Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 7)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu sách 'Những vấn đề Lịch sử thế giới' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.
Kỳ 7
Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Anh vào cuối thế kỷ XVIII và cuối thế kỷ XIX, lan khắp các cường quốc châu Âu, Bắc Mỹ. Công nghiệp hóa đã đưa loài người từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp, tạo nên một lực lượng sản xuất máy móc sắt thép vô cùng to lớn, tạo nên năng suất lao động cao gấp hàng trăm lần so với thời nô lệ phong kiến, tạo nên nguồn của cải gấp hàng nghìn năm cộng lại. Cách mạng công nghiệp đã tạo nên những ngành nghề mới, phương tiện giao thông vận tải mới, đường sắt , ô tô, tàu thủy với tốc độ nhanh chóng phi thường, thành thị, xí nghiệp, nhà máy bành trướng, nông thôn thu hẹp, nông nghiệp được cơ giới hóa, năng suất nâng cao chưa từng thấy. Cách mạng công nghiệp biến đổi sâu sắc xã hội, cư dân đô thị tăng lên, giai cấp công nhân đại công nghiệp ra đời, giai cấp mà các nhà kinh điển Mác-Lênin gửi gắm hi vọng người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản để xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Với cách mạng công nghiệp, tầng lớp tư sản công nghiệp trở nên hùng mạnh gạt bỏ tư sản thương nghiệp và lên nắm quyền thống trị. Phương tiện vận tải đường biển và lực lượng hải quân hùng mạnh với tầu chiến đại bác và nhiều hỏa khí súng ống đạn dược kiểu mới đã giúp cho các cường quốc có khả năng mở rộng và xâm lược được nhiều thuộc địa. Cùng với vũ khí tàu bè thay đổi đầy sức mạnh, các cường quốc tư bản Âu - Mỹ đã tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu ở châu Á, châu Phi liên tục suốt hàng thế kỷ. Cuối cùng châu Á phong kiến lạc hậu, châu Phi còn chưa kịp thống nhất đã trở thành hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trên con đường tranh giành thuộc địa, các cường quốc tư bản mâu thuẫn với nhau gay gắt dẫn đến những cuộc xung đột chiến tranh giữa các cường quốc. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản phát triển lên chủ nghĩa đế quốc, thuộc địa càng có tầm quan trọng sống còn và cuộc đấu tranh tranh giành thuộc địa càng gay gắt. Các nước tư bản chia thành hai khối: Khối Đồng minh bao gồm Đức – Áo - Hung, khối Hiệp ước bao gồm Anh, Nga, Pháp. Khối Đức-Áo-Hung quyết tâm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp vũ lực và đã phát động cuộc đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) đem lại bao nhiêu thảm khốc cho nhân loại.
5: Thời kỳ hiện đại (1917-đến nay): Năm 1917 cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi đã khép lại trang lịch sử cận đại thế giơí́, mở ra thời kỳ lịch sử hiện đại. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã lật đổ chủ nghĩa tư bản Nga, đưa giai cấp công nhân lên cầm quyền, thiết lập Nhà nước Xô Viết và năm 1922 thành lập Liên Bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Liên Xô ra đời đã biến chủ nghĩa xã hội từ lý thuyết của các nhà kinh điển Mác - Lênin thành thực thể chính trị, kinh tế quân sự hùng mạnh ở một đất nước rộng 1/6 quả địa cầu, trở thành một phe đối trọng với chủ nghĩa tư bản và lịch sử đấu tranh giữa phe chủ nghĩa xã hội với phe tư bản chủ nghĩa bắt đầu. Thời đại xuất hiện thêm một mâu thuẫn không kém phần gay gắt, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, xuất hiện một mối quan hệ quốc tế mới ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quan hệ quốc tế hiện đại.
Trong thời kỳ hiện đại mâu thuẫn giữa hệ thống các nước thuộc địa châu Á, châu Phi với chủ nghĩa đế quốc ngày càng gay gắt vì chủ nghĩa đế quốc tăng cường khai thác thuộc địa để phục vụ cho chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau chiến tranh, chúng càng đẩy mạnh bóc lột để bù đắp cho sự thiệt hại của chính quốc. Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một giai đoạn mới cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa. Liên Xô và Quốc tế cộng sản đã quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, đưa ánh sáng lý luận Mác-Lênin vào, giúp đỡ các tổ chức cách mạng thuộc địa ra đời, phát triển và trưởng thành. Liên Xô trở thành đồng minh vững chắc, tin cậy của phong trào giải phóng dân tộc. Chiến tranh cũng đã thúc đẩy mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai cấp tư sản trong các nước tư bản ngày càng gay gắt. Chiến tranh đã giáng mọi tai họa trực tiếp lên đầu nhân dân lao động các nước tham chiến. Vì thế, trong và sau đại chiến thế giới thứ nhất một cao trào cách mạng dâng cao hầu khắp các nước Tây Âu từ 1921-1924 rồi lại bùng lên từ 1929-1933 do tai họa khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại.
Sau chiến tranh, các nước chiến thắng đứng đầu là Anh, Pháp, Mỹ đã họp hội ngghị Véc Xây (Pháp) năm 1919 và sau đó là hội nghị Oa sin tơn (Mỹ) để thiết lập nên một trật tự thế giới mới gọi là trật tự Véc xây-Oa Sin tơn. Trật tự này chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong phe đế quốc. Mâu thuẫn giữa các nước chiến bại với các nước chiến thắng, mâu thuẫn giữa các nước chiến thắng với nhau vì Anh, Pháp, Mỹ được nhiều quyền lợi, các nước khác như Italia, Nhật Bản, Ý... chịu thiệt thòi không thõa mãn tham vọng khi phân chia thế giới. Để giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại, Đức, Italia và Nhật Bản đã thiết lập chính quyền phát xít, một chính quyền độc tài, công khai công bố thi hành chính sách khủng bố, bành trướng xâm lược và phát động chiến tranh thế giới thứ hai. Một lần nữa đấu tranh giữa các nước đế quốc lại dẫn nhân loại đến cuộc chém giết mới khủng khiếp, đại chiến thế giới thứ hai năm 1939-1945. Chiến tranh kết thúc với sự thất bại và diệt vong của phe phát xít.
Tháng 2 năm 1945 khi mà phe phát xít chắc chắn đã thất bại, những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Anh, Mỹ là J. Stalin, Sớc sin, F Ru dơ ven đã họp nhau ở Ian ta (Crưm Liên Xô), thiết lập nên một trật tự thế giới mới: Trật tự thế giới hai cực Ian ta. Một tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới là Liên hợp quốc đã được thành lập để bảo đảm sự tồn tại của trật tự mới, bảo đảm hòa bình an ninh thế giới. Sau năm 1945 chủ nghĩa xã hội đã vượt khỏi phạm vi một nước trở thành hệ thống kinh tế, chính trị thế giới đứng đầu là Liên Xô. Cũng sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ vươn lên thành siêu cường số 1 đứng đầu thế giới tư bản đối trọng với phe chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, Mỹ cùng đồng minh ra sức chống lại phong trào giải phóng dân tộc châu Á, châu Phi đang bùng lên mạnh mẽ. Như vậy, trong trật tự thế giới hai cực Ian ta có ba lực lượng đấu tranh với nhau trên vũ đài quốc tế. Lực lượng chủ nghĩa hội do Liên Xô đứng đầu đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, phong trào giải phóng dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản do Mỹ cầm đầu đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc.
(Còn nữa)
CVL
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-7-a21518.html