Những vấn đề nóng trên bàn đàm phán an ninh Nga-Mỹ
Các nhà đàm phán của Nga và Mỹ đã nhóm họp trong ngày hôm nay (10/1) tại Geneva (Thụy Sỹ) với chương trình nghị sự tập trung vào nhiều vấn đề nóng trong quan hệ song phương.
Các quan chức của Nga, Mỹ cùng nhiều nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có các cuộc đàm phán trong tuần này để thảo luận về yêu cầu của Nga muốn phương Tây đảm bảo an ninh, cùng những lo ngại của phương Tây trước việc Nga tăng cường triển khai quân tại biên giới với Ukraine.
Mối lo ngại của Mỹ và NATO
Việc Nga triển khai quân đội và trang thiết bị gần biên giới với Ukraine đã khiến Kiev và phương Tây lo ngại về khả năng Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Nga đã bác bỏ lo ngại này, đồng thời cáo buộc chính phủ Ukraine đang lên kế hoạch tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã 2 lần thảo luận với Tổng thống Nga Putin về hoạt động quân sự của Nga gần biên giới với Ukraine vào tháng 12/2021, cảnh báo Moscow sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính chưa từng có nếu Nga tấn công nước láng giềng.
Yêu cầu an ninh của Nga
Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định Nga không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO cũng như kế hoạch của NATO triển khai vũ khí tại quốc gia này, coi đây là “ranh giới đỏ” của Nga. Điện Kremlin yêu cầu Mỹ và đồng minh đưa ra cam kết ràng buộc rằng sẽ không mở rộng NATO về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine, Gruzia hoặc các quốc gia khác từng thuộc Liên Xô cũ. Nga cũng yêu cầu Mỹ và đồng minh không triển khai vũ khí hoặc tiến hành bất cứ hoạt động quân sự nào tại Ukraine.
Điện Kremlin đã trình một dự thảo hiệp ước an ninh Nga-Mỹ cũng như kế hoạch chi tiết cho một thỏa thuận giữa Nga và NATO khi các bên bắt đầu đàm phán trong tuần này. Nga muốn NATO không đồn trú quân đội tại những khu vực mà họ chưa từng triển khai vào năm 1997 – trước khi khối này kết nạp một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Bên cạnh đó, Nga cũng đề xuất ngừng hoạt động tuần tra của tàu hải quân và máy bay ném bom của cả Nga và Mỹ gần các khu vực biên giới của hai nước, đồng thời kêu gọi thực hiện nỗ lực giảm thiểu những sự cố liên quan đến tàu chiến, máy bay của Nga và NATO tại Biển Baltic và Biển Đen, cắt giảm tần suất các cuộc tập trận, minh bạch hơn khi thực hiện các hoạt động quân sự và cùng nhau xây dựng lòng tin.
Quan điểm của Mỹ và đồng minh
Mỹ và phương Tây đã bác bỏ yêu cầu của Nga về việc NATO không kết nạp thêm Ukraine hoặc bất cứ thành viên mới nào, đồng thời khẳng định, một nguyên tắc quan trọng của liên minh là luôn để ngỏ tư cách thành viên cho các quốc gia đủ điều kiện và không một thế lực bên ngoài nào có quyền phủ quyết. Dù Ukraine và Gruzia chưa sẵn sàng trở thành thành viên của NATO cũng như có rất ít triển vọng gia nhập sớm, phương Tây vẫn tuyên bố cánh cửa của NATO luôn rộng mở với 2 nước này.
Tuy vậy, cả Wasington và NATO đều cho biết, hai bên sẵn sàng thảo luận với Nga về kiểm soát vũ khí, thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và giảm thiểu rủi ro nếu Nga có lập trường mang tính xây dựng. Mỹ lưu ý sẽ thảo luận về việc hạn chế triển khai tên lửa tấn công ở Ukraine, giảm tần suất cuộc tập trận của nước này và NATO tại Đông Âu nếu Nga không có hành vi gây hấn với Ukraine.
Nhà Trắng cũng kêu gọi Nga tạo môi trường tích cực cho các cuộc đàm phán sắp diễn ra bằng cách rút quân khỏi biên giới với Ukraine. Song Nga đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, tuyên bố nước này có thể triển khai lực lượng ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ của mình và cho rằng hoạt động triển khai quân là phản ứng cần thiết trước “các động thái thù địch” của NATO.
Nga muốn thu được kết quả nhanh chóng
Tổng thống Putin từng cho biết các cuộc đối thoại giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden là một động thái tích cực, song khẳng định ông muốn thu được kết quả nhanh chóng và cảnh báo phương Tây chớ nên dập tắt yêu cầu của Nga trong những cuộc “đàm phán không đi đến đâu”. Phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tháng 12/2021, ông Putin nói rằng phương Tây phải “đưa ra sự đảm bảo và thực hiện điều này ngay lập tức”.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov – người dẫn đầu phái đoàn đàm phán an ninh của Nga cho rằng, việc phương Tây đưa ra cam kết NATO không mở rộng về phía đông là điều “hoàn toàn cần thiết”. Ông cảnh báo Nga sẽ không nhượng bộ trước các mối đe dọa và áp lực, đồng thời lưu ý tiến trình đàm phán có thể chấm dứt ở vòng đầu tiên nếu Mỹ và đồng minh không hợp tác.
Yêu cầu thẳng thắn của Điện Kremlin khiến nhiều nhân vật chính trị tại Mỹ cho rằng, Nga có thể đưa ra các yêu cầu phi thực tế với mục đích khiến đàm phán sụp đổ và sau đó lấy đây làm cái cớ để thực hiện hành động gây hấn. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Nga đã bác bỏ suy đoán này.
Lựa chọn quân sự - kỹ thuật
Dù phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine, song Tổng thống Putin cảnh báo sẽ thực hiện “các biện pháp quân sự - kỹ thuật” nếu phương Tây cản trở yêu cầu an ninh của Nga. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, kịch bản này có thể “sẽ đa dạng” và phụ thuộc vào đề xuất mà các chuyên gia quân sự gửi cho ông.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết, ông Putin đã nói với ông Biden rằng, cũng giống như Mỹ, Nga sẽ hành động nếu thấy vũ khí tấn công được triển khai gần biên giới của mình. Ông Putin lưu ý rằng tên lửa hành trình siêu thanh Zircon mới có thể mang lại cho Nga khả năng tấn công chính xác chưa từng thấy nếu được trang bị cho các tàu chiến triển khai tại những vùng biển trung lập.
Không quá bi quan
Cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ ngày 10/1 là cuộc đối thoại đầu tiên trong loạt cuộc tiếp xúc giữa Nga và phương Tây. Theo kế hoạch, sau hội đàm Nga - Mỹ sẽ là cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels (Bỉ) vào ngày 12/1 và cuộc tham vấn trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo) vào ngày 13/1.
Những sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà chính trị và nhà phân tích trên thế giới. Ông Fred Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận xét rằng, đây có thể là thời điểm quan trọng nhất với Tổng thống Biden trong nhiệm kỳ của ông xét về chính sách đối ngoại.
Ông Christopher Granville, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Trusted Sources nhận định, dù bầu không khí hiện tại rất căng thẳng nhưng không nên quá bi quan về triển vọng của các cuộc đàm phán. Ông cho rằng, nhiều khả năng sẽ có những ưu tiên cho thỏa thuận về việc hạn chế triển khai quân sự tại châu Âu./.