Những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Để thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 2860/KH-UBND ngày 6/7/2018 của UBND tỉnh, thời gian qua Sở Công thương đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2018-2020 để có căn cứ triển khai thực hiện. Tuy nhiên qua thực tế triển khai cho thấy, tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

 Chợ Hồ Xá (Vĩnh Linh) nằm trong kế hoạch thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ năm 2020 - Ảnh: T.T

Chợ Hồ Xá (Vĩnh Linh) nằm trong kế hoạch thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ năm 2020 - Ảnh: T.T

Những phát sinh từ thực tế triển khai

Năm 2018, thành phố Đông Hà xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, trong năm 2019 sẽ thực hiện chuyển đổi đối với chợ Khu phố 2, Phường 5 (chợ Lê Lợi), năm 2020 đối với chợ Đông Hà, chợ Phường 4, chợ 1/5. Đến nay, thành phố đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các bước chuyển đổi mô hình quản lý chợ Khu phố 2, Phường 5 (chợ Lê Lợi). Doanh nghiệp tham gia thực hiện đã phối hợp với UBND Phường 5 tổ chức họp thống nhất ý kiến tiểu thương và các thành phần liên quan. Theo dự kiến, trong năm 2020 sẽ phê duyệt phương án và hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác đối với chợ Lê Lợi.

Trong năm 2020, UBND thành phố tiếp tục ban hành văn bản việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng phương án để thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác đối với các chợ Đông Hà (Phường 1), chợ Phường 4, chợ 1/5 (Phường Đông Lương). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chợ Đông Hà có quy mô lớn nên việc kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chợ để cải tạo, nâng cấp, đầu tư phát triển chợ gặp khó khăn. Thành phố đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chợ để cải tạo, nâng cấp, đầu tư phát triển chợ.

Huyện Vĩnh Linh hiện có 17 chợ, trong đó Ban quản lý chợ huyện quản lý 6 chợ, 11 chợ còn lại do UBND các xã quản lý. Theo đánh giá của UBND huyện, thời gian qua Ban quản lý chợ huyện đã làm tốt công tác quản lý, các chợ hoạt động hiệu quả, đã tự chủ ngân sách, đảm bảo chi thường xuyên trong mọi hoạt động nên thống nhất giữ nguyên mô hình một Ban quản lý quản lý nhiều chợ. Huyện cũng đã đề xuất tỉnh xem xét cho tổ chức làm thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác một chợ trên địa bàn để thuận lợi trong thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng.

Toàn tỉnh hiện có 79/108 chợ được quy hoạch, trong đó có 38 chợ kiên cố, 28 chợ bán kiên cố, có 8 chợ tạm và 5 chợ đang được xây dựng. Về mô hình quản lý, có 41 chợ hoạt động theo ban quản lý, 27 chợ hoạt động theo tổ quản lý, 1 chợ do doanh nghiệp quản lý, 1 chợ do Trung tâm môi trường đô thị quản lý, 3 chợ do cá nhân quản lý và 5 chợ chưa thành lập ban quản lý, tổ quản lý.

Theo đề xuất của các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần BC SMART Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát và xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác đối với chợ Cầu (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh), chợ Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) và chợ Khu phố 2, Phường 5 (chợ Lê Lợi) thuộc thành phố Đông Hà. Đến nay, Công ty cổ phần BC SMART Quảng Trị đã xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác đối với các chợ nêu trên và đang lấy ý kiến đối với các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án.

Cần có phương án linh hoạt cho từng địa phương

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh về việc chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020 thì toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi mô hình của 25 chợ. Trong đó năm 2018 thực hiện đối với 2 chợ, năm 2019 đối với 4 chợ, năm 2020 thực hiện đối với 19 chợ. Thị xã Quảng Trị có hai chợ là chợ Hải Lệ và chợ Ba Bến nằm trong kế hoạch thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý trong năm 2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Thực tế thời gian qua cho thấy, hầu hết các địa phương khi bắt tay triển khai thực hiện đều gặp rào cản chung là các Ban quản lý chợ hoạt động kém hiệu quả, chưa tự chủ được tài chính nên khả năng tự chuyển đổi sang công ty cổ phần hoặc hợp tác xã khó khả thi. Bên cạnh đó, mặc dù cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai thực hiện các công đoạn trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ ở các địa phương còn lúng túng, chưa có mô hình cụ thể để tổ chức học tập. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ các địa phương gặp lúng túng đối với việc xử lý tài sản công, thủ tục thực hiện cho thuê, giao đất cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý và kinh doanh khai thác chợ.

Để việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh có hiệu quả trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đối với các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ để người dân hiểu được các lợi ích thiết thực trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ mang lại. Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết đối với từng chợ trên địa bàn quản lý trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Các ngành liên quan cần hướng dẫn các địa phương trình tự thủ tục và phương pháp xác định nguồn hình thành, đánh giá toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã đầu tư, còn lại tại thời điểm lập phương án chuyển đổi, hướng dẫn định giá tài sản và xử lý tài sản, nguồn vốn khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Các thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý, trung tâm quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý; việc sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các ban quản lý, tổ quản lý chợ theo đúng quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng cần được các ngành chức năng hướng dẫn triển khai cụ thể để các địa phương không lúng túng khi thực hiện chủ trương của UBND tỉnh trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150752