Những vấn đề về phi thuế quan trong thương mại dịch vụ

Ngày 19/11, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội Thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội Thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Sáng 19/11, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hội thảo lần này tập trung vào các kết quả khảo sát, ngoài việc thông tin, giải pháp các ý kiến, hội thảo có các phiên thảo luận chuyên sâu theo từng lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thông tin, du lịch.

Kết quả nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ là những thông tin và kiến thức cho các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và hiệp hội ngành hàng, ngoài việc nhìn rõ hơn được bức tranh tổng thể về những vấn đề phi thuế quan trong thương mại dịch vụ, đây sẽ là cơ sở khoa học cho các cơ quan doanh nghiệp thiết kế các hoạt động thực tế.

Theo ông Vũ Bá Phú, các nước trên thế giới đều sử dụng công cụ phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, hướng đến đạt được một số mục tiêu kinh tế, xã hội nhất định. Thực tế, theo quy định của WTO, các nước sẽ phải dần xóa bỏ một số hàng rào phi thuế quan.

Tuy nhiên, cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ phi thuế quan mới và tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi. Trong quá trình mở cửa, hội nhập các tổ chức và doanh nghiệp càng cần phải hiểu rõ các hàng rào phi thuế quan để tránh những khó khăn trong kinh doanh.

Toàn cảnh Hội Thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh Hội Thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Bà Nguyễn Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại cho biết, báo cáo này là kết quả của cuộc khảo sát doanh nghiệp về các rào cản trong thương mại quốc tế được thực hiện tại Việt Nam bởi Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), sử dụng phương pháp được phát triển bởi ITC nhằm xác định các trở ngại pháp lý và các rào cản về thủ tục đối với thương mại, xuất phát từ các biện pháp phi thuế quan.

Cuộc khảo sát này do Công ty TNHH Mekong Economics và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện. Dự thảo cuối cùng của Báo cáo đang được hoàn thiện bởi các chuyên gia của Cục Xúc tiến thương mại và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Mục tiêu của báo cáo nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về phi thuế quan và các trở ngại thương mại khác mà doanh nghiệp gặp phải, hướng tới cải thiện và phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân. Những trở ngại được báo cáo cho rằng do các quy định quá nghiêm ngặt chiếm 3% các trường hợp, do các trở ngại về thủ tục chiếm 89% và 8% còn lại cho rằng do cả hai lý do trên.

Các trở ngại về thủ tục được báo cáo nhiều nhất là gây chậm trễ liên quan đến quy định, chiếm 40% các trường hợp, các chi phí không chính thức, ví dụ: hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận/quy định chiếm 17% các trường hợp và lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận/quy định chiếm 15% các trường hợp.

Đối với các công ty nhỏ và siêu nhỏ, báo cáo về trở ngại do các quy định quá nghiêm ngặt chiếm 3%, 86% do các trở ngại về thủ tục, như sự chậm trễ liên quan do quy định gây ra và hành vi độc đoán của các quan chức liên quan đến quy định được báo cáo tương ứng trong 46% và 17% các trường hợp.

Bà Nguyễn Minh Thúy nhấn mạnh, cuộc khảo sát cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về những trở ngại trong thương mại mà các công ty Việt Nam gặp phải và xác định các nút thắt tiềm ẩn liên quan đến thủ tục trong thương mại và hoạt động xuyên biên giới. Thông tin này sẽ hỗ trợ cả khu vực tư nhân và Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi để phát triển khu vực tư nhân và cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho Việt Nam.

Để mở rộng quan điểm về những trở ngại đối với thương mại, lần đầu tiên Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) đưa vào khảo sát quan điểm của các nhà xuất khẩu dịch vụ. Thực hiện giống phương pháp khảo sát đối với thương mại hàng hóa, với mục đích nhằm xác định các quy định và các trở ngại về thủ tục gây khó khăn nhất cho các công ty xuất khẩu dịch vụ theo hoạt động, theo ngành và theo quốc gia đối tác.
Trước khi khảo sát, ITC và Cục Xúc tiến thương mại đã đưa ra danh sách các nhà nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam theo các lĩnh vực tương ứng dựa trên rất nhiều nguồn khác nhau. Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) đã cung cấp thông tin về hơn 70.000 doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại và các hiệp hội doanh nghiệp cung cấp thêm các địa chỉ liên hệ khác.
Các thông tin được cung cấp bao gồm: thông tin liên lạc, địa chỉ và các sản phẩm hoặc dịch vụ xuất nhập khẩu chính của 76.231 doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại quốc tế. Danh sách này được sử dụng để tính kích thước mẫu và liên hệ với các công ty để chuẩn bị khảo sát./.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-van-de-ve-phi-thue-quan-trong-thuong-mai-dich-vu/140447.html