Những vấn đề đặt ra đối với việc tuyên truyền về biển, đảo
Ngày 22/10/2018, Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chiến lược tổng thể, toàn diện làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển bền vững và tăng cường công tác quản lí biển, hải đảo của nước ta.
Với mục tiêu tổng quát là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển”, đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển…Do đó, việc phát triển kinh tế biển được thực hiện trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng- an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo, sử dụng hợp lí tài nguyên biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường… Theo đó yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền là nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của biển, hải đảo đối với phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia.
Đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, Chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng pháp luật quốc tế trên biển…
Trước bối cảnh trong nước và dự báo trong thời gian tới tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và nước ta. Tình trạng ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Ở trong nước, việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; an ninh trật tự, an toàn xã hội là những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi công tác truyền thông cần phải có định hướng, có bước đi đúng đắn, nâng cao nhận thức, tạo niềm tin và sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài.
Do đó, công tác truyền thông cần phải tập trung nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong diễn biến tình hình về Biển Đông; bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong toàn lực lượng làm công tác tuyên truyền về biển, đảo. Huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền. Cung cấp thông tin, có định hướng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù các vùng miền, phù hợp với từng thời điểm và thực hiện tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể để đấu tranh với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trên biển; các hoạt động khai thác trái phép, vi phạm chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ các nước trong khu vực.
Nội dung tuyên truyền về biển, đảo phải đa dạng, phong phú, gắn trực tiếp với nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế biển, đồng thời bám sát tình hình thực tế, nhất là các diễn biến mới trên Biển Đông. Xây dựng các nội dung về các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cổ vũ, động viên những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế biển, đảo; các hoạt động quản lí nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển; vấn đề tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển; chính sách hậu phương quân đội…
Các hoạt động tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần được tiến hành chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Coi trọng sự nhạy bén, chính xác trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, có hiệu quả giữa các lực lượng tuyên truyền của cả hệ thống chính trị trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và các tình huống đột xuất; coi trọng việc đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền; lồng ghép công tác tuyên truyền biển, đảo với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy thế mạnh của hình thức tuyên truyền miệng, đặc biệt là đưa các nội dung tuyên truyền biển, đảo vào các hội nghị báo cáo viên từ cấp trung ương đến địa phương nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về biển, đảo. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực biển, đảo nhằm gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hòa bình hợp tác cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới; tăng cường sự hiểu biết, quan tâm, ủng hộ, đoàn kết của cộng đồng quốc tế đối với các cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch xoay quanh vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thẳng thắn trao đổi, đối thoại với các tổ chức, cá nhân có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc sai lệch quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo hiện nay.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144386