Những vấn đề trong phát triển 'mạch máu' của thị trường xe điện tại Việt Nam

Người dùng xe điện tại Việt Nam trong tương lai sẽ sớm dễ dàng tìm thấy các trạm sạc điện tiện lợi trên lộ trình và có thể thực hiện các chuyến đi dài hơn khắp cả nước. Từ ngày 5/10 sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải thông báo, các trạm dừng chân loại 1 và 2 có diện tích từ 5.000 đến 10.000 mét vuông hoặc lớn hơn sẽ phải dành 10% diện tích cho các trạm sạc và bãi đỗ xe điện chuyên dụng.

Trạm sạc chính là "mạch máu" quan trọng của thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa.

Trạm sạc chính là "mạch máu" quan trọng của thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa.

Mặc dù đây là tin vui với những người đang sử dụng xe điện nhưng vẫn còn một số lo ngại về vấn đề với các doanh nghiệp trong việc lắp đặt, vận hành và quản lý chất lượng các trạm sạc. Các nhà đầu tư cần có dữ liệu cụ thể về nhu cầu sử dụng trước khi quyết định đầu tư vào các trạm sạc.

Thêm vào đó, việc chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn sạc có thể ảnh hưởng đến lựa chọn dừng ở trạm sạc nào của người lái xe. Chẳng hạn, người dùng có thể sẽ ưu tiên sử dụng các trạm sạc nhanh DC dù chi phí lắp đặt cao hơn, thay vì các trạm sạc AC chậm hơn.

Trước thực trạng này, mới đây, theo thông báo số 384/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc phát sinh liên quan đến việc lắp đặt trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện giao thông tại các cửa hàng xăng dầu, báo cáo trong tháng 8/2024.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.

Trao đổi với VneconomyAutomotive, ông Eugene Khoo, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Giải pháp Năng lượng Bền vững SP Group Việt Nam, một trong những đơn vị hiện dẫn đầu trong việc xây dựng hạ tầng cho xe điện và quản lý mạng lưới trạm sạc tại Singapore, nhận định, để cải thiện hệ thống sạc xe điện tại Việt Nam, có một số yếu tố cần xem xét. Thứ nhất, việc tăng cường số lượng các trạm sạc nhanh, đặc biệt trên các tuyến đường cao tốc, có thể nâng cao tiện ích và tần suất sử dụng xe điện để di chuyển hàng ngày hoặc đi đường dài, nhất là đối với các đơn vị vận hành đội xe điện và xe sử dụng trong kinh doanh. Thứ hai, các chính sách hỗ trợ có thể thúc đẩy các đơn vị vận hành đội xe chuyển đổi sang xe điện và khuyến khích người dùng mới thay đổi phương tiện. Thứ ba, việc ứng dụng các giải pháp số để giảm chi phí bảo trì cần thiết cho việc quản lý mạng lưới sạc xe điện rộng khắp cả nước sẽ rất quan trọng. Giảm chi phí vận hành và bảo trì không chỉ giúp giảm áp lực cho các đơn vị vận hành mà còn cải thiện độ tin cậy và hỗ trợ mở rộng mạng lưới.

Theo ông Eugene Khoo, thực tế, cơ hội phát triển xe điện tại Việt Nam có thể khác biệt so với các quốc gia khác trong ASEAN. Với đặc thù về địa lý, mức độ phổ biến của xe hai bánh và bốn bánh trong và ngoài các thành phố lớn, cũng như yêu cầu về cơ cấu năng lượng để đảm bảo sạc xe điện bền vững, các mô hình kinh doanh sẽ cần phải linh hoạt và sáng tạo, đồng thời phải đi đôi với các chính sách và quy định rõ ràng từ chính phủ.

Tại Việt Nam hiện tại ngoài VinFast với V-Green là đối tác “trong nhà”, các công ty cung cấp trạm sạc xe điện tại Việt Nam đang chia thành một số nhóm phát triển trạm sạc. Đầu tiên là trạm sạc chính hãng. Nhóm này chủ yếu là trạm sạc tại đại lý và bán sạc tại nhà cho khách hàng sở hữu xe. Nhóm trạm sạc công cộng có thể kể đến EV One, EverCharge. Tiếp đến là nhóm cung cấp sạc tại nhà, công ty thì đông đúc hơn như EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel, v.v…

Các nhà đầu tư vào trạm sạc Việt Nam hiện vẫn chưa nhiều.

Các nhà đầu tư vào trạm sạc Việt Nam hiện vẫn chưa nhiều.

Sự nở rộ các trạm sạc trong tương lai sẽ cần các giải pháp quản lý. Ông Eugene Khoo cho biết đơn vị này tại Việt Nam hiện cũng đã nhanh chóng “bắt trend” với giải pháp quản lý mở rộng hạ tầng sạc xe điện tại Việt Nam mang tên Công nghệ Năng lượng Xanh - Green Energy Tech (GET) Mobility. Đây là một giải pháp thông minh của SP Group giúp tối ưu hóa việc quản lý và giám sát từ xa các trạm sạc, từ đó nâng cao hiệu suất và giảm chi phí vận hành. Giải pháp này được cho có thể giúp các đơn vị vận hành mở rộng mạng lưới sạc không chỉ ở các khu vực đô thị mà còn ở vùng nông thôn và dọc theo các tuyến đường cao tốc. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức để phát triển cơ sở hạ tầng sạc tích hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp sạc linh hoạt và hiệu quả. Bằng cách tận dụng các giải pháp kỹ thuật số để vượt qua những thách thức, Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái sạc xe điện bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh.

Trên thị trường sạc xe điện, mới đây nhất, thu hút sự chú ý của dư luận là thông tin V-GREEN công bố triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có thể tham gia vào việc phát triển và kinh doanh hệ thống trạm sạc xe điện VinFast. Yêu cầu duy nhất là góp mặt bằng và đầu tư trang thiết bị. V-GREEN chia sẻ doanh thu ở mức cố định 750 đồng/kWh điện sạc cho các đối tác, trong vòng tối thiểu 10 năm. Công ty cũng hỗ trợ toàn bộ công nghệ quản lý vận hành, quản lý thu chi, bảo trì bảo dưỡng, marketing thu hút khách hàng đến trạm sạc trong suốt thời gian hợp tác. Các chủ trạm sạc có thể yên tâm hợp tác trong thời gian dài khi V-GREEN cam kết đền bù nếu công ty dừng kinh doanh trước hạn cam kết 10 năm

Một thông tin khác cũng nhận được sự quan tâm của dư luận đó là PV Power đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên của PV Power sẽ đặt tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng. Trạm sạc nhanh có tổng công suất sử dụng 100-120kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50-60kW/cổng sạc.

Theo thông tin từ doanh nghiệp này, doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, tương đương với trạm sạc do VinFast vận hành và thấp hơn một số đơn vị bên thứ 3 khác. Bước đầu, PV Power sẽ xây dựng trạm sạc thí điểm, sau đó sẽ có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện có khoảng 150.000 trạm sạc trên toàn quốc – chủ yếu tập trung ở các khu dân cư, trung tâm mua sắm, bãi đỗ xe và trạm xăng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu hụt trạm sạc nhanh, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc. Trạm sạc nhanh mang lại sự tiện lợi vượt trội cho người lái, giúp họ sạc xe điện nhanh chóng và tiếp tục hành trình trong thời gian ngắn. Điều này sẽ gia tăng niềm tin vào hạ tầng sạc xe điện và khuyến khích việc sử dụng xe điện nhiều hơn.

Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực mở rộng hệ sinh thái xe điện, nhưng các đơn vị vận hành và nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về trạm sạc do chi phí bảo trì cao và thiếu dữ liệu toàn diện về hành vi khách hàng. Để giải quyết những thách thức này và đẩy nhanh sự phát triển của hệ sinh thái xe điện, việc xây dựng một mạng lưới sạc thông minh, liền mạch và an toàn là yếu tố then chốt.

VinFast hiện vẫn là hãng xe có hệ thống trạm sạc phủ khắp Việt Nam lớn nhất.

VinFast hiện vẫn là hãng xe có hệ thống trạm sạc phủ khắp Việt Nam lớn nhất.

Mặc dù còn nhiều thách thức, ông Eugene Khoo cho rằng triển vọng phát triển hệ sinh thái xe điện tại Việt Nam rất khả quan. Nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện và các giải pháp giao thông xanh tạo ra cơ hội lớn để mở rộng hạ tầng sạc. Sự hỗ trợ từ chính phủ và mức độ chấp nhận cao của người tiêu dùng đối với xe điện sẽ là yếu tố then chốt cho sự phát triển này. Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành giao thông hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn, việc mở rộng mạng lưới sạc và hợp tác với các tổ chức chuyên môn giàu kinh nghiệm sẽ là điều cần thiết.

Chính phủ Việt Nam hiện cũng đã đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh dành cho đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.

Cụ thể, mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh lĩnh vực đường bộ giai đoạn 1 (2022-2030), cần thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Việc nhận thức đúng vai trò của hệ sinh thái sạc xe điện trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh là rất quan trọng. Eugene Khoo nhấn mạnh, bằng cách xây dựng một hệ thống sạc toàn diện, liền mạch và đáng tin cậy, Việt Nam có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giao thông, giảm thiểu tác động đến môi trường và tiến tới một tương lai xanh hơn.

Nam Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-van-de-trong-phat-trien-mach-mau-cua-thi-truong-xe-dien-tai-viet-nam.htm