bản nhờ công của Đình Bắc và Tuấn Hải. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, khả năng chủ động tổ chức tấn công của ĐT Việt Nam chưa sắc bén.
Trước khi có 2 bàn vào lưới ĐT Nhật Bản, thầy trò HLV Philippe Troussier đã không ghi được bàn thắng nào sau 4 trận gặp các đội thuộc top đầu châu Á. ĐT Việt Nam lần lượt thua ĐT Trung Quốc 0-2, thua ĐT Uzbekistan 0-2, thua ĐT Hàn Quốc 0-6 và thua ĐT Iraq 0-1. Trong đó có 2 trận không tung ra được cú sút nào trước Uzbekistan và Iraq.
Xen giữa chuỗi trận khô hạn bàn thắng của ĐT Việt Nam là chiến thắng 2-0 trước ĐT Philippines. Tuy nhiên, 2 bàn thắng này là sản phẩm từ những pha phòng ngự lập bập của đối phương – kiểu ghi bàn mà HLV Troussier vẫn gọi là “trời ơi đất hỡi” bên cạnh tình huống cố định và tỏa sáng cá nhân.
Ngoài việc gặp những đội mạnh hàng đầu châu lục, ĐT Việt Nam còn thiếu khả năng tấn công sắc bén vì vấn đề nhân sự. Thực tế, 2 ngôi sao tấn công có phẩm chất kỹ thuật và sức sáng tạo đặc biệt nhất của ĐT Việt Nam là Hoàng Đức và Quang Hải đều chưa tìm được chỗ đứng dưới thời HLV Troussier.
Hoàng Đức đã ngồi dự bị trong 2 trận đầu tiên ở vòng loại World Cup 2026 và bỏ lỡ Asian Cup 2023 vì chấn thương. Quang Hải bỏ lỡ các đợt tập trung cuối năm 2023 vì chấn thương và không được sử dụng ở trận gặp ĐT Nhật Bản vừa qua.
Liệu rằng, trận đấu “buộc phải thắng” trước ĐT Indonesia có phải bước ngoặt để ĐT Việt Nam nâng sức tấn công lên tầm cao mới?
Hành trình khó lường
HLV Park Hang Seo thường sử dụng cụm từ “chỉ số kỳ vọng” để mô tả áp lực dành cho ĐT Việt Nam. Đây cũng là chuỗi domino đang chờ thầy trò HLV Philippe Troussier.
Cần thẳng thắng thừa nhận, xu hướng nhận định bi quan trước trận ĐT Việt Nam gặp ĐT Nhật Bản. Bởi vậy, màn trình diễn ngày ra quân Asian Cup 2023 đã giúp thầy trò HLV Philippe Troussier gây bất ngờ cho người hâm mộ và thu về những đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, “chỉ số kỳ vọng” của người hâm mộ đang lên cao trước trận gặp ĐT Indonesia và sẽ tiếp tục tăng thêm với mục tiêu vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023, bay cao ở vòng loại World Cup 2026, vô địch AFF Cup 2024…
Một nấc thang mới đang chờ ĐT Việt Nam bước lên khi gặp ĐT Indonesia lúc 21h30 tối nay 19/1, dù dưới chân thầy trò HLV Troussier là những vấn đề tồn tại ở cả chiến thuật và nhân sự.