Những vấn đề 'nóng'

Bạo lực liên tiếp leo thang, những 'hố sâu ngăn cách' giữa các đối tác ngày càng nghiêm trọng và thêm nhiều hiểm họa đe dọa an ninh, ổn định ở các quốc gia. Một loạt vấn đề 'nóng' đang cần được 'tháo ngòi nổ' để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bạo lực leo thang tại Bờ Tây.

Bạo lực leo thang tại Bờ Tây.

Bạo lực liên tiếp leo thang, những "hố sâu ngăn cách" giữa các đối tác ngày càng nghiêm trọng và thêm nhiều hiểm họa đe dọa an ninh, ổn định ở các quốc gia. Một loạt vấn đề "nóng" đang cần được "tháo ngòi nổ" để tránh những hậu quả đáng tiếc.

1. Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) cho biết LHQ "quan ngại sâu sắc" về tình hình bạo lực leo thang tại Bờ Tây, bao gồm Đông Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) và dải Ga-da (Gaza). LHQ lên án mọi hành động bạo lực và mọi hành động xúi giục bạo lực cũng như khiêu khích và chia rẽ sắc tộc.

Liên hiệp châu Âu (EU) kêu gọi tất cả các bên giảm xung đột để tránh làm dân thường thương vong. Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh G.Bo-ren (J.Borrell) lên án hành động của I-xra-en (Israel) trục xuất các gia đình người Pa-le-xtin (Palestine) ở Đông Giê-ru-xa-lem, khẳng định đây là những hành động bất hợp pháp và làm leo thang thêm căng thẳng trên thực địa. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A.Ghết (A.Gheit) đã lên tiếng chỉ trích việc Israel không kích dải Ga-da là vụ tiến công "bừa bãi và vô trách nhiệm". Ông khẳng định: Israel phải chịu trách nhiệm về "sự leo thang căng thẳng nguy hiểm" ở Giê-ru-xa-lem, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng bạo lực.

2. Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) đã đệ trình lên Đu-ma (Duma) quốc gia Nga (Hạ viện) dự luật về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Trước đó, Tổng thống Pu-tin đã chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao X.Ri-áp-cốp (S.Ryabkov) làm đại diện chính thức của mình khi Quốc hội Liên bang xem xét dự luật này.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước này vào tháng 11-2020. Đầu năm 2021, Nga cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước, viện dẫn lý do "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì Hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này.

3. Tuần qua, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư "nóng" trên nghị trường Ca-na-đa (Canada). Trong một phát biểu trước Hạ viện Ca-na-đa, Ủy viên về quyền riêng tư của Ca-na-đa Đ.Thê-ri-en (D.Therrien) cho rằng dự luật C-11 là chưa đủ để bảo vệ người dân khỏi công nghệ nhận dạng khuôn mặt và cần phải đưa vào những "sửa đổi quan trọng". Dự luật này đề xuất sửa đổi luật về quyền riêng tư của khu vực tư nhân.

Trong khuôn khổ của dự luật, đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất, tiền phạt có thể lên tới 5% doanh thu hoặc 25 triệu đô-la Ca-na-đa (CAD). Các biện pháp này được Bộ Đổi mới, Khoa học và Phát triển Kinh tế Ca-na-đa đánh giá là khung hình phạt mạnh nhất trong số các luật về quyền riêng tư của Nhóm bảy nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7).

4. Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) cho biết, các vụ tiến công vào hệ thống công nghệ thông tin tại Đức đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Đại dịch Covid-19 đang mang đến những mục tiêu mới cho các hacker, đó là các cổng thông tin tiêm chủng. Mối nguy hiểm lớn nhất của loại tội phạm này là kiểu tiến công đòi tiền chuộc.

BKA cho biết từ quý III-2020, các cuộc tiến công mạng ghi nhận được nhằm vào các cơ quan và doanh nghiệp có liên quan cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ngày càng gia tăng, trong đó các cổng thông tin về vắc-xin và toàn bộ chuỗi cung ứng vắc-xin là các mục tiêu thường bị nhắm tới. Cảnh sát Đức cũng phát hiện ra rằng một số nhà khai thác nền tảng Darknet đã cố gắng ngăn chặn việc mua bán vắc-xin giả. Mối đe dọa lớn nhất đối với các cơ quan, doanh nghiệp và cả cá nhân tại Đức là các cuộc tiến công bằng một loại vi-rút mã hóa. Sau đó, những kẻ phạm tội thường yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc, để đổi lấy các dữ liệu đã bị chiếm đoạt.

Các vụ tiến công vào hệ thống công nghệ thông tin tại Đức đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.

Các vụ tiến công vào hệ thống công nghệ thông tin tại Đức đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.

ĐÔNG ĐÔ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-gioi-tuan-qua/nhung-van-de-nong--646147/