Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 43)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.
Kỳ 43
14 giờ cùng ngày 6-10-1973, 600 đại bác Syria bắn phá một giờ vào trận địa Israel, sau đó ba sư đoàn quân Syria chọc thủng phòng tuyến, tấn công quân đội Israel trên cao nguyên Gô lan, ngày 9, 5 sư đoàn quân Syria giải phóng hầu hết cao nguyên Gô lan. Du kích Palestine cũng phối hộp tấn công Israel ở hậu phương, các nước Ả Rập cấm vận dầu mỏ với Israel. Đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, Israel cầu cứu Mỹ. Ngày 13-10-1973 Mỹ mở cầu hàng không vận tải số luợng lớn vũ khí đạn dược cho Israel. Chỉ 2 tuần của chiến tranh, Mỹ đã viện trợ cho Israel 2,2 tỉ USD. Được Mỹ viện trợ, Israel lấy lại sức mạnh và phản công làm quân đội Syria lâm nguy. Ngày thứ 14 của cuộc chiến quân đội Israel phản công quân đội Ai Cập. Trên bờ Đông của kênh đào hai bên tập trung khoảng 1.600 xe tăng. Đây là cuộc đấu tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Trung Đông. Ai Cập bị tiêu diệt 260 chiếc buộc phải rút lui. Israel chiếm lại cao nguyên Gôlan. Quân đội Israel vượt qua kênh đào Suez, đột nhập bán đảo Xi nai, phá hủy nhiều căn cứ đạn đạo của Ai Cập, bao vây thành phố Suez, cắt đứt tuyến cung cấp cho quân đội Ai Cập, đe dọa hậu phương và ngay cả thủ đô Cai Rô. Quân Israel còn nhảy dù xuống núi Hơ Mông, đánh chiếm trận địa cuối cùng của Syria trên cao nguyên Gô lan.
Ngày 22-10-1973 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết số 338 yêu cầu các bên phải đình chiến. 23-10 Hội đồng Bảo an ra quyết định ngừng bắn số 339. Cả ba nước đã thực hiện ngừng bắn. Mỹ thu xếp cho ba bên tiếp xúc riêng rẽ với nhau. Tổng thống Ai Cập Xa đát chủ trương thực sự giảng hòa với Israel. Ông tuyên bố “ Chiến tranh tháng 10 nên là chiến tranh cuối cùng ở Trung Đông”. Tháng 11-1977 Xa đát đã thăm Jerusalem, 1979 ký với thủ tướng Israel Berét hiệp ước hòa bình, tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Israel trao trả lại cho Ai Cập toàn bộ vùng đất mà họ chiếm được trong chiến tranh. Đây là mẫu mực dùng đất đai đã chiếm được trả lại để đổi lấy hòa bình.
2.5. Chiến tranhTrung Đông lần 5 (1982).
Đầu những năm 70, lực lượngvũ trang giai phóng PaIestine chuyển sang hoạt động ở Li Băng. Tại đây họ đóng sở chỉ huy, xây dựng căn cứ. Từ Nam Li băng quân đội Palestine tấn công vào Israel.
Để đập tan cơ cấu lãnh đạo, tiêu diệt căn cứ quân sự của Palestine, ngày 4-6-1982 Israel cho máy bay ném bom bộ chỉ huy và căn cứ quân giải phóng Palestine ở Nam Li băng. Ngày 6-6, hơn tám sư đoàn quân Israel có hải quân và không quân yểm trợ tấn công toàn bộ miền Nam Li băng[1] Quân Israel chiếm nhiều vùng quan trọng, phá hủy nhiều căn cứ quân sự của Palestine ở Nam Li băng, tiến đến thủ đô Beirut. Ngày 14-6-1982, 3 vạn quân và hàng trăm xe tăng Israel bao vây khu vực Tây Bây rút và không quân ném bom dữ dội. Đây là nơi có trụ sở của Bộ tổng tư lệnh Giải phóng Palestine. Một vạn chiến sĩ Palestine chiến đấu kịch liệt nhưng lực lượng chênh lệch nên bị thiệt hại rất nặng nề. Ngày 16-8-1982 do Mỹ thu xếp,lực lượng vũ trang Palestine đồng ý rút khỏi Li băng. Từ 21-8 đến 1-9-1982, 1.200 chiến sĩ Palestine đã rút khỏi Beirut, rút khỏi miền Nam Li Băng đi về các nước Iraq, Syria, Jordan, Tunisia, Yemen, Xu đăng, An giê ri. Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine Y. Araphát rút khỏi Beirut, đặt trụ sở Bộ tổng tư lệnh Giải phóng Palestine ở Tunisia.
Ngoài đánh chiếm Li băng, quân đội Israel còn giao chiến kịch liệt với quân đội Syria, chủ yếu là hai bên dùng máy bay không chiến. Trong hai ngày 9-6 và 10-6-1982 Israel xuất kích 300 lần chiếc, Syria 200 lần chiếc. Đây là trận không chiến lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Trung Đông. Kết quả Syria mất 80 máy bay Míc, Israel mất 10 chiếc. Ngày 11-6-1982 Syria và Israel tuyên bố ngừng bắn. Tháng 6 năm 1985 Israel rút khỏi miền Nam Li băng nhưng vẫn chiếm giữ 850 kilômét vuông để làm “khu an toàn”.
Chiến tranh Trung Đông lần 5 làm gần 20 vạn người Ả Rập và Ixraen bị chết và bị thương, gần hai triệu người Ả Rập li tán, phiêu dạt lưu vong, không quê hương nhà cửa, đa số là người Ả Rập Palestine.
3. Kết luận.
Trung Đông đã trải qua 5 cuộc chiến tranh lớn và nhiều cuộc xung đột nhỏ không thể thống kê hết giữa người Do Thái và người Ả Rập. Chiến tranh chỉ mang lại sự tàn phá về vật chất và văn hóa, mang lại chết chóc, những tai họa năng nề. Chiến tranh không mang lại hòa bình, không giải quyết được vấn đề Trung Đông mà cốt lõi là mâu thuẫn giữa người Palestine và người Do Thái Israel. Nguyên nhân chiến tranh thì có nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự thiên vị người Do Thái của Liên hợp quốc và Mỹ trong nghị quyết phân trị Palestine năm 1947. Kể cả sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, không còn đối thủ ở Trung Đông, đã chiếm ưu thế trong khu vực, là một trong những tác giả nhằm kiến tạo nền hòa bình ở khu vực, Mỹ vẫn thiên vị. Trong bài “Tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc-nguyên nhân và giải pháp” trên Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tháng 11-2007, chúng tôi đã nêu lên những ý kiến trên và nêu lên thái độ thiên vị của Mỹ và các cường quốc là một trong những nguyên nhân bế tắc của hòa bình ở Trung Đông[2].
Tuy nhiên vấn đề hòa bình Trung Đông bế tắc còn do quan điểm của người Do Thái và người Ả Rập khác xa nhau mà chủ yếu chìa khóa ở trong tay nhà nước Ixraen. Ngày nay các dân tộc không chấp nhận việc xâm lược bành trướng lãnh thổ. Nhà nước Israel cần phải từ bỏ chính sách bành trướng, xâm lược. Nhà nước Do Thái đã có một cử chỉ đúng đắn khi trả lại đất đai của Ai Cập vào năm 1977 để đổi lấy hòa bình sau cuộc chiến tranh lần 4. Chính sách này cần biến thành quốc sách của nhà nước Do Thái, cần công nhận nền độc lập của người Palestine, trả lại đất đai cho Li băng, cho Syria thì sự vãn hồi hòa bình ở Trung Đông sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực và bền vững lâu dài. Hiển nhiên, thế giới Ả Rập cũng cần thừa nhận sự tồn tại của một nhà nước Do Thái vì nhà nước này đã thành một thực thể, vả lại người Do Thái cũng như các dân tộc khác cũng cần một quốc gia để tồn tại.
(Còn nữa)
CVL
--------------------
[1] .Nguyễn Thị Thư…Lịch sử Trung Cận Đông. NXB giáo dục. H.2004..Tr. 340.
[2] .Xem T.C. Ngiên cứu châu Phi và Trung Đông. Số tháng 11.2007.