Những vấn đề đằng sau chuyến thăm Hy Lạp của Chủ tịch Trung Quốc
Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm đến Hy Lạp, muốn nơi đây trở thành trung tâm kho vận của Trung Quốc. Điều này khiến châu Âu lo ngại.
Một trong những sự kiện ngoại giao đáng chú ý là chuyến thăm Hy Lạp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến Hy Lạp trong 11 năm qua.
Có thể nói, Trung Quốc và Hy Lạp đã và đang xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng chặt chẽ trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi Hy Lạp bán cảng biển Piraeus cho Trung Quốc vào năm 2008. Vậy chiến lược gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với “cửa ngõ” là Hy Lạp có gì đáng chú ý?
Mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc cho Hy Lạp
Có thể nói, thời gian qua, đặc biệt là hai năm trở lại đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Hy Lạp ngày càng trở nên nồng ấm. Tháng 8 năm ngoái, hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường", bao gồm kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hợp tác thương mại-tài chính. Tháng 4 năm nay, Hy Lạp trở thành thành viên mới trong hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông Âu. Tiếp đó, vào tháng 5, Tổng thống Hy Lạp thăm cấp Nhà nước Trung Quốc. Ngày 5/11 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp đã dẫn một phái đoàn gồm hơn 60 doanh nghiệp dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải.
Chuyến công du Hy Lạp lần này của ông Tập Cận Bình là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến Hy Lạp trong 11 năm qua và cũng là chuyến thăm châu Âu thứ 2 của Chủ tịch Trung Quốc trong năm nay trong bối cảnh quan hệ giữa và Mỹ dù có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn căng thẳng và tiếp tục cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực.
Theo truyền thông Trung Quốc, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình là nhằm củng cố tin cậy chính trị và truyền thống hữu nghị giữa hai bên, làm sâu sắc hợp tác thiết thực trong lĩnh vực thương mại đầu tư và cơ sở hạ tầng giữa hai nước. Hai bên dự kiến sẽ ký Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Hy Lạp, đồng thời ký kết hàng loạt các Thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, vận tải biển và năng lượng.
Mối quan hệ với Hy Lạp được Trung Quốc miêu tả là "bạn bè tốt, bạn bè thật, bạn bè thân và bạn bè mới", đồng thời bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ giữa hai bên trở thành hình mẫu giữa hai quốc gia có quy mô khác nhau, chế độ khác nhau và hai nền văn hóa khác nhau. Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ mở ra trang mới trong quan hệ giữa hai bên và đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước bước vào kỷ nguyên mới.
Mục đích của Trung Quốc
Kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ công, giá nhà đất tại thị trường bất động sản Hy Lạp đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Không chỉ giá rẻ hơn bất động sản Trung Quốc, chương trình thị thực vàng thuộc dạng hào phóng nhất châu Âu của chính phủ Hy Lạp cũng trở thành điểm hấp dẫn các Trung Quốc. Trên thực tế, luồng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy đáng kể thị trường bất động sản tại nước này và là tín hiệu tích cực cho quốc gia Nam Âu này trong việc khôi phục lại nền kinh tế sau một thập kỷ suy thoái do khủng hoảng nợ công.
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, tính đến nay, Trung Quốc đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Hy Lạp trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và bất động sản.
Bộ trưởng Bộ phát triển và đầu tư Hy Lạp khi trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã (Trung Quốc) mới đây đã không ngần ngại khẳng định, trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của nước này.
Bên cạnh đó, Hy Lạp sở hữu vị trí địa chiến lược tại Địa Trung Hải khi nằm giữa châu Âu, châu Á và châu Phi. Bởi vậy, Athens chính là cửa ngõ, cầu nối giữa Trung Quốc với châu Âu, cũng là mắt xích quan trọng trong chiến lược lớn “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. Việc tăng cường đầu tư tại Hy Lạp sẽ giúp Trung Quốc thực hiện được chiến lược tạo ra một hành lang kinh tế khổng lồ kết nối Trung Quốc với toàn thế giới, dựa trên phát triển cơ sở hạ tầng và khuếch trương ảnh hưởng về phía tây bằng đường bộ và đường biển.
Mối lo ngại của các nước châu Âu
Việc nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đến thăm Hy Lạp là sự kiện được châu Âu theo dõi rất sát sao bởi lẽ chuyến đi này nằm trong tổng thể của đại chiến lược “” mà Trung Quốc đang thúc đẩy. Từ vài năm qua, châu Âu một mặt bị thu hút bởi đại dự án này của Trung Quốc nhưng mặt khác, lại luôn lo ngại việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị tại châu Âu thông qua các thành viên được coi là “mắt xích yếu”, mà hiện nay nổi lên 3 quốc gia gồm Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Liên minh châu Âu lo rằng thông qua các dự án ở các quốc gia này, hàng hóa của các công ty Trung Quốc có thể vượt qua các rào cản thương mại một cách dễ dàng để thâm nhập vào thị trường chung châu Âu, tạo nên sự cạnh tranh lớn cho các công ty châu Âu do một mặt các công ty Trung Quốc có năng lực sản xuất lớn, mặt khác lại có chi phí cũng như tiêu chuẩn lao động thấp hơn so với châu Âu. Châu Âu cũng lo ngại các công ty Trung Quốc thông qua liên kết, liên doanh với các công ty châu Âu sẽ thu thập được bí quyết công nghệ.
Nghiêm trọng hơn, châu Âu lo rằng Trung Quốc có thể thông qua các “mắt xích yếu” tạo nên sự chia rẽ và làm suy yếu Liên minh châu Âu về mặt chính trị bởi mô hình phát triển của Trung Quốc hiện đang bị xem là thách thức lớn cho sự tồn tại của mô hình phương Tây. Hồi tháng 10 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo từng đến thăm Hy Lạp và cảnh báo Hy Lạp trước các đầu tư của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã cùng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris và truyền đi thông điệp rất rõ rằng châu Âu mong muốn Trung Quốc tôn trọng các lợi ích của khối này. Nhìn chung các lãnh đạo của EU và các nước Pháp-Đức muốn toàn thể EU có một chiến lược chung để ứng xử với Trung Quốc và lo ngại việc mỗi nước riêng rẽ theo đuổi quan hệ riêng với Trung Quốc bởi họ ý thức rất rõ là không một quốc gia châu Âu riêng lẻ nào đủ sức là đối trọng với Trung Quốc./.