Những vấn đề đặt ra qua gần 8 năm thực hiện Quyết định 3678 của UBND tỉnh: Bài 1: Vẫn còn thừa, thiếu hàng ngàn giáo viên các cấp học
Trước yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cùng với đó là quy mô trường lớp và số lượng học sinh liên tục tăng, giảm, khiến cho việc sắp xếp, tuyển dụng mới giáo viên (GV) chưa theo kịp, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ tại nhiều trường học trong tỉnh, nhất là các bậc THCS, tiểu học (TH) và mầm non (MN).
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) hướng dẫn các em học sinh làm bài tập. Ảnh: Duy Sơn
Ngày 8-11-2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3678/2011/QĐ-UBND về việc ban hành quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ (CB) quản lý, GV, nhân viên hành chính các trường MN, TH và THCS công lập (gọi tắt là Quyết định 3678). Tuy nhiên, đến nay qua gần 8 năm thực hiện Quyết định 3678, tình trạng thừa, thiếu GV ở các bậc học này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thừa, thiếu GV cục bộ
Tại huyện Đông Sơn, sau nhiều lần điều động, thuyên chuyển CB, GV theo Quyết định 3678, tình trạng thừa, thiếu GV trên địa bàn huyện vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Đến tháng 8-2019 toàn huyện vẫn đang thừa 40 GV THCS, thiếu 40 GV TH và thiếu 70 GV MN, trong đó trường thiếu nhiều nhất là 8 GV, trường thừa nhiều nhất là 4 GV... Chẳng hạn, tại Trường THCS Đông Thịnh có 22 CB, GV, nhưng dư 3 GV thuộc các bộ môn Hóa học, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, thế nhưng, nhà trường vẫn thiếu 1 GV bộ môn Địa lý. Do thừa, thiếu GV cục bộ nên nhiều năm qua, những GV thuộc diện dôi dư phải thực hiện dạy liên trường. Thầy giáo Phạm Anh Tuấn, GV bộ môn Mỹ thuật, cho biết: Là GV dạy liên trường nên có rất nhiều áp lực trong sinh hoạt chuyên môn ở mỗi đơn vị trường. Mong muốn của tôi là ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu GV để mỗi GV có thể yên tâm công tác ở một đơn vị trường. Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chích, năm học 2018-2019, nhà trường thừa 4 GV, những GV thừa đã được Phòng GD&ĐT điều động tạm thời đi dạy tại một số trường khác nhằm bảo đảm số tiết theo quy định cũng như hỗ trợ những trường thiếu GV các bộ môn đó.
Còn tại huyện Nga Sơn, thầy giáo Lưu Việt Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Nga Vịnh cho hay: Tình trạng thừa GV của nhà trường diễn ra từ nhiều năm nay với nguyên nhân cơ bản là số học sinh mỗi năm một giảm. Ví như năm học 2016-2017 trường có 8 lớp, đến năm học 2017-2018 giảm còn 7 lớp và năm học 2018-2019 vừa qua trường chỉ còn 6 lớp. Việc thừa GV đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường, đặc biệt là vấn đề cân đối, phân công công việc cho GV của ban giám hiệu; cùng với đó là những GV thuộc diện dôi dư bị ảnh hưởng tâm lý, không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường MN Hà Ninh (Hà Trung) cho biết, hiện nhà trường có 2 nhóm trẻ và 7 lớp mẫu giáo, với trên 310 cháu; nhà trường được giao chỉ tiêu 16 biên chế, song, do số trẻ đến lớp ngày càng tăng nên năm học 2018-2019 nhà trường thiếu 7 GV (năm học 2019-2020 thiếu 6 GV). Để bảo đảm việc chăm sóc các cháu, nhà trường đã hợp đồng thêm 3 nhân viên (hợp đồng theo tháng, chủ yếu là nấu ăn); đồng thời chỉ bố trí được 1 GV/lớp, do vậy, rất khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dạy các cháu.
Đây chỉ là vài trong số rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang thừa, thiếu GV. Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, nguyên nhân chủ yếu của việc thừa, thiếu GV là do biến động về dân số cơ học tại các khu vực trung tâm huyện lỵ, khu vực thành phố, thị xã, khu công nghiệp... Đối với MN, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ CB, GV của các địa phương chưa kịp thời dẫn đến bị động trong bố trí số lượng GV. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV tại một số địa phương còn nhiều bất cập...
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tại Quyết định số 5361/QĐ-UBND ngày 28-12-2018 của UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa, theo đó giao số lượng người làm việc cho các trường MN, TH, THCS thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố là MN 12.916 người, TH 16.921 người và THCS 12.442 người. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn phê duyệt, giao lao động hợp đồng làm GV MN ngoài biên chế theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5-1-2018 của Chính phủ là 4.081 người và lao động hợp đồng làm GV tiếng Anh là 104 người. Như vậy, tính theo định mức quy định tại Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh thì số lượng người làm việc năm 2019 trong các trường MN vẫn còn thiếu 6.058 người; TH thiếu 1.787 người và THCS thừa 780 người. Riêng đối với các trường THPT còn thiếu 564 biên chế, tuy nhiên, để đảm bảo công tác chuyên môn, các đơn vị trường học đã chủ động hợp đồng lao động với các giáo sinh chưa được tuyển dụng với số lượng đúng bằng số chỉ tiêu biên chế còn thiếu. Trước việc thiếu GV MN trên địa bàn tỉnh, ngày 25-6-2019, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 227/BNV-TCBC đồng ý bổ sung 3.507 biên chế GV MN tại các cơ sở giáo dục MN công lập của tỉnh Thanh Hóa năm 2019; đồng thời đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt bổ sung số biên chế GV MN trên và thực hiện tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Tuyển dụng, điều chuyển, sắp xếp khoa học, hợp lý
Trong những năm qua, thực hiện Quyết định 3678, các sở, ngành chức năng và địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng CB, GV, nhân viên hành chính các trường MN, TH và THCS, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ĐT, cùng với đó là quy mô trường lớp và số lượng học sinh liên tục tăng, giảm, khiến cho việc sắp xếp, tuyển dụng mới GV chưa theo kịp, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ tại nhiều trường học trong tỉnh, nhất là các bậc THCS, TH và MN.
Để giải quyết vấn đề này, bám sát các quy định, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV. Đặc biệt, đầu tháng 10-2018, tại hội nghị giao ban với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, sau khi nghe Sở Nội vụ báo cáo về tình hình thừa, thiếu GV các cấp học trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT và Sở Tài chính rà soát, thẩm định số trường, số lớp, số học sinh các cấp học năm học 2018-2019, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, trình Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho chủ trương thực hiện theo hướng: Đối với cấp MN các địa phương tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức tuyển dụng số biên chế giao còn thiếu. Đối với cấp TH, UBND tỉnh sẽ giao kinh phí theo số chỉ tiêu còn thiếu theo định mức tại Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố để trả tiền công cho CB, GV dạy thêm giờ và hợp đồng công việc theo quy định. Đối với cấp THCS thực hiện điều chuyển, sắp xếp, cân đối GV giữa các huyện và tăng cường cử đi đào tạo bổ sung để chuyển xuống giảng dạy tại các trường TH còn thiếu GV; triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, việc thực hiện Quyết định 3678 đã và đang được các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện nghiêm túc. Thầy giáo Mai Xuân Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết: Thực hiện Quyết định 3678, huyện đã không cho GV luân chuyển đến các huyện khác do huyện còn thiếu GV; đồng thời tiếp nhận những GV được tỉnh điều động lên theo nghĩa vụ. Sau khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 9656/UBND-VX, ngày 26-8-2016 về việc sắp xếp, bố trí, điều động CB quản lý, GV, nhân viên hành chính tại các trường MN, TH và THCS công lập, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hơn Quyết định 3678, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho huyện tạo điều kiện cho GV được chuyển về theo nguyện vọng. Đến nay, số GV THCS điều động lên đã đủ thời gian đã được thuyên chuyển theo nguyện vọng. Hiện tại, theo quy định, đội ngũ GV của huyện ở cả 3 cấp học đang còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế tỉnh giao (MN thiếu 13, TH thiếu 45, THCS thiếu 20 GV). Hiện, huyện đã được tỉnh phê duyệt đồng ý cho tuyển 74 GV trong năm 2019. Còn tại huyện Hà Trung, đối với GV THCS dư Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức đánh giá xếp loại GV đúng quy định, kết hợp với việc động viên GV về nghỉ chế độ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời phân công tối đa dạy liên trường, liên cấp đối với những GV dạy các bộ môn dạy được ở 2 cấp học theo quy định như: Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh... Đối với GV TH và GV MN còn thiếu huyện tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho tuyển theo biên chế được giao và xin hướng dẫn để được hỗ trợ kinh phí hợp đồng GV bổ sung. Cùng với các giải pháp trên, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV, nhiều trường học đã ký hợp đồng công việc với GV hoặc dồn lớp. Theo thầy giáo Nguyễn Khắc Hồi, Hiệu trưởng Trường TH Quảng Châu (TP Sầm Sơn), trong năm học vừa qua do thiếu 13 GV, nên nhà trường đã hợp đồng công việc với một số GV, nhưng cũng chỉ hợp đồng được 2 GV, đồng thời dồn từ 27 lớp xuống còn 23 lớp. Tuy nhiên, do chế độ hợp đồng lương thấp, nên rất ít GV đăng ký; còn việc dồn lớp mặc dù sẽ dẫn đến quá số lượng học sinh/lớp so với quy định, nhưng nếu không dồn lớp thì không đủ GV để giảng dạy các bộ môn còn thiếu.
Để “Gỡ nút thắt”, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV thì việc tuyển dụng, điều chuyển, sắp xếp CB, GV phải được thực hiện một cách khoa học, hợp lý, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong CB, GV và xã hội. Để làm được điều đó, thiết nghĩ các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra các giải pháp hữu hiệu, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho CB, GV, để họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp “Trồng người”.