Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 20)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.
Kỳ 20.
IV. TÌM HIỂU NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT LƯỠNG HÀ CỔ ĐẠI
1 .Vài dòng lịch sử
Thuộc khu vực Tây Á, Lưỡng Hà nằm trên lưu vực hai con sông Tỉgrơ và Ơfơrát. Phía Bắc Lưỡng Hà giáp dãy núi Ácmênia, phía Tây giáp sa mạc Xiri, phía Đông giáp Ba Tư và phía Nam giáp vịnh Ba Tư. Hai con sông Tigrơ và Ơfơrát tạo nên đồng bằng rộng lớn phì nhiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi phát triển. Những cây trồng chính là ôliu, đại mạch và nhiều hoa quả khác. Nghề thủ công và giao lưu buôn bán phát triển là nét bổ sung đặc biệt của nền kinh tế Lưỡng Hà cổ đại .
Do sự trù phú của thiên nhiên nên Lưỡng Hà sớm thành nơi cư ngụ của dân cư Tây Á. Những cư dân tộc người Xu Me có mặt ở mảnh đất này sớm nhất, vào khoảng 4000 năm TCN, tiếp đó là người Xê Mít tới đây vào khoảng 3000 năm TCN và nhiều cư dân khác. Những tộc người đó sống với nhau lâu dài tạo nên một cộng đồng người khi có nhà nước mà Các Mác gọi là những dân tộc tiền tư bản và xây dựng một quốc gia mạnh nhất của Tây Á thời kỳ cổ đại .
Đầu thiên niên kỷ thứ III TCN, công xã nguyên thủy tan rã, Lưỡng Hà bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước. Ở miền Nam Lưỡng Hà xuất hiện nhiều quốc gia nhỏ như Êriđu, Ua, Uma, La gat, Urúc …Đứng đầu các quốc gia này là Palêxi. Các quốc gia nhỏ này tìm cách thôn tính lẫn nhau để thống nhất Lưỡng Hà. Lujan Zăcjiji đã thống nhất được miền Nam Lưỡng Hà. Trong khi đó ở miền Bắc vương quốc Áccat của người Xêmít ngày càng lớn mạnh dưới triều đại Xác Gông (2369-2314 TCN) đã đánh bại Kít, một vương quốc hùng mạnh và tiến về phía Nam đánh bại Urúc, đánh bại 50 tiểu vương quốc Palêxi, chinh phục các vương quốc Ua, Umma, Lagát và toàn bộ vùng Xu Me. Cuối cùng Xác Gông đã đánh chiếm Êlam, một vương quốc ở vùng Đông Bắc và hoàn thành sự nghiệp thống nhất Lưỡng Hà vào thế kỷ XXIV TCN. Quân đội của XácGông còn đánh tới Xiri và Palestin. XácGông đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất Lưỡng Hà. Đây là một bước nhảy vọt trong lịch sử tiến hóa của quốc gia này. Thống nhất quốc gia tạo sức mạnh cho công cuộc trị thủy những con sông lớn, đàn áp nô lệ, chấm dứt những cuộc chiến tranh của các tiểu vương quốc, đem lại hòa bình phát triển cho đất nước và đạt đến thời kỳ phồn vinh dưới triều đại Maristuxéc (2305-2291 TCN) và Naramxin (2270-2254 TCN ). Sau này Naramxin đã tiến quân tới Ai Cập, Acmênia và Địa Trung Hải. Naramxin được gọi là vua của bốn phương .
Cuối thế kỷ XXII TCN, con của Naramxin (2253-2230 Tcn) kế vị, Lưỡng Hà bước vào thời kỳ suy yếu bị người Guti ở Đông Bắc tràn vào xâm lược và thống trị ở đây suốt 100 năm. Năm 2132 TCN vương triều Ua III lật đổ nền thống trị của người Guti và làm chủ Lưỡng Hà. Dưới triều đại này kinh tế Lưỡng Hà phát triển, lãnh thổ mở rộng đến Êlam, phía Tây đến Xiri, Tiểu Á. Năm 2024 TCN vương triều Ua III suy yếu. Trong khi đó Babilon, một quốc gia của người Amôrít ở phía Bắc ngày càng lớn mạnh, đặc biệt phồn vinh dưới vương triều Hămurabi. Ông lên ngôi năm 1830 TCN. Năm 1763 TCN, Hămmurabi tiến hành chinh phục Lưỡng Hà, thống nhất toàn bộ vùng Lưỡng Hà với vùng Atxiri, đạt đỉnh cao nhất của thời kỳ hưng thịnh của đế chế Babilon. Sau khi Hămmurabi chết, Babilon bước vào thời kỳ suy tàn. Năm 1600 TCN, người Hitít đánh chiếm Babilon. Năm 1518 TCN, Babilon bị người Catxit thống trị. Thế kỷ XIII TCN, ngưòi Atxiri lại đánh chiếm Babilon. Năm 605 TCN, Babilon lại được hồi phục dưới tên gọi Tân babilon, lãnh thổ bao gồm Babilon, Atxiri, Palestin. Năm 539 TCN bị đế quốc Ba Tư (trung tâm là Iran) đánh chiếm, Tân Babilon diệt vong .
Do có nhiều sông lớn tạo nên nhiều đồng bằng nên kinh tế Lưỡng Hà cổ đại chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, còn phát triển thương nghiệp và chăn nuôi. Nền kinh tế nông nghiệp đã tác động tới sự phân hóa xã hội, tới việc hình thành nhà nước, tới pháp luật và tới nền văn minh cổ đại Lưỡng Hà .
Chế độ chính trị, xã hội Lưỡng Hà cổ đại là chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong đó giai cấp chủ nô do nắm giữ được tư liệu sản xuất là ruộng đất nên trở thành giai cấp thống trị, áp bức, bóc lột. Giai cấp này bao gồm nhà vua, quan lại, chủ nô, tăng lữ. Vua là chủ nô lớn nhất, giàu có nhất. Các cư dân tự do bao gồm thương nhân, nông dân các công xã. Là một nước nông nghiệp nên nông dân Lưỡng Hà xuất hiện sớm ngay từ khi công xã nguyên thủy tan rã và có nhà nước đầu tiên. Nông dân chiếm đại đa số dân cư trong xã hội, là lực lượng chính sản xuất ra của cải vật chất nên là đối tượng bóc lột chính của nhà nước và chủ nô, phải chịu quân dịch và lao dịch. Vì đông đảo và bị áp bức bóc lột tàn khốc nên Các Mác gọi những người nông dân châu Á nói chung và có thể tương tự như nông dân Lưỡng Hà là những nô lệ phổ biến .
Nô lệ là giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất. Nguồn của nô lệ là những nông dân bị phá sản nhưng chủ yếu là những bộ tộc không có dòng giống huyết thống xa xưa với tộc người của chủ nô, bị những bộ lạc của chủ nô đánh bại trong chiến tranh, tài sản ruộng đất bị kẻ chiến thắng cướp đoạt, còn thân phận bị chúng biến thành nô lệ. Theo pháp luật của nhà nước, nô lệ không phải là con người, họ chỉ là tài sản đặc biệt, tài sản biết nói của chủ nô, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Nô lệ được vua, quan lại, chủ nô sử dụng trong sản xuất, trong lao dịch, trong các công xưởng nhưng chủ yếu nô lệ ở Lưỡng Hà được sử dùng để hầu hạ, phục dịch trong các gia đình quí tộc. Vì thế chế độ nô lệ ở phương Đông nói chung và ở Lưỡng Hà nói riêng được Các Mác cho rằng đó là chế độ nô lệ không điển hình như chế độ nô lệ Hi lạp, Lã Mã ở phương Tây cổ đại, chỉ là chế độ nô lệ gia đình, gia trưởng. Các Mác còn gọi đó là “Phương thức sản xuất châu Á”. Có nghĩa là chế độ nô lệ phương Đông tuân theo qui luật chung của hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ nhưng bị chi phối bởi qui luật riêng do hoàn cảnh cụ thể của Phương Đông qui định .
2 .Bộ máy nhà nước .
Chủ nô Lưỡng Hà đã xây dựng được thiết chế chính trị quân chủ chuyên chế tập quyền chủ nô với bộ máy nhà nước chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, đặc biệt dưới thời vua Hămmurabi. Vua là người đứng đầu nhà nước, nắm tất cả quyền lực gồm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp .Vua là người ban hành luật pháp dưới hình thức văn bản, chiếu chỉ hay khẩu dụ (lời nói). Vua là người đứng đầu và điều hành bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương .Vua là người xử án và quyết định cuối cùng những bản án .Vua là kẻ quyết định mọi công việc quốc gia, kẻ thể hiện ý chí của giai cấp chủ nô Lưỡng Hà. Về kinh tế, vua là chủ nô lớn nhất, chiếm một phần hai đất đai ở vùng Nam Xume . Về pháp lý vua là kẻ sở hữu tất cả ruộng đất trong toàn quốc mà thần dân chỉ có quyền sử dụng, của cải trong kho của nhà nước là của nhà vua .Về thần quyền, vua Lưỡng Hà được thần thánh hóa với danh nghĩa vua đại diện cho thần thánh xuống để cai trị nhân dân, cai trị vương quốc. Làm công việc thần thánh hóa nhà vua, thần thánh hóa chế độ có đông đảo bọn tăng lữ. Chính vua Hămmurabi tuyên bố : Ta-Hămaurabi, một Mục sư được thần Enlin lựa chọn, kẻ nối dõi của các đế vương do thần Xin tạo ra. Mađúc (vị thần tối cao của Lưỡng Hà) gọi ta đến cai trị nhân dân và mang đến cho đất nước cuộc đời hạnh phúc. Dưới vua ở trung ương có các quan đại thần giúp việc. Nhà nước Babilon còn lập ra cơ quan chuyên trách về tư pháp có hội đồng thẩm phán, có tòa án tối cao do vua điều khiển .
Hămurabi đã chú ý xây dựng quân đội hùng mạnh để chinh phục, bảo vệ chính quyền và bảo vệ sự thống nhất đất nước. Quân lính được cấp ruộng đất để sinh sống. Kỷ luật quân đội cực kỳ nghiêm khắc như khi gọi nhập ngũ không đi lại cho người khác đi thay thì kẻ bị gọi sẽ bị tử hình.
Hămmurabi chia đất nước thành hai khu vực hành chính lớn để cai trị. Khu vực 1 bao gồm Accát và vùng Bắc Xume, khu vực 2 là miền Nam Xume . Ở mỗi khu vực, nhà vua bổ nhiệm tổng đốc về cai trị. Đơn vị hành chính cơ sở là công xã nông thôn đứng đầu là một vị quan do vua cử về cai trị. Bên cạnh viên quan này có Hội đồng công xã đóng vai trò tư vấn. Ở các thành phố nắm quyền cai trị là Hội đồng trưởng lão nhưng đặt dưới sự giám sát của quan Tổng đốc. Quan lại các địa phương làm nhiệm vụ thu thuế, cai trị, thu các sản vật cống nạp cho nhà nước, bảo đảm an ninh xã hội
Sở dĩ giai cấp chủ nô Lưỡng Hà xây dựng được thiết chế quân chủ chuyên chế tập quyền vì nhà nước nắm được quyền sở hữu ruộng đất. Ruộng đất ở phương Đông là một tài sản cực kỳ quan trọng, quyết định nguồn sống của toàn bộ thần dân. Do đó kẻ nào nắm được ruộng đất thì kẻ đó nắm quyền thống trị và nắm toàn bộ quyền lực chi phối đời sống của thần dân phụ thuộc. Ngoài ra, lý do trị thủy các con sông lớn, lý do chiến tranh cũng làm cho quyền lực tập trung vào tay trung ương vì có như vậy mới huy động được sức người, sức của cho hai công việc to lớn này của nhà nước. Nắm được quân đội hùng mạnh trong tay cũng làm cho nhà nước trung ương nắm được quyền lực. Kinh nghiệm lịch sử cho hay rằng khi nào chính quyền trung ương không nắm được quân đội khi đó nhà nước trung ương suy yếu và các thế lực địa phương nổi dậy cát cứ, chia cắt đất nước .
Sự ra đời của nhà nước Lưỡng Hà Cổ đại cho thấy nguyên nhân ra đời của nhà nước là do công xã nguyên thủy tan rã, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất ra đời, xã hội xuất hiện giai cấp giàu và giai cấp nghèo đối kháng nhau, đấu tranh với nhau. Giai cấp chủ nô phải phát minh ra công cụ gọi là nhà nước để giúp chúng dù là thiểu số trong dân cư vẫn có thể thống trị, áp bức, bóc lột được đại đa số dân cư . Về vấn đề này Lê nin viết rằng: Nhà nước là công cụ của giai cấp này để thống trị, áp bức, bóc lột giai cấp khác, Như vậy, do nguyên nhân ra đời mà nhà nước Lưỡng Hà mang bản chất giai cấp. Nhà nước là công cụ của giai cấp chủ nô để bảo vệ quyền lợi của chúng. Nhưng nhà nước cũng mang tính chất xã hội. Nhà nước còn có chức năng quản lý xã hội, tổ chức nhân dân phát triển sản xuất, trị thủy, tưới tiêu cho nông nghiệp, tổ chức nhân dân phát triển văn hóa, nghệ thuật, trước hết là vì quyền lợi của giai cấp cầm quyền nhưng khách quan cũng vì lợi ích của toàn xã hội. Chính vì thế nền văn hóa Lưỡng Hà phát triển thành nền văn minh rực rỡ. Lưỡng Hà trở thành một trong những trung tâm của nền văn minh thế giới cổ đại
(Còn nữa)
CVL