Những việc không tên của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam

Hoạt động của một Liên đoàn thể thao quốc gia không phải lúc nào cũng được nhiều người biết tới như bóng đá. Cầu lông là một trong những môn thể thao như thế, nơi những cá nhân, tổ chức thường chọn cách làm việc trong thầm lặng, và chỉ thể hiện qua thành quả của vận động viên.

Câu chuyện lịch sử

Trong khoảng 2 năm gần đây, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam liên tục được nhắc đến bên cạnh những câu chuyện dễ gây hiểu nhầm. Thứ nhất, họ thường xuyên bị nhiều đối tượng mạo danh để trục lợi thông qua hoạt động bán khóa học, đào tạo vận động viên (VĐV) trẻ. Thứ hai, việc các tuyển thủ du đấu tự túc khiến họ bị xem là bỏ mặc VĐV.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (trái) là Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (trái) là Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam.

Việc những tay vợt như Tiến Minh trước đây, hay Thùy Linh và Đức Phát hiện tại phải tự túc kinh phí thi đấu quốc tế có thể khiến Liên đoàn Cầu lông Việt Nam bị hiểu nhầm là "không làm gì". Nhưng trên thực tế ở Việt Nam, cầu lông lại là môn có Liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động tốt và bài bản, với mức độ chuyên nghiệp chỉ sau bóng đá.

Ít ai biết, cầu lông là một trong những môn thể thao đầu tiên có Liên đoàn thể thao cấp độ quốc gia. Hiện tại, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam có nhiều Liên đoàn thành viên ở các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Khánh Hòa và nhiều tỉnh thành khác, với các giải đấu diễn ra liên tục. Đây chính là cơ sở phát triển một môn thể thao bền vững.

Nền tảng thành lập và phát triển của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam bắt đầu từ thập niên 90, với Chủ tịch đầu tiên và tại vị trong hơn 20 năm là cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Các nguyên thủ quốc gia thường ít xuất hiện tại sự kiện thể thao, và nếu có, thường chỉ là bóng đá. Tuy nhiên, cố Thủ tướng Phan Văn Khải lại là ngoại lệ vô cùng đặc biệt.

Nhiều vận động viên như Trần Đình Mạnh được nâng tầm từ hoạt động của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam.

Nhiều vận động viên như Trần Đình Mạnh được nâng tầm từ hoạt động của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam.

Ở thập niên 90, các sân cầu lông gần như xuất hiện tại mọi cơ quan, công sở, trường học. Môn thể thao này được đưa vào chương trình giảng dạy thể chất ở các cấp. Hoạt động tập luyện, thi đấu cầu lông cấp độ phong trào nở rộ, thậm chí không hề thua kém môn thể thao vua. Đó cũng là khoảng thời gian tạo nền tảng phát triển thể thao thành tích cao.

Bằng một cách nào đó, những con người gắn bó với cầu lông Việt Nam ở thời kỳ đầu tiên đã tạo cơ sở bền vững, trường tồn với thời gian. Sau giai đoạn phát triển theo chiều rộng, cầu lông bắt đầu hướng đến chiều sâu. Từ một môn thể thao phong trào, những VĐV cầu lông thành tích cao dần xuất hiện. Họ liên tục thi đấu trong nước và quốc tế.

Suốt hành trình phát triển đó của cầu lông Việt Nam, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đồng hành. Ông từng đến theo dõi nhiều giải cầu lông quốc tế, thậm chí trực tiếp gặp mặt, động viên các tay vợt. Đó không phải hoạt động thường thấy ở một nguyên thủ quốc gia, và chỉ có thể xuất phát từ tình yêu cháy bỏng với môn cầu lông.

Trong giai đoạn 2013-2014, một hãng đồ thể thao lớn phân phối tại Việt Nam từng sản xuất phiên bản giới hạn những chiếc vợt đặc biệt khắc tên cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Đây là một phần trong hoạt động tri ân đóng góp của cố Thủ tướng đến cầu lông. Ông chính là người góp phần giúp cầu lông trở thành môn thể thao quốc dân tại Việt Nam như ngày nay.

Mạnh cả lượng và chất

Tương tự bóng đá, cầu lông là môn thể thao có hệ thống giải đấu quốc tế diễn ra liên tục. Việc các VĐV Việt Nam hiếm khi nào xuất hiện ở những giải cấp độ cao nhất khiến ta có thể lầm tưởng về mức độ phát triển cầu lông tại Việt Nam. Nhưng nếu đặt lên so sánh với những môn thành tích cao khác, cầu lông Việt Nam thực tế đã đi trước rất xa.

Các giải đấu quốc tế tại Việt Nam thu hút nhiều vận động viên nước ngoài xuất sắc tham gia.

Các giải đấu quốc tế tại Việt Nam thu hút nhiều vận động viên nước ngoài xuất sắc tham gia.

Trong các môn thể thao thành tích cao của Việt Nam, mỗi môn thông thường chỉ có 3-4 giải đấu được tổ chức trong nước mỗi năm. Việc này xuất phát từ thực tế khách quan về kinh phí tổ chức giải trong nước, cũng như khả năng di chuyển, tham gia của các địa phương. Tuy nhiên, cầu lông lại ở một địa hạt hoàn toàn khác phần còn lại.

Ở thời điểm hiện tại, cầu lông là môn có nhiều giải đấu trong nước nhất. Trung bình, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam tham gia tổ chức khoảng 15 giải trong nước diễn ra liên tục trong một năm dương lịch, gấp 4-5 lần các môn còn lại. Số giải đấu quốc tế đến Việt Nam cũng tăng dần theo thời gian từ con số 2 lên 3, và giờ là 4 giải mỗi năm.

Những giải đấu quốc tế do Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đăng cai tổ chức thuộc các cấp độ Super 100, Challenge và International (2 giải). Đây là những giải đấu cấp độ cao nhất Việt Nam có thể đăng cai lúc này. Điều đó thể hiện uy tín của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, qua đó, những VĐV trong nước cũng được hưởng lợi không kém.

4 giải đấu quốc tế diễn ra thường niên giúp nhiều VĐV Việt Nam có cơ hội thi đấu quốc tế ngay trong nước. Điều này càng quan trọng hơn, trong bối cảnh việc xuất ngoại thường tiêu tốn rất nhiều kinh phí và không được địa phương phê duyệt. Mặt bằng trình độ của VĐV Việt Nam từ đó được cải thiện rõ rệt theo thời gian.

Những công việc không tên

Quy trình đăng ký cho VĐV thi đấu quốc tế của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, nghe qua tưởng như đơn giản, nhưng thực tế cũng rất phức tạp với nhiều công việc không tên. Ngay cả những Liên đoàn Cầu lông quốc gia lớn như Nhật Bản cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nhầm lẫn, đăng ký sai. Với mỗi sai lầm như thế, các CLB, VĐV, HLV phải trả giá đắt.

Liên đoàn Cầu lông Việt Nam luôn hỗ trợ vận động viên du đấu theo nhiều cách khác nhau.

Liên đoàn Cầu lông Việt Nam luôn hỗ trợ vận động viên du đấu theo nhiều cách khác nhau.

Trong trường hợp Liên đoàn đăng ký sai, VĐV đã bỏ tiền mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn có thể phải ở nhà vì mình không có tên trong danh sách thi đấu. Vì thế, công việc này cần được thực hiện tuyệt đối chính xác. Hoạt động tổ chức tập luyện, thi đấu cho VĐV Việt Nam hướng ra quốc tế cũng được Liên đoàn chú trọng, phối hợp với Cục Thể dục thể thao.

Ở góc độ kinh phí, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam bị giới hạn ít nhiều khoản ngân sách tập luyện, thi đấu quốc tế. Đây là khoản kinh phí được phân bổ từ Cục Thể dục thể thao. Nhưng ở chiều ngược lại, với những VĐV thực sự có tố chất tốt và khao khát vươn ra thế giới, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam luôn đồng hành và giúp đỡ họ.

Trong khoảng thời gian khó khăn nhất sự nghiệp, tay vợt Nguyễn Thùy Linh từng được Liên đoàn Cầu lông Việt Nam giới thiệu những hợp đồng tài trợ lớn đầu tiên với một số hãng đồ thể thao quốc tế. Đây là nền tảng giúp Thùy Linh dần tiến bộ, qua đó vươn lên nhóm 30 tay vợt hàng đầu thế giới như hiện tại.

Bên cạnh Thùy Linh, nhiều VĐV khác tiếp bước cô vươn ra quốc tế cũng được Liên đoàn Cầu lông Việt Nam hỗ trợ từng bước. Đây là hoạt động được phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương, qua đó giúp nguồn tiền đưa đến đúng người. Mới đây, 2 tuyển thủ cầu lông quốc gia đã được ký bản hợp đồng tài trợ lớn đầu tiên trong sự nghiệp.

Công tác tổ chức các giải đấu trong nước và quốc tế của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cũng được tiến hành nhuần nhuyễn, với những con người giàu kinh nghiệm và yêu nghề. Cầu lông Việt Nam cũng có bảng xếp hạng riêng cho các VĐV trong nước, với điểm số và thứ bậc phản ánh tương đối chính xác trình độ của VĐV.

Rất nhiều năm trước khi khẩu hiệu đưa cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 hay trí tuệ nhân tạo vào phát triển thể thao thành tích cao, cầu lông Việt Nam đã làm được điều này khi lượng hóa trình độ VĐV qua điểm số nhằm đánh giá khách quan, đồng thời bồi dưỡng VĐV giàu triển vọng hướng đến tương lai.

Hoạt động của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, trên thực tế, diễn ra liên tục và dày đặc. Theo xu hướng phát triển chung, những con người của Liên đoàn cũng phải hoạt động đa nhiệm vụ. Bằng nhiều cách khác nhau, họ trở thành đại sứ đưa hình ảnh cầu lông Việt Nam ra thế giới. Đó mới là giá trị thực sự của những người làm thể thao.

Nhiều đường đưa vận động viên ra quốc tế

Hiện tại, kinh phí thi đấu quốc tế của môn Cầu lông được Cục Thể dục Thể thao cấp ở mức khoảng vài ba tỷ đồng mỗi năm. Con số này nghe qua có vẻ nhiều, nhưng chỉ đủ trang trải cho những giải nhóm 1 của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF). Đó là các giải vô địch thế giới, vô địch châu Á, vô địch trẻ thế giới, và vô địch các nhóm tuổi trẻ châu Á.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho các VĐV trẻ thi đấu quốc tế, nhằm tìm ra những gương mặt kế cận trong tương lai, cầu lông Việt Nam thường ưu tiên đưa nhiều VĐV đến các giải trẻ. Thùy Linh, Đức Phát, Hải Đăng từng chập chững bước ra thế giới từ những giải đấu như thế. Đây là cơ sở giúp họ vươn lên nhóm đầu thế giới như hiện tại.

Trong trường hợp của những VĐV "tự túc" như Thùy Linh, họ được Liên đoàn Cầu lông Việt Nam hỗ trợ gián tiếp. Hợp đồng tài trợ lớn cho những VĐV như Thùy Linh, Hải Đăng thường có điều khoản hỗ trợ thi đấu một số giải quốc tế nhất định. Ngoài khoản thu nhập thêm hàng tháng, đây là động lực để các VĐV tiếp tục tranh tài đỉnh cao.

Sự đồng hành, hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã giúp các VĐV không cảm thấy cô đơn khi du đấu. Trên thực tế, mối quan hệ giữa VĐV, HLV và các cán bộ Liên đoàn luôn rất khăng khít. Sự quan tâm, chỉ dẫn được thực hiện hàng ngày, nhằm sát sao theo từng hoạt động của VĐV thể thao thành tích cao.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhung-viec-khong-ten-cua-lien-doan-cau-long-viet-nam-i765425/