Những vấn đề lưu ý trong phòng chống các loại tội phạm tài chính liên quan đến tiền ảo
Nhiệm vụ phòng chống tội phạm tài chính không chỉ của riêng chính phủ, mà còn của các nhà phát triển, thợ mỏ, nhà cung cấp ví và nhà giao dịch… khi tiền ảo được sử dụng rộng rãi, phát triển thành một ngành công nghiệp chính thức. Theo đó, các Chính phủ trong đó bao gồm cả Việt Nam và các bên liên quan ngành tiền ảo cần phải lưu ý một số vấn đề trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính.
Tiền ảo hình thành các loại tội phạm tài chính mới, mặc dù các tổ chức tội phạm và khủng bố được thiết lập chưa thực sự sử dụng tiền ảo một cách phổ rộng nhưng phạm vi tham gia vào tội phạm trực tuyến lại tăng đáng kể, kích thích tiền ảo sẽ ngày càng được mở rộng trong tương lai gần.
Để chống lại các tội phạm tài chính trong nền công nghiệp 4.0 và đảm bảo hệ thống tài chính ổn định và phát triển đòi hỏi phương pháp tiếp cận và thực thi pháp luật mới phù hợp với khung động của tiền ảo.
Trước mắt, Chính phủ các nước, bao gồm cả Việt Nam và các bên liên quan ngành tiền ảo cần phải lưu ý một số vấn đề trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính.
Mục tiêu của kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam trong năm 2019. Kế hoạch hành động được chia thành 5 nhóm hành động gồm: 1. Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; 2. Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; 3. Hợp tác trong nước; 4. Các sản phẩm tài chính toàn diện; 5. Hợp tác quốc tế.
Thứ nhất, phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CTF) là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trước vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF.
Khung pháp luật về phòng chống rửa tiền đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện trong thời gian mười năm qua, kể từ thời điểm Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về Phòng, chống rửa tiền - văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh trực tiếp về hoạt động rửa tiền ở Việt Nam có hiệu lực pháp luật.
Những chế định pháp lý cơ bản tạo nên khung cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống rửa tiền bao gồm: (i) Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; (ii) Chế định tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/1/2018 sửa đổi tội danh rửa tiền và thêm trách nhiệm hình sự cho những người hợp pháp tham gia rửa tiền. Trên cơ sở quy định trên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống rửa tiền.
Thứ hai, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế vào tháng 8/2018.
Cơ quan này đã tiến hành đánh giá tác động của tiền ảo đến các hoạt động rửa tiền, buôn lậu ma túy, an ninh tiền tệ và các chính sách giao dịch khác. Cùng với đó, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý tiền ảo, tiền điện tử theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các dịch vụ tài chính, cho nên cần tiếp tục tính đến việc xây dựng đồng bộ hệ thống công nghệ cao, bao gồm các module phần mềm linh hoạt và được tích hợp có khả năng lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, được cập nhật và kiểm soát thường xuyên. Đặc biệt, cần lưu ý, các quy định phòng chống tội phạm tài chính trong lĩnh vực kinh doanh tiền ảo trên nền tảng Blockchain và Fintech.
Thứ ba, tham gia phối hợp xuyên biên giới, các tổ chức quốc tế như FATF, tạo điều kiện hợp tác giữa các Chính phủ trong việc xây dựng quy định pháp lý thích hợp và thực thi pháp luật đối với tiền ảo. Khuyến khích và tạo điều kiện chia sẻ thông tin phù hợp trên các diễn đàn toàn khu vực xem xét các cách tiếp cận để quản lý rủi ro, kiểm soát các trang điện tử bất hợp pháp… cũng như đưa ra quan điểm hiệu quả của tiền ảo.
Thứ tư, tăng cường tài trợ và đào tạo theo hướng đảm bảo nhân viên có kiến thức đầy đủ về tiền ảo, những kiến thức nhận diện cũng như kỹ thuật phát hiện tội phạm tài chính sử dụng tiền ảo. Đồng thời, đảm bảo thực thi pháp luật như tịch thu, phạt tiền, thậm chí truy tố hình sự đủ mức răn đe trước các hành vi vi phạm.