Những vấn đề nóng tại chất vấn Kỳ họp HĐND TP Hà Nội
Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng tội phạm, các đối tượng 'ngáo đá' gây án, tình trạng mất an toàn trong cả gia đình, nhà trường
Khó quản lý người ngáo đá, tâm thần gây án
Tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội ngày 5/12, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề: nhiều vụ trọng án giết người, thậm chí giết người thân diễn ra ở Hà Nội do công tác phòng ngừa xã hội yếu. Đại biểu Duy Hoàng Dương đặt vấn đề, hiện nay, tình trạng người tâm thần gây án giết người, hoặc gây thương tích. Cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, và có giải pháp quản lý, ngăn chặn. Đại biểu Đoàn Việt Cường cho rằng, ngày càng nhiều đối tượng hình sự là người ngoại tỉnh gây trọng án ở Hà Nội, điển hình là vụ việc giết người lái xe ôm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm...
“Hiện tôi yêu cầu lãnh đạo phòng cảnh sát ma túy hằng ngày phải nhắn tin báo cáo cho tôi số lượng tăng giảm của người ngáo đá, vì đối tượng này hay gây ra thảm án, đặc biệt là gây án với người thân”.
Giám đốc Công an TP Hà Nội, Trung tướng Đoàn Duy Khương nói thêm
Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc công an thành phố Hà Nội, hiện nay, có hai khái niệm là phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Nêu ví dụ vụ án nghiêm trọng giữa người thân ở Đan Phượng, ông Khương cho biết, đây là ví dụ điển hình về phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở. “Chúng tôi đã yêu cầu công an Đan Phượng kiểm điểm, đặc biệt là đội cảnh sát hình sự, công an xã bởi vì mâu thuẫn giữa hai anh em này không phải bộc phát mà đã kiện cáo, mâu thuẫn kéo dài. Nhân dân trong khu vực ai cũng biết”, ông Khương nói.
Theo ông Khương, ngoài trách nhiệm nòng cốt tham mưu của lực lượng công an cũng có trách nhiệm của toàn dân, của tổ hòa giải, của mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ địa phương. Ông Khương cũng lưu ý, trong phòng ngừa xã hội, ngoài việc lưu ý đến các mâu thuẫn trong đời sống bình thường, cần chú ý đến đối tượng ngáo đá. “Chúng tôi đã phải tổ chức 3 cuộc hội thảo để đưa ra khái niệm thế nào là ngáo đá. Cần làm rõ khái niệm để chỉ đạo công an cơ sở khảo sát, rà soát và lên danh sách các trường hợp ngáo đá.
“Hiện tôi yêu cầu lãnh đạo phòng cảnh sát ma túy hằng ngày phải nhắn tin báo cáo cho tôi số lượng tăng giảm của người ngáo đá, vì đối tượng này hay gây ra thảm án, đặc biệt là gây án với người thân”, Giám đốc Công an TP Hà Nội, Trung tướng Đoàn Duy Khương nói thêm. Liên quan đến người tâm thần gây án, ông Khương cho rằng, muốn đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền cũng không có đủ tiền để làm từ thiện. Nhiều gia đình không đủ điều kiện vật chất. Bệnh viện cũng không đảm bảo được mãi. “Đề nghị kiến nghị HĐND thành phố có khoản kinh phí để đảm bảo cho người dân có được cuộc sống an toàn”, ông Khương nói.
Trách nhiệm vụ cháu bé trường Gateway
Trước đó, tại phiên chất vấn sáng 5/12, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh nhắc đến vụ việc bé trai 6 tuổi Trường tiểu học Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô hồi tháng 8. Bà Tú Anh đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Sở với sự việc này? Giải pháp tham mưu cho lãnh đạo thành phố để khắc phục các tình trạng trên ở các cơ sở ngoài công lập trong thời gian tới? Bà Tú Anh cũng đề nghị Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết việc thực hiện rà soát của quận trong thời gian qua về vấn đề này như thế nào?
Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, trong công tác quản lý nhà trường, sở luôn quán triệt đến tất cả các hiệu trưởng các trường, chủ nhóm lớp rằng, công việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, an ninh tốt nhất cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Vì vậy, hằng năm, Sở GD&ĐT luôn có văn bản chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn những nội dung này. Đối với cấp học tiểu học và mầm non thì trước nhất là việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, sau đó đến nội dung chất lượng giáo dục. “Về vụ việc xảy ra tại Trường tiểu học Gateway, chúng tôi ý thức được rằng, ngành GD&ĐT có phần trách nhiệm. Đây là một sự việc hy hữu, rất là đau xót đối với ngành. Trách nhiệm lớn nhất trong sự việc này là các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, cô giáo chủ nhiệm của lớp, rồi ban giám hiệu nhà trường”, ông Dũng nói.
Về các giải pháp để không xảy ra những việc tương tự, ông Dũng cho biết, ngay sau sự việc đau lòng đó, ngành đã tổ chức rà soát, yêu cầu tất cả các đơn vị trường báo cáo thống kê biển số xe, nhãn hiệu xe, loại xe và số lượng giấy tờ xe, số học sinh đưa đón trên từng xe đó, gửi kết quả rà soát tới Công an thành phố và Sở GTVT để phối hợp quản lý.
Ông Dũng thông tin, hiện nay trên địa bàn thành phố có 246 trường với 2.293 xe, khoảng 40.900 học sinh sử dụng các phương tiện đưa đón. Sở yêu cầu các trường xây dựng một quy trình đưa đón trẻ em đến trường, quản lý trong giờ học và bàn giao về gia đình hàng ngày, bảo đảm một cách nghiêm túc.