Những vấn đề đặt ra trong công tác huấn luyện lực lượng vũ trang
Từ năm 2013 đến nay, công tác huấn luyện chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh được triển khai, tổ chức thực hiện trong điều kiện an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, QP-AN được củng cố, tăng cường và giữ vững; đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên được kiện toàn, biên chế theo đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, những vấn đề đặt ra trong công tác huấn luyện để cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung tìm cách tháo gỡ.
Nhất quán trong chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện
Hàng năm, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo LLVT tỉnh quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của quân đội, Quân khu và nhiệm vụ của LLVT tỉnh. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc công tác huấn luyện. Các chế độ huấn luyện được thực hiện nền nếp. Trong đó, thường xuyên đổi mới về tổ chức và phương pháp sát với tình hình nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn tác chiến trong khu vực phòng thủ, do đó chất lượng huấn luyện không ngừng được nâng lên.
100% Đảng ủy trực thuộc, Đảng ủy Quân sự các huyện, thành phố, Trung đoàn 814 đã ra nghị quyết chuyên đề, nghị quyết lãnh đạo thường kỳ về công tác huấn luyện sát với tình hình thực tế, lấy kết quả công tác huấn luyện hàng năm là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, ngay sau khi có đề án "Đổi mới cơ chế chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện”, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan xây dựng kế hoạch, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả các đơn vị. Trên cơ sở đó kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, đồng thời ra chủ trương giúp nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng.
Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn xác định huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên của LLVT tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, người chỉ huy các cấp, là trách nhiệm của mọi tổ chức, cán bộ, chiến sỹ (CB, CS). Theo đó, Bộ CHQS tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của chỉ huy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn chất lượng huấn luyện với công tác đánh giá cán bộ hàng năm, bình xét thi đua khen thưởng đối với các đơn vị bảo đảm khách quan, công tâm. Quá trình huấn luyện đã quán triệt phương châm "Cơ bản - thiết thực - vững chắc” đối với lực lượng thường trực. "Cơ bản - thiết thực - chất lượng” đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV). "Thiết thực - từng bước - vững chắc” đối với lực lượng dự bị động viên (DBĐV), coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, thực tế chiến đấu, cường độ cao; kết hợp lý thuyết với thực hành, trong đó lấy thực hành làm chính. Đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ việc phân loại đối tượng, làm cơ sở để xác định nội dung, thời gian, tổ chức, phương pháp huấn luyện phù hợp, đạt kết quả cao.
Tổ chức bài bản, huấn luyện toàn diện
Căn cứ vào Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch huấn luyện các giai đoạn sát, đúng, phù hợp với từng đối tượng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình xây dựng kế hoạch huấn luyện chiến đấu; tiến trình biểu, chương trình huấn luyện chiến đấu hàng tháng cụ thể, khoa học.
Trước khi bước vào huấn luyện, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ với những nội dung thiết thực mà trong thực tiễn huấn luyện của đơn vị còn yếu, chưa thống nhất, các nội dung mới cập nhật. Trong 10 năm qua đã mở 262 lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ cho gần 41.000 lượt người với kết quả chung đạt khá.
Trong từng đối tượng cụ thể cũng đảm bảo huấn luyện với sự đổi mới trong phương pháp, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xử lý các tình huống của CB, CS. Đối với huấn luyện tại chức, cơ quan Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thành phố, Trung đoàn 814 tổ chức huấn luyện tập trung vào các nội dung học tập, quán triệt nghị quyết, các chuyên đề về giáo dục chính trị; công tác quân sự tập trung vào tổ chức, phương pháp chuyển trạng thái SSCĐ, huấn luyện điều lệnh, kỹ thuật chiến đấu bộ binh; huấn luyện công tác hậu cần, kỹ thuật bảo đảm sát với từng chức trách, nhiệm vụ. Qua đó, định hướng cho người học những nguyên tắc, cách thức, phương pháp tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ các cấp.
Đối với nhân viên chuyên môn kỹ thuật, các cơ quan chuyên môn chuẩn bị nội dung theo chuyên ngành, bồi dưỡng tập trung tại Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thành phố, Trung đoàn 814. Kết quả huấn luyện, bồi dưỡng đạt khá, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật và các loại khí tài.
Đối với chiến sỹ phân đội, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chỉ đạo các phân đội và các kho, trạm tổ chức huấn luyện theo kế hoạch bảo đảm đầy đủ các nội dung về giáo dục chính trị, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật binh chủng hợp thành, kỹ thuật và chiến thuật chuyên ngành binh chủng, điều lệnh, thể lực, hậu quả. Trong huấn luyện bảo đảm bảo an toàn tuyệt đối, hiệu quả cao.
Đối với lực lượng DBĐV, DQTV và công tác giáo dục QP-AN, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quân sự huấn luyện, giảng dạy cho các lực lượng đảm bảo đúng, đủ quân số, nội dung, thời gian theo kế hoạch. Trong đó, hoàn thành 100% chỉ tiêu huấn luyện lực lượng DBĐV, DQTV với kết quả chung đạt khá. Kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong 10 năm qua, có 25 đồng chí đối tượng 1 và hơn 500 đồng chí đối tượng 2 đã hoàn thành với kết quả khá. Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp đã mở 86 lớp cho đối tượng 3 với hơn 6.000 lượt người; mở 485 lớp cho đối tượng 4 với hơn 42.000 lượt người, kết quả đạt khá.
Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên tổ chức luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ, tổ chức diễn tập 1 bên hai cấp trên bản đồ và ngoài thực địa có một phần thực binh; diễn tập khu vực phòng thủ; diễn tập phòng, chống lụt bão, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã theo kế hoạch. Qua đó góp phần nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng của các cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Nhân dân địa phương và CB, CS LLVT đối với công tác QP-QSĐP và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác hội thi, hội thảo cũng đạt những thành tích nhất định. Điển hình như tham gia hội thao thể dục thể thao Quân khu, kết quả đoạt huy chương vàng các môn bóng chuyền nam, quần vợt; giải ba nội dung đồng đội nam môn võ DQTV, đôi nam võ DQTV; huy chương bạc, đồng môn võ chiến đấu tay không.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục
Trong quá trình huấn luyện, ở các cấp vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể như một số cấp ủy, chỉ huy có thời điểm chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến công tác huấn luyện; công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cấp dưới khắc phục khâu yếu, mặt yếu chưa thường xuyên; sáng kiến cải tiến mô hình học cụ huấn luyện chưa đầu tư có chất lượng. Một số cán bộ làm công tác huấn luyện chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến việc xây dựng kế hoạch huấn luyện chưa khoa học, chưa bám sát điều kiện thực tế. Công tác chuẩn bị huấn luyện của một số đơn vị còn hạn chế, vật chất chưa đáp ứng đủ với nội dung huấn luyện, điều kiện thao trường; bãi tập nhiều đơn vị chưa đảm bảo. Chất lượng cán bộ huấn luyện trong các đơn vị DBĐV, DQTV có mặt còn hạn chế.
Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy có thời điểm chưa kịp thời; năng lực tham mưu và tổ chức quản lý, điều hành huấn luyện của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ, khả năng thực hành, làm mẫu của một số cán bộ cơ sở còn yếu. Chưa triệt để phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng. Công tác chuẩn bị huấn luyện của một số đơn vị còn hạn chế, vật chất chưa đảm bảo.
Về giải pháp đề ra, Đại tá Quách Đăng Phú, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Cần làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện. Tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua trong LLVT tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị đóng quân trên địa bàn tạo mọi điều kiện thuận lợi để công tác huấn luyện của cơ quan, đơn vị đạt kết quả tốt. Chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho CB, CS. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện; xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ quan quản lý huấn luyện và cán bộ trực tiếp huấn luyện có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp, tác phong khoa học. Kiện toàn đồng bộ tổ chức, biên chế. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện đồng bộ với tổ chức biên chế, vũ khí trang bị kỹ thuật mới; nâng cao chất lượng diễn tập, hội thi, hội thao các cấp...”.
Thanh Sơn
Nhóm ý kiến:
Tăng cường giáo dục chính trị trong huấn luyện
Thực tế cho thấy, công tác giáo dục chính trị trong huấn luyện có vai trò quan trọng giúp CB, CS xác định rõ mục tiêu phấn đấu, trách nhiệm bản thân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao bản lĩnh chính trị, không dao động trước các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Do đó, cần tăng cường, thường xuyên tổ chức giáo dục chính trị, đa dạng hoạt động, phương pháp phù hợp với các đối tượng như: Thực hiện "Ngày chính trị và văn hóa tinh thần”, hội thi giảng dạy chính trị hàng năm, quán triệt Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của chỉ huy cấp trên… Tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đảm bảo ổn định về đời sống vật chất, tinh thần cho CB, CS, tạo tâm thế an tâm sẵn sàng chiến đấu cho mỗi người lính.
Thượng tá Bùi Văn Thành
Chính trị viên Ban CHQS huyện Tân Lạc
Làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện hàng năm
Hàng năm, công tác chuẩn bị huấn luyện được thực hiện ngay từ đầu năm. Đây là khâu quan trọng để thực hiện tốt công tác huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch từng năm. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, cần hoàn thiện tốt các điều kiện về hệ thống bia bảng, vật chất, mô hình học cụ, trang thiết bị bảo đảm huấn luyện; sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện; hệ thống văn kiện tham mưu huấn luyện tháng đầu và hệ thống sổ sách. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác huấn luyện cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới thường xuyên nội dung, phương pháp luyện tập đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với từng đối tượng huấn luyện. Tận dụng triệt để điều kiện hiện có về vũ khí trang bị, thao trường, đảm bảo về thời gian, quân số luyện tập để chất lượng huấn luyện đạt hiệu quả cao.
Trung tá Bạch Công Thành
Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mai Châu
Duy trì huấn luyện thường xuyên cho đội ngũ dân quân tự vệ
Là một trong các đối tượng được chú trọng huấn luyện hàng năm, lực lượng DQTV phát huy vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ QP-QSĐP, tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp trên giao. Do đó, cần thường xuyên tổ chức huấn luyện với nội dung đa dạng cho đội ngũ DQTV. Cụ thể, về giáo dục chính trị như: Tình hình ANCT, TTATXH, nhiệm vụ QP-QSĐP; quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng; công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của DQTV; Luật DQTV; lực lượng DBĐV. Về nội dung huấn luyện như điều lệnh đội ngũ; tập ngắm bắn súng AK 3 tư thế nằm, quỳ và đứng bắn; tập ném lựu đạn xa trúng hướng và các tư thế vận động trên chiến trường.
Nguyễn Văn Thiên
Trung đội trưởng Dân quân cơ động xã Quang Tiến (TP Hòa Bình)