Những việc tuyệt đối không nên làm khi sơ cứu người bị co giật, động kinh

Sơ cứu người bị co giật, động kinh an toàn phải đúng trình tự từng bước. Tuyệt đối lưu ý những việc không nên làm sau đây trong quá trình sơ cứu nạn nhân co giật để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, co giật là một biểu hiện hoạt động phóng điện của nhiều tế bào thần kinh ở vỏ não xảy ra một cách đồng thời, thoáng qua và không kiểm soát được.

Một số trường hợp co giật chỉ là triệu chứng xảy ra trong quá trình bệnh của một bệnh thần kinh hoặc một bệnh nội khoa nào đó và không tái lại một khi những bệnh lý này được giải quyết.

Động kinh là một rối loạn mạn tính, biểu hiện đặc trưng bởi những cơn co giật lặp đi lặp lại mà điển hình là không dự đoán được, không cần yếu tố thúc đẩy. Hầu hết động kinh là vô căn.

Những nguyên nhân khác của động kinh: chấn thương, u não, bệnh não chu sinh, dị dạng não bẩm sinh, các nhiễm trùng thần kinh, đột quỵ, các rối loạn thoái hóa thần kinh.

Tuổi khởi phát động kinh có thể phản ánh nguyên nhân: động kinh ở trẻ em thường là vô căn, dị dạng bẩm sinh hoặc do các rối loạn phát triển hệ thần kinh; ở người lớn tuổi thường do đột quỵ, thoái hóa não hoặc do u não.

Các rối loạn nội khoa phổ biến gây co giật (không phải động kinh): hạ canxi máu, hạ natri máu, các rối loạn chuyển hóa porphyrin, thiếu oxy não, tăng đường huyết, hạ đường huyết, suy thận giai đoạn nặng, sốt cao, phản ứng thuốc, các tình trạng ngừng sử dụng rượu, thuốc cũng có thể gây co giật.

Dấu hiệu người bị co giật cần sơ cứu ngay

Co giật thường có các triệu chứng khác nhau, dưới đây là các dấu hiệu người bị co giật cần sơ cứu ngay.

Co giật xảy ra khi những tế bào thần kinh hoạt động quá mức hoặc hoạt động một cách đồng thời.

Co giật xảy ra khi những tế bào thần kinh hoạt động quá mức hoặc hoạt động một cách đồng thời.

Động kinh cục bộ

Còn gọi là co giật một phần và co giật cục bộ, là cơn động kinh chỉ ảnh hưởng đến một phần trong não có hoạt động bất thường như cánh tay bắt đầu cử động hoặc mặt bắt đầu co giật. Các cơn co giật xuất hiện ở 1 phần mặt hoặc tứ chi. Người bệnh có thể tỉnh táo, nhận thức được nhưng không thể kiểm soát, nhìn khoanh vùng hoặc nhìn chằm chằm khi cơn động kinh trở nên phức tạp. Khi hết cơn co giật, người bệnh không nhớ những điều đã xảy ra.

Động kinh toàn thể

Đa số cơn động kinh này xuất hiện đột ngột, người bệnh mất ý thức hoàn toàn, trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn co cứng (khoảng 1 phút): 2 tay co, 2 chân duỗi ra, co cứng cơ tứ chi, cơ ở thân và ngực…

Giai đoạn co giật cơ (kéo dài khoảng vài phút): mắt trợn trắng, giật cơ liên tục, sùi bọt mép lẫn máu.

Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: sau cơn co giật, người bệnh có thể hôn mê, thở dốc hoặc đái dầm.

Động kinh toàn thể rất nguy hiểm vì người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, không thể tự bảo vệ bản thân. Các cử động đập mạnh không kiểm soát được trong cơn co giật có thể dẫn đến chấn thương.

Các cơn co giật nhẹ hơn như: nhìn chằm chằm, run tay hoặc chân trong thời gian ngắn, người bệnh đang ở trong trạng thái như mộng du nên cần được hướng dẫn tránh xa cầu thang, cạnh bàn… gây nguy hiểm.

Một số người trước khi phát bệnh thường có các dấu hiệu như: ảo giác, chóng mặt, thay đổi thị giác, vị giác, khứu giác.

Khi cơ bắp co thắt dữ dội, người bệnh có thể cắn lưỡi, nghiến răng, không kiểm soát được tiểu tiện, khó thở hoặc ngừng thở, da xanh, mặt tím tái.

Một số trẻ xuất hiện cơn co giật do sốt cao thường thèm theo sốt cao tại thời điểm giật.

Sau cơn co giật, người bệnh sẽ biểu hiện đáp ứng chậm, lú lẫn hoặc rơi vào trạng thái ngủ.

Cách sơ cứu người bị co giật

Khi phát hiện có người bị co giật, trước hết giữ bình tĩnh để giúp đỡ người gặp nạn.

Yêu cầu mọi người xung quanh không tập trung đông để thông thoáng không khí.

Loại bỏ các vật sắc, nhọn ra xa người đang co giật vì khi mất ý thức, người bệnh có thể gây tổn thương cho bản thân hoặc người xung quanh.

Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang bên trái để tránh nước bọt hoặc dịch nôn gây tắc nghẽn đường thở, đặt chân phải cao lên – tạo thành góc vuông ở đầu gối.

Đặt gối, khăn, áo (vật mềm)… kê dưới đầu người bệnh để bảo vệ đầu, tránh gây chấn thương.

Nới lỏng quần áo, thắt lưng, khăn quàng cổ, cà vạt… để không gây nghẹt thở.

Với trẻ em, nếu trẻ sốt cao co giật có thể cởi bớt quần áo, cho trẻ nằm trong môi trường thoáng mát để nhiệt độ cơ thể hạ xuống, sử dụng thuốc hạ sốt theo toa dược nếu có thể.

Thông thường cơn co giật sẽ hết sau 2 – 4 phút. Sau 5 phút, nếu người bệnh hết co giật nhưng vẫn chưa tỉnh táo, có biểu hiện khó thở, ngạt thở, da xanh hoặc lên cơn động kinh khác. Không để người bị co giật ở một mình, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Sau cơn co giật nên kiểm tra nạn nhân còn thở, còn đáp ứng không. Nếu nạn nhân không đáp ứng khi lay gọi (không có bất cứ cử động hoặc âm thanh nào đáp ứng lại), không thở hoặc thở ngáp, cần thực hiện hô hấp nhân tạo.

Nếu người bệnh tự cắn lưỡi hoặc môi chảy máu, dùng gạc/khăn sạch ép vào vết thương hoặc ép vào vết thương (nếu vết thương ở bên trong miệng) cho đến khi vết thương ngưng chảy máu.

Nếu người bệnh lên cơn khi vẫn đang dùng thuốc chống co giật nên gọi cho bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc.

Những việc không nên làm khi sơ cứu co giật

Khi người bệnh bị co giật, cần lưu ý những việc không nên làm sau đây trong quá trình sơ cứu nạn nhân co giật để tránh nguy hiểm đến tính mạng:

Không di chuyển người đang co giật.

Không đè lên người đang co giật (không giữ chân tay để ngăn cơn co giật) vì sẽ gây chấn thương cơ hoặc khung xương của người bệnh.

Không dùng tay, vật cứng hay bất cứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân để ngăn cắn lưỡi như: muỗng, đũa… gây gãy răng, tổn thương niêm mạc miệng, dễ ngạt, dị vật đường thở. Nếu người bệnh cắn lưỡi trong cơn co giật, sau khi hết co giật cần đưa người bệnh vào bệnh viện để may lại vết rách.

Không nặn chanh vào miệng người đang co giật, không ép người bệnh uống thuốc hoặc uống nước, uống sữa… vì có thể gây sặc, nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng ngừa co giật tái phát

Nếu người bệnh có tiền sử bệnh co giật cần tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ liều hoặc ngừng thuốc.

Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein, canxi như: thịt nạc, tôm, cua, cá, trứng…

Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi.

Tập thể dục thể thao thường xuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng, thư giãn tinh thần.

Với trẻ nhỏ có tiền sử co giật do sốt cao, cần hạ nhiệt độ cho trẻ khi sốt.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/nhung-viec-tuyet-doi-khong-nen-lam-khi-so-cuu-nguoi-bi-co-giat-dong-kinh-d8036.html