Những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ ở Đảng bộ Quân sự Hà Tĩnh
Luật Sĩ quan hiện hành quy định, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp trung tá, thiếu tá, đại úy lần lượt là 51, 48 và 46 tuổi như hiện nay đã và đang tác động không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng và động cơ phấn đấu của mỗi cán bộ. Làm thế nào để từng bước giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của số cán bộ trong diện này luôn là vấn đề được Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh và các cấp ủy quan tâm đi tìm lời giải.
Bài 1:
Trăn trở với quy định độ tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội
Quy định độ tuổi nghỉ hưu của sĩ quan theo Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (được ban hành và có hiệu lực từ năm 1999) có độ “chênh” so với Bộ luật Lao động (ban hành và có hiệu lực từ năm 2019). Điều này không chỉ khiến cuộc sống của đội ngũ sĩ quan gặp không ít khó khăn khi về hưu mà còn làm lãng phí nguồn nhân lực phục vụ tại ngũ đang ở độ chín về trình độ, năng lực cũng như kinh nghiệm thực tiễn.
Tâm tư người trong cuộc
Nguyên là trợ lý tác huấn, Ban CHQS huyện Kỳ Anh, tháng 4/2021, Thiếu tá Trần Trọng Thúy (thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) nhận quyết định nghỉ hưu theo Luật Sĩ quan hiện hành. Với 48 năm tuổi đời, hơn 30 năm tuổi quân (30,3 năm đóng BHXH), nghỉ hưu, anh chỉ được nhận 69% mức lương so với thiếu tá đương chức.
Anh nhận quyết định nghỉ hưu trong hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mẹ đã mất, bố bị chấn thương tủy sống, nằm một chỗ; vợ là nhân viên thư viện Trường Tiểu học Kỳ Đồng, 2 con đang tuổi ăn học, mọi chi tiêu gia đình đều nhìn vào đồng lương rất eo hẹp của 2 vợ chồng. Hoàn cảnh là vậy nên anh phải làm thêm nghề sửa xe đạp và nhận thêm ruộng để làm nhưng rồi cuộc sống vẫn chật vật, khó khăn.
“Về hưu ở độ tuổi này, với lĩnh vực đặc thù trong quân đội nên hầu hết các sĩ quan thiếu tá, trung tá rất khó tìm được việc làm thêm để cải thiện thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Vậy nên, chúng tôi chỉ mong sao Nhà nước sửa đổi Luật Sĩ quan, kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ vì ở độ tuổi này, hầu hết sĩ quan đều đang đủ sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm làm việc để khi về hưu phần nào giảm được khó khăn cho gia đình” - anh Thúy chia sẻ.
Còn với Thiếu tá Hoàng Minh Hải (SN 1975, quê xã Thạch Khê, Thạch Hà), từng học cao đẳng Vinhempich và Học viện Kỹ thuật Quân sự, tốt nghiệp loại khá, là niềm mơ ước của bao bạn bè đồng trang lứa. Là người được đào tạo cơ bản, anh Hải đã trải qua các chức vụ khác nhau của ngành kỹ thuật quân sự và phát triển lên đến chức danh Trưởng ban Xe máy, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh với quân hàm thiếu tá.
Với chức danh hiện tại, trần quân hàm của anh Hoàng Minh Hải là trung tá, nhưng “vướng” độ tuổi quy định của Luật Sĩ quan nên cuối tháng 9/2023, anh nhận quyết định nghỉ hưu ở tuổi 48. Trung tá Lê Xuân Phú - Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: “Đồng chí Hải được đào tạo cơ bản, có trình độ, kiến thức và năng lực chuyên môn vững của ngành xe máy quân sự, có thể phát triển lên cao hơn. Dù trần quân hàm của anh lên đến trung tá, song, anh phải nghỉ hưu trước ngưỡng khi chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là sẽ được đề bạt quân hàm trung tá”.
Khác với Thiếu tá Trần Trọng Thúy và Thiếu tá Hoàng Minh Hải, Trung tá Đào Xuân Hùng - nguyên Trưởng ban Tổ chức, thuộc Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) được xem là một “tư lệnh” ngành tổ chức xây dựng Đảng với năng lực, trình độ chuyên môn sâu, luôn tận tâm, tận tụy, đặt công việc của cơ quan lên trên hết, trước hết để tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh triển khai có chất lượng, chiều sâu công tác tổ chức xây dựng Đảng. Nhiều năm liền, anh liên tục được khen thưởng các hình thức, trong đó có 8 năm liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Tháng 6/2023, Trung tá Đào Xuân Hùng có quyết định nghỉ hưu ở tuổi 51 khi đang ở độ chín về trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và bề dày thành tích vì “vướng” quy định tuổi nghỉ hưu (cấp trung tá không quá 51) theo Luật Sĩ quan hiện hành.
Khảo sát thực tế hiện nay, trong tổng số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở các cơ quan, đơn vị thì sĩ quan có quân hàm trung tá, thiếu tá chiếm 76,1%. Từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã giải quyết chế độ nghỉ hưu và nghỉ chờ hưu cho 220 cán bộ; trong đó, quân hàm thiếu tá, trung tá chiếm 61,3%. Số cán bộ này chủ yếu thuyên chuyển từ đơn vị chủ lực về, tuổi đời đã cao và chưa qua chức vụ tương ứng nên việc xem xét cử đi học, đào tạo rất khó khăn.
Tìm lời giải để “xóa sức ỳ” và tư tưởng “hết tuổi quy hoạch”
Theo Luật Sĩ quan hiện hành, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo quy định của trung tá, thiếu tá, đại úy lần lượt là 51, 48 và 46 tuổi. Đối với cấp thiếu tá vốn hệ số lương đã thấp, khi về hưu, họ chỉ được hưởng 65-68% do chưa đủ 35 năm đóng BHXH. Từ thực tế đó, đa số sĩ quan cấp trung tá trở xuống khi đến tuổi sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở khi cho rằng mình không còn cơ hội để phát triển cao hơn, nảy sinh tư tưởng buông xuôi, làm việc cầm chừng, kém hiệu quả.
Vấn đề cấp ủy các cấp trăn trở là làm sao đánh bật được “sức ỳ” và tư tưởng cố hữu “hết tuổi quy hoạch” trong nhận thức của một số cán bộ sĩ quan có cấp bậc quân hàm trung tá trở xuống, nhất là đội ngũ trợ lý ở ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã hiện nay. Đây sẽ là chìa khóa để phá rào cản, “xóa sức ỳ”, tạo động cơ phấn đấu vươn lên, an tâm tư tưởng cho một bộ phận cán bộ hiện nay.
Phòng Chính trị là cơ quan tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh về công tác cán bộ trong LLVT tỉnh. Để gỡ vướng trong thực hiện Luật Sĩ quan hiện nay, Đảng ủy phòng đã tham mưu đồng bộ nhiều giải pháp đột phá để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Đại tá Phan Huy Tâm - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho hay: “Cơ quan đã mạnh dạn tham mưu, chỉ đạo đánh giá, nhận xét đúng năng lực từng cán bộ, từ đó đề nghị lựa chọn bố trí, sắp xếp những cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, có độ tuổi phù hợp, được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn để tạo nguồn phát triển lên các vị trí chủ trì quản lý, chỉ huy và các chức danh phù hợp, có quân hàm tương ứng và cải thiện mức lương trước khi nghỉ hưu”.
Để làm được điều này, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đánh giá, phân loại năng lực huấn luyện, chỉ huy, quản lý điều hành huấn luyện của cán bộ các cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn theo phương châm “Cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, chỉ huy bồi dưỡng đơn vị, cán bộ giàu kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ trẻ gắn với khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tự học, tự rèn”, “yếu khâu nào bồi dưỡng kỹ khâu đó”.
Đại tá Nguyễn Xuân Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “Việc mạnh dạn sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ sẽ tạo cho họ cơ hội được cống hiến và thể hiện mình, qua đó phát huy được nhiệt huyết, trách nhiệm, tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm, bồi dưỡng phương pháp chỉ huy, quản lý. Và qua thực tiễn để họ khẳng định trình độ, năng lực, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, tạo sức bật mới ở từng cơ quan, đơn vị”.
Tuy nhiên, trên thực tế, để giải bài toán này ở cấp cơ quan quân sự huyện là rất khó vì ràng buộc bởi tiêu chí, quy định. Ở Đảng bộ Quân sự huyện Can Lộc hiện có đến 76% cán bộ có quân hàm trung tá, thiếu tá thuộc diện “kịch trần” phải xét nâng lương vì không đủ tiêu chí bổ nhiệm chức danh tương đương để xét thăng quân hàm cao hơn.
Trung tá Hoàng Trọng Thanh - Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Can Lộc cho rằng, cấp có thẩm quyền cần xem xét, có biện pháp giải quyết những bất cập về độ tuổi nghỉ hưu của sỹ quan hiện nay.
Xuân Liệu
(Còn nữa)