Những việc làm mang 'phong cách trẻ'

Hope Lào Cai và 'Anti Plastic' là hai trong số hội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện có chung điểm khởi phát mong muốn kết nối, sẻ chia yêu thương, tình nguyện vì cộng đồng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Thành viên Câu lạc bộ Anti Plastic phát túi ni lông cho tiểu thương chợ Cốc Lếu.

Thành viên Câu lạc bộ Anti Plastic phát túi ni lông cho tiểu thương chợ Cốc Lếu.

“Mang hy vọng đến nơi nghèo khó”

Là thông điệp ý nghĩa mà Câu lạc bộ tình nguyện Hope Lào Cai luôn nêu cao. Câu lạc bộ ra đời tháng 12/2012, đến nay có 100 thành viên và gần 2.000 cộng tác viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi có nghề nghiệp khác nhau như dược sỹ, giáo viên, thương mại, dịch vụ, buôn bán…

Địa bàn hoạt động từ thiện của Câu lạc bộ tình nguyện Hope Lào Cai thường ở vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, quần áo, chăn màn, cây giống, vật nuôi, Câu lạc bộ còn dành thời gian ở lại với địa phương, trực tiếp giúp bà con dựng nhà mới, xây dựng công trình vệ sinh, đổ bê tông đường dẫn vào nhà, sân nhà, lắp đặt hệ thống điện, nước sinh hoạt.

Trung bình mỗi năm, Câu lạc bộ triển khai 28 chương trình từ thiện, trong đó nổi bật là chương trình “Trồng cây đầu năm”, “Mùa hè xanh”, “Tết thiếu nhi”, “Mùa đông yêu thương”, “Tết vì người nghèo”... Tổng kinh phí và giá trị nguồn vật chất (không kể ngày công) mà Câu lạc bộ làm từ thiện từ năm 2015 đến nay đã vượt qua con số hơn 3 tỷ đồng.

Anh Đặng Lê Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Hope Lào Cai cho biết: Câu lạc bộ đã huy động nguồn lực xây dựng công trình hạ tầng nông thôn cho một số vùng khó khăn. Năm 2017, chúng tôi đã quyên góp được 460 triệu đồng để xây dựng điểm Trường Mầm non Đồi Lai, xã Dương Quỳ (Văn Bàn) trong chương trình “Góp gạch yêu thương - cùng em đến trường” lần hai.

Trước việc làm có ý nghĩa với địa phương, ông La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ tâm sự: Chúng tôi cần nhiều hơn nữa sự chung tay, sẻ chia của các bạn trẻ, các “mạnh thường quân” để đồng bào vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bớt đi khó khăn.

“Mong muốn về một cuộc sống xanh”

Thành lập từ tháng 9/2019, Câu lạc bộ Anti Plastic - Trường THPT số 1 Lào Cai gồm 15 thành viên, có mục tiêu hành động chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế, không dùng đồ nhựa. Hiện, Câu lạc bộ đang vận hành Dự án “Không sử dụng đồ nhựa trong trường học” với mục tiêu giảm 80% lượng rác thải nhựa trong Trường THPT số 1 Lào Cai thông qua tái sử dụng chai nhựa thành chậu cây treo tại hành lang lớp học.

Chia sẻ về dự án này, em Thái Bá Minh, lớp 12D1, thành viên Câu lạc bộ cho biết: Khi bắt đầu thực hiện dự án, chúng em phát cho mỗi lớp 1 thùng carton để đựng chai nhựa và giấy loại. Sau mỗi buổi học, các thành viên chia nhau đến các lớp để thu gom, phân loại rác, một phần chai nhựa sẽ được tái sử dụng làm chậu hoa, một phần bán để gây quỹ hoạt động cho Câu lạc bộ. Số tiền thu được chúng em dành mua túi giấy và túi ni lông tự hủy để phát miễn phí cho người tiêu dùng và các tiểu thương tại chợ Cốc Lếu.

Em Minh cũng cho biết thêm, sau gần 3 tháng hoạt động, số lượng chai nhựa và giấy loại thu được đã giảm hẳn so với thời gian đầu. Như vậy, để thấy ý thức hạn chế dùng đồ nhựa của học sinh Trường THPT số 1 Lào Cai được nâng lên rất nhiều.

Niềm vui của Câu lạc bộ là Dự án đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Ban Giám hiệu và Đoàn thanh niên nhà trường. Trong mỗi buổi chào cờ, các bạn đã tuyên truyền, cung cấp kiến thức, thông tin về nhựa, đồ làm bằng nhựa, tác hại của rác thải nhựa với môi trường sống. Nhiều bạn qua đó đã nhận ra và tự giác “nói không” với bao nylon hay hộp xốp. Nhiều bạn sử dụng đồ thủy tinh để đựng nước thay vì chai nhựa; không sử dụng ống hút nhựa khi mua các loại nước uống từ căng-tin.

Các thành viên của Câu lạc bộ mong muốn không chỉ học sinh trong Trường THPT số 1 Lào Cai mà lan tỏa ra cộng đồng để nhiều người cùng tham gia. Chị Phạm Thu Trang, tiểu thương chợ Cốc Lếu bày tỏ: Hành động của học sinh Trường THPT số 1 Lào Cai là rất tích cực, có ý nghĩa với cuộc sống. Chúng tôi thấy mình cần phải gương mẫu trước thế hệ trẻ, hạn chế dùng và thải đồ nhựa trong cuộc sống hằng ngày.

Cô giáo Hà Thúy Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT số 1 cho biết: Việc làm thiết thực của Câu lạc bộ Anti Plastic có tính giáo dục, tuyên truyền rất cao. Nhờ đó, học sinh trong trường đã hạn chế dần rác thải nhựa và có ý thức bảo vệ môi trường sống. Vượt qua khuôn khổ nhà trường, hành động của Câu lạc bộ còn lan tỏa ra cộng đồng, gắn với thông điệp hạn chế đồ nhựa dùng một lần, tái chế đồ nhựa, phân loại rác là đồ nhựa để dễ tái sử dụng.

Từ việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, Câu lạc bộ Anti Plastic đang góp phần làm cuộc sống xanh hơn bằng những điều đơn giản, thiết thực.

Kiều Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nhip-song-tre/nhung-viec-lam-mang-phong-cach-tre-z35n20200108100704427.htm