Những vận động viên của một giải đấu đặc biệt
Dù khó khăn trong từng cử động nhưng ai cũng muốn về đến đích với một tinh thần không bỏ cuộc. Họ chính là những vận động viên đặc biệt trong một giải đấu cũng đặc biệt: Giải Thể thao dành cho người khuyết tật của tỉnh.
• NĂM NÀO CŨNG CÓ GIẢI
Khuôn mặt tươi vui với nụ cười luôn trên môi, Lê Thị Liên, thành viên của đoàn vận động viên (VĐV) người khuyết tật Bảo Lộc tại Giải Thể thao người khuyết tật Lâm Đồng 2024 tổ chức đầu tháng 11 tại Đà Lạt cho chúng tôi biết rằng, hầu như năm nào chị cũng có giải. Như tại giải 2024, khi thi đấu trong 6 nội dung gồm 2 nội dung điền kinh 100 m, 200 m và 400 m; xe lắc 1.000 m; xe lăn 100 m và 400 m, trong tất cả 6 nội dung này chị Liên đều giành được huy chương (HC), gồm có 3 HC vàng, 3 HC bạc. Chị chính là người có số HC nhiều nhất tại giải đấu lần này.
Sinh năm 1990, người Kim Thanh, Lộc Nga, Bảo Lộc, có lẽ cuộc đời chị đã sang một trang khác với rất nhiều ước mơ nếu như không bị bệnh tật. Một cơn sốt nguy hiểm từ lúc còn nhỏ đã khiến chị teo mất 1 chân, trở thành một người khuyết tật. Học hết trung học phổ thông, chị Liên ở nhà học may, làm nghề may và có gia đình, có 2 cháu nhỏ. Chồng chị gần đây mất vì tai nạn giao thông, hiện chị sinh sống cùng mẹ, chăm 2 con nhỏ và làm nghề may. “May quần áo giờ cũng chậm vì mọi người giờ may đồ ít, quần áo có sẵn bán nhiều, lại rẻ, tiện dụng, nên tôi nhận may cả gia công, có việc gì làm việc nấy. Vì khuyết tật nên việc chọn nghề phù hợp cho mình cũng hạn hẹp. Cũng may Nhà nước có trợ cấp cho người khuyết tật hằng tháng, cùng với việc xoay xở làm ăn và sự giúp đỡ của nhà ngoại nên cũng đủ để nuôi 2 con”, chị cho biết.
Điều đáng nói nhất theo chị Liên, Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc có các hoạt động rất tốt, hỗ trợ, động viên rất nhiều về mặt tinh thần cho những người khuyết tật trên địa bàn trong việc hòa nhập cộng đồng, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống. “Ngày trước, ra đường hay đi đâu cũng ngại vì sợ người ta phân biệt đối xử, nhưng nay mọi việc cũng dần bình thường. Hội cũng động viên mọi người tham gia giải thể thao cấp tỉnh, tùy sức khỏe mình mà thi đấu”, chị Liên chia sẻ.
Trong 5 năm giải gần đây, chị Liên cho biết năm nào chị cũng dự giải và năm nào cũng mang giải thưởng về cho Hội Người khuyết tật Bảo Lộc. Nhờ sự quan tâm nên Hội có kinh phí thuê xe đưa mọi người lên Đà Lạt dự giải; khi lên đây, Hội tỉnh lo ăn ở, có các hoạt động giao lưu rất vui nên chị năm nào cũng háo hức đi thi đấu. “Thi thì phải có thắng có thua, thắng cũng tốt, nhận được giải thưởng rất vui nhưng nếu có thua cũng không sao, mình cố gắng lần đến là được, chủ yếu là gặp mặt mọi người để trò chuyện, quen biết nhau với mọi người khắp nơi là vui rồi”, chị Liên nói.
• CÓ MẶT TẠI GIẢI LÀ HẠNH PHÚC RỒI
“Khó giành được giải lắm, đâu dễ gì có HC!”, chị Nguyễn Thị Hà, sinh 1985, thành viên của Đoàn Thể thao người khuyết tật Lâm Hà mỉm cười nói khi dõi mắt theo đường chạy của các thành viên trong đoàn của mình đang thi đấu tại giải. Người thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, chị Hà bị sốt bại liệt từ năm 7 tuổi, di chứng khiến đôi chân chị gần như teo lại hẳn sau đó. “Nhờ tập luyện nên sau đó tôi cũng dần đi lại được bằng đôi nạng. Giờ trong nhà chủ yếu đi lại bằng nạng gỗ, còn nếu ra ngoài, có xe máy ba bánh, muốn đi đâu có chiếc xe cũng dễ đi ”, chị Hà cho biết.
Cũng như bao người khuyết tật khác, chị Hà cũng học một cái nghề phù hợp cho những người khuyết tật như mình để mưu sinh: nghề may. Nhưng may vá cũng khó khăn vì ngày nay ít người đi may nên chị với đôi tay khéo léo của mình đã học thêm nghề trang điểm, làm đẹp cho giới nữ. Chị có gia đình, có 1 con trai nhưng sau đó chồng đã ly dị, chị hiện sống tại nhà bố mẹ chị, con trai chị hiện đang học lớp 9.
“Đây là lần thứ 2 tôi tham gia tranh tài tại Giải Thể thao người khuyết tật tỉnh. Hồi trước cũng được vận động đi thi đấu nhưng ngại quá, không biết mình thi đấu có được không, có đủ sức khỏe để thi đấu không”, chị Hà kể lại. Hai năm gần đây, được những người đồng cảnh ngộ như mình tại địa phương vận động, chị đã tham gia cùng đoàn VĐV khuyết tật Lâm Hà tại giải cấp tỉnh. Tại giải năm nay, chị tranh tài trong nội dung xe lăn 2 cự ly gồm cự ly 100 m và cự ly 200 m. “Các VĐV trong cự ly này khỏe lắm, họ chạy rất nhanh, tôi bắt theo không kịp”, chị Hà cười.
Với chị, thắng thua không quan trọng. “Mình cứ cố gắng hết sức là được, thắng thì tốt còn thua cũng vui mà, vì cả năm mới có một cuộc thi của người khuyết tật như vậy, ai ai cũng chờ, cũng mong đợi. Chờ để lên đây gặp mặt mọi người, hỏi thăm sức khỏe nhau, rất vui”, chị Hà nói. Một điều đáng nói là tinh thần thể thao của chị Hà cùng các thành viên của đoàn Lâm Hà rất lớn. Rất nhiều thành viên trong đoàn đã đi chặng đường dài 50 - 60 km trong đó có vượt đèo Tà Nung, đi bằng xe máy 3 bánh dành cho người khuyết tật để lên Đà Lạt dự thi đấu. “Được có mặt tại giải là điều hạnh phúc rồi”, chị Hà nói.
• KHÔNG THI ĐẤU MÔN NÀY THÌ THI ĐẤU MÔN KHÁC
Rất nhiều lần thi đấu trong nội dung xe lăn, xe lắc nhưng tại Giải Thể thao người khuyết tật năm 2024, chị Đỗ Thị Minh Hương, sinh 1971, người Phường 12, Đà Lạt đã chọn thi đấu ở một bộ môn mới: môn cờ tướng nữ.
Chị Hương bị sốt bại liệt từ rất nhỏ, năm chị 2 tuổi, sau đó một nửa người của chị từ chân lên đến tay bị giảm cơ vận động, gần như liệt. Trong nhiều năm nay, chị sống cùng gia đình, cùng cha mẹ chị. Ở nhà làm việc nhà, chị còn làm bánh bột lọc, nhận đặt bánh qua điện thoại và có người giao bánh đến nhà khách. Trong nhà chị dùng xe lăn để đi lại, làm việc nhà, tự phục vụ mình. “Tôi rất thích thể thao, mơ ước mình được thi đấu thể thao. Hồi nhỏ cũng mong ước rằng mình lành lặn trở lại để được chạy nhảy, được rong chơi với bạn bè đồng lứa, với mọi người trong nhà. Nhưng rồi dần mình học ra rằng phải chấp nhận cuộc đời của mình". chị Hương nhớ lại.
Ngay từ những ngày đầu Giải Thể thao người khuyết tật TP Đà Lạt và cấp tỉnh tổ chức chị là một trong những thành viên tham gia tích cực của Đoàn VĐV người khuyết tật Đà Lạt. Năm vừa rồi, khi sức khỏe đôi tay không tốt, vì yêu thể thao, chị đã xin chuyển sang thi đấu môn cờ tướng nữ - một môn mới được đưa vào thi đấu tại Giải Người khuyết tật TP Đà Lạt và giải cấp tỉnh năm 2024 này.
Thực ra, môn cờ tướng lâu nay vẫn được tổ chức tại Giải Thể thao người khuyết tật của Đà Lạt và của cấp tỉnh, nhưng chỉ dành riêng cho nam giới. Trước sự đề nghị của phái nữ khuyết tật gần đây, giải mới được tổ chức. Để tham dự giải đấu, chị Hương đã bỏ ra cả năm trời để học chơi cờ tướng. “Không thi đấu xe lắc, xe lăn thì tham gia cờ tướng. Nam giới chơi được thì mình cũng chơi được. Không có nội dung này thì mình thi nội dung khác của giải, chủ yếu là tinh thần thể thao. Giải cả năm mới có 1 lần được có mặt là rất vui”, chị Hương nói.