Những vấn đề mới trong gói trừng phạt tiếp theo của EU đối với Nga
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết những nội dung trừng phạt mới sẽ bao gồm 'các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung đối với công nghệ dân sự'.
Các nhà ngoại giao EU cho biết Liên minh này đang xem xét mức trần giá dầu, hạn chế chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với các cá nhân và thực thể Nga, để phản ứng với những gì phương Tây cho là "sự leo thang mới trong cuộc xung đột với Ukraine".
Hôm 21/9, 27 quốc gia EU đã bị "kích động" bởi cảnh báo về sử dụng vũ khí hạt nhân của Moskva cũng như sắc lệnh động viên quân của Tổng thống Vladimir Putin và ủng hộ các kế hoạch trưng cầu dân ý ở khu vực miền Đông Ukraine.
Các ngoại trưởng EU đã đồng ý tại một cuộc họp đột xuất về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, và nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết chúng sẽ bao gồm các biện pháp "kinh tế và cá nhân".
Người đứng đầu cơ quan điều hành EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đó sẽ là "các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung đối với công nghệ dân sự".
Ba nhà ngoại giao EU tại Brussels cho biết thêm các lệnh trừng phạt mới sẽ xoay quanh mức trần giá dầu để phù hợp với mức mà G7 đã đồng ý.
“Chúng tôi cũng có thể áp đặt trừng phạt đối nhiều cá nhân hơn”, một nhà ngoại giao EU cho biết. Đến nay, EU đã trừng phạt 108 thực thể và 1.206 cá nhân Nga.
Một số quốc gia EU đang muốn nhắm mục tiêu vào người thân và phụ tá thân cận của những người đã bị trừng phạt vì họ đang giúp tránh né các biện pháp hiện hành.
EU cũng sẽ phải quyết định xem phải làm gì với những người Nga trốn lệnh huy động, sau khi ba quốc gia Baltic ở phía Đông EU cho biết họ sẽ không cho phép tị nạn. Phần Lan và Ba Lan cũng đã hạn chế du khách Nga đến nhưng EU nói chung cho đến nay vẫn bác bỏ lệnh cấm thị thực với công dân Nga.
Đoàn kết mong manh
Hiện vẫn chưa rõ ràng tác động của bất kỳ mức trần giá dầu nào khi EU đã đồng ý một lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, mặc dù có các miễn trừ, bao gồm cả đối với Hungary.
Các biện pháp hạn chế hơn nữa đối với xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga cũng đang được đặt ra, trong khi những nước chống Nga mạnh mẽ thúc đẩy lệnh cấm đối với kim cương Nga và tịch thu tài sản của Nga ở châu Âu.
Mặc dù vậy, một số người cảnh báo một số biện pháp khó có thể nhận được sự ủng hộ nhất trí cần thiết của tất cả các nước EU.
Đức, cường quốc kinh tế của EU, cho đến nay đã cấm các biện pháp hạn chế kinh tế cứng rắn hơn, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 22/9 cho biết tất cả các lệnh trừng phạt nên được bãi bỏ.
Một quan chức EU nói: “Không biết chúng tôi có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt mới nhanh chóng đến mức nào", lưu ý rằng việc một số nước thành viên phản đối việc trừng phạt bổ sung với Moskva có thể "làm trì hoãn mọi thứ".
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ trình bày một đề xuất bằng văn bản vào tuần tới và các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU có thể thông qua nó khi họ gặp nhau tại Praha, Séc vào ngày 6-7/10 năm nay.