Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 40)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử thế giới' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành
Kỳ 40
2. Sự khủng hoảng và sụp đổ của các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu
Chủ nghĩa xã hội vượt khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới là một trong những kết quả lớn nhất từ khi đại chiến thứ hai kết thúc. Từ năm 1944 đến năm 1949 các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt được thành lập. Dưới sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu hoàn thành các cuộc cải tạo dân chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở Châu Á, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Lào sau khi hoàn thành các mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành những nước xã hội ở châu Á. Do kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít 1945, Nam Tư cũng trở thành nước Xã hội chủ nghĩa trên bán đảo Ban Căng. Năm 1959 với việc cách mạng Cu Ba thành công, lá cờ của chủ nghĩa xã hội phấp phới bay ở Tây Bán cầu. Các nước Xã hội chủ nghĩa đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng vào những năm 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các nước Đông Âu giành chính quyền nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô nên chịu ảnh hưởng nặng nề, sao chép nguyên mô hình, chế độ quản lý tập trung cao độ của Liên Xô. Các nước Đông Âu không thể độc lập thi hành chủ trương quyết sách trong công việc nội bộ. Học tập một cách máy móc kinh nghiệm của Liên Xô, ở mức độ khác nhau, các Đảng Cộng sản ở các nước này đã thoát ly thực tiễn của đất nước mình. Ở các nước này, người ta cũng phủ định quan hệ hàng hóa, cơ chế thị trường, phát triển công nghiệp nặng riêng rẽ, coi nhẹ công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp. Kết quả ở các nước xã hội chủ nghĩa năng suất lao động thấp, nền kinh tế quốc dân mất cân đối, hàng hóa khan hiếm, đời sống của nhân dân xuống thấp, quyền dân chủ bị hạn chế. Vào những năm 70 các nước xã hội chủ nghĩa bước vào thời kỳ khó khăn. Một bộ phận cán bộ đảng và nhà nước tha hóa, biến chất càng làm cho nhân dân bất mãn.
Thất bại về kinh tế của các nước Đông Âu là thất bại của mô hình tập trung, kế hoạch hóa. Suốt thập kỷ 70-80, các nước này phải đối phó với tình trạng giảm tăng trưởng kinh tế, giảm thu nhập quốc dân. Do sự suy yếu về cơ cấu của năng suất lao động và của tư bản nên đầu tư cũng giảm. Đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hóa là sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, nhà nước tự cấp nguồn vốn, bất chấp đánh giá của nhu cầu cạnh tranh và các mối lợi tương hỗ. Nhà nước quy định giá cả mà không căn cứ vào chi phối sản xuất và cân đối giữa cung và cầu. Nhà nước buộc phải trao chi phí sản xuất với giá cả bằng một hệ thống bao cấp tốn kém, làm ngân sách nặng nề và buộc phải in thêm tiền mới, đó là nguyên nhân dẫn đến sự lạm phát.
Chế độ sở hữu nhà nước chiếm tới 90%, nhất là trong công nghiệp làm suy yếu sức sản xuất ở các nước này[1]. Công nghiệp tập trung cao độ trong các khu liên hợp phổ biến tình trạng độc quyền. Một nền công nghiệp không cạnh tranh phình ra, tiêu hao nguyên liệu, phá hủy môi trường, lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở không được quan tâm, khu vực mậu dịch kém phát triển, sáng tạo, sáng kiến không được sử dụng.
Nền kinh tế tập trung hóa đã mang trong lòng nó khả năng khủng hoảng bởi sự lãng phí dẫn đến khô kiệt nguồn nguyên liệu, đất đai, nhân công và vốn. Chế độ tập trung cũng không sử dụng khoa học, nhân lực và vốn dẫn đến huy động quá lớn vật tư so với đơn vị sản phẩm.
Vào những năm 70-80, các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu bước vào khủng hoảng. Đặc điểm của cuộc khủng hoảng này là các Đảng Cộng sản và các nhà nước không thể quản lý xã hội như trước được nữa. Thu nhập bình quân đầu người quá thấp, năng suất lao động kém, nợ nước ngoài chồng chất, lạm phát trầm trọng, giá cả tăng vọt, cán cân ngoại thương thâm hụt, bội chi và thất nghiệp tăng. Đông đảo nhân dân bất mãn với chế độ xã hội. Mít tinh, biểu tình của quần chúng, bãi công của công nhân đã nổ ra. Số phận các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu bước vào thời điểm lịch sử trầm trọng.
Trước tình hình đó, nhân dân đòi phải thay đổi để có được xã hội tốt hơn, cuộc sống tốt hơn. Đòi hỏi chính đáng này ngày càng tăng lên khi có tác động của công cuộc cải tổ ở Liên Xô bắt đầu từ 1985. Nhưng có nước, đảng không chủ trương cải cách như Rumani, Cộng hòa dân chủ Đức, có nước lãnh đạo tuyên bố cải tổ nhưng tiến hành chậm chạp, cầm chừng (Tiệp Khắc), có nước tiến hành cải cách nhưng phạm sai lầm (như Ba Lan, Hunggari, Bungari). Trong hoàn cảnh lịch sử đó, chủ nghĩa đế quốc ra sức thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, quyết tâm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, cộng với chính sách đối ngoại sai lầm, phản bội các nước Đồng minh của Ban lãnh đạo Liên Xô thúc đẩy sự đảo lộn to lớn nhanh chóng ở các nước Đông Âu mà hậu quả là thể chế chính trị, kinh tế chủ nghĩa xã hội ở các nước này sụp đổ. Diễn biến cụ thể ở từng nước như sau:
Ba Lan: Đầu năm 1988, Ba Lan lâm vào tình trạng khủng hoảng. Đảng Công nhân thống nhất (CNTN) Ba Lan tuyên bố cải cách nhưng với biện pháp nóng vội giá lương tiền gây mất ổn định thêm.
Tháng 8-1980 Công đoàn đoàn kết ra đời, đến cuối năm 1988 có thêm 270 nhóm đối lập nữa xuất hiện, trong đó có 50 đảng chính trị ráo riết hoạt động cướp chính quyền. Tháng 12-1988 Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan chủ trương cải cách hệ thống chính trị, thừa nhận đa nguyên, đa Đảng, cho phép các lực lượng đối lập tham gia hệ thống chính trị để họ cùng đưa đất nước vượt qua thời điểm bế tắc.
Tháng 6-1989 Ba Lan tiến hành cuộc bầu cử quốc hội theo chế độ đa đảng. Đảng CNTN Ba Lan được 173 ghế ở Hạ viện, Công đoàn đoàn kết được 161 ghế. Ở Thượng viện 100 ghế, Công đoàn đoàn kết giành 91 ghế, Đảng CNTN Ba Lan không được ghế nào. Cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 1990, thủ lĩnh của công đoàn Đoàn kết Vatex trúng cử. Đảng mất chính quyền và Chủ nghĩa Xã hội ở Ba Lan sụp đổ.
Hunggari: Tháng 3 năm 1989 trước sức ép của khủng hoảng Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa (CNXHCN) chấp nhận chế độ đa đảng. Tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3-1990, các lực lượng đối lập giành đa số áp đảo. Đảng Cộng sản bị gạt khỏi địa vị cầm quyền. Chế độ Xã hội Chủ nghĩa Hunggari kết thúc sau 45 năm tồn tại.
(Còn nữa)
CVL
[1] Viện thông tấn Khoa học xã hội, Bí mật các sự kiện trên thế giới, 1980-1990, Hà Nội, 199, trang 248
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-40-a22056.html