Những viên gạch hồng giữa chiến khu xưa Ba Lòng
Chiến khu xưa Ba Lòng nay thuộc xã Ba Lòng, huyện Đakrông, những ngày tháng Chín, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo đường. Xóm trên, làng dưới rộn ràng đón các cựu chiến binh khắp cả nước về khánh thành Khu lưu niệm thành lập Trung đoàn 6 anh hùng và nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh. Những giọt nước mắt mừng tủi, những cái ôm, nắm tay xiết chặt của các cựu binh dành cho nhau khiến ai có mặt trong buổi lễ hôm ấy cũng rưng rưng xúc động. Các anh, chị về đây với đồng đội đã cùng chung chiến hào, về với người dân chiến khu, với núi rừng một thời cưu mang, che chở họ.
“Các anh về xôn xao làng bé nhỏ”
Giữa Thu, bầu trời trong veo nơi núi rừng Ba Lòng. Đại tá Vũ Đức Hộ (83 tuổi) ở tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 6 nhớ lại, khung cảnh thiên nhiên ấy rất giống như cái ngày cách đây 55 năm về trước, thời khắc Trung đoàn 6 ra đời giữa chiến khu. Chỉ khác hôm nay không gian và đất trời như hòa vào lòng người với bao cảm xúc không thể nào quên của những người chiến thắng.
Hàng trăm CCB của trung đoàn đã về với Ba Lòng thắp cho đồng đội nén nhang, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, rồi mong tìm gặp lại người dân chiến khu từng che chở, nuôi giấu họ. Suốt đêm hôm trước, người dân xã Ba Lòng đã thức cùng các cựu chiến binh kể lại những câu chuyện vận tải lương thực, súng đạn ngược sông Ba Lòng lên chiến khu, kịp thời giúp bộ đội đánh giặc; hình ảnh những chuyến đò của người dân Ba Lòng đưa bộ đội sang sông lại gợi lên bao kỷ niệm thân thương, một lòng đoàn kết giữa quân với dân trong những ngày đất nước lâm nguy... Thế nhưng sáng hôm sau, người dân vùng chiến khu xưa đã dậy sớm, trong những bộ trang phục truyền thống chỉnh tề tập trung đến thôn Tà Lang của xã Ba Lòng để cùng hòa chung với niềm vui kỷ niệm ngày ra đời của Trung đoàn 6. Ông Hồ Văn Phơ (55 tuổi), ở thôn Tà Lang, xã Ba Lòng cho biết gia đình ông cũng như người dân chiến khu xưa không tiếc công sức che chở, nuôi giấu cách mạng cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Những năm tháng của cuộc kháng chống đế Pháp, Mỹ, người dân Ba Lòng luôn theo Đảng, theo cách mạng. Đại tá Vũ Đức Hộ kể rằng, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 năm 1959 của Ban Chấp hành Trung ương về đường lối cách mạng miền Nam, ngày 10/10/1965, Trung đoàn 6 được thành lập tại Khe Su, Ba Lòng. Đây là đơn vị chủ lực cơ động cấp trung đoàn đầu tiên của Quân khu Trị Thiên-Huế ra đời nhằm đánh dấu bước ngoặc trong phát triển lực lượng chủ lực và quy mô tác chiến trên chiến trường. Trung đoàn đã vang danh với 2.820 trận đánh lẫy lừng, góp phần đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong tâm khảm các CCB không bao giờ quên ký ức đau thương về trận đánh ngày 19/10/1965 ở Ba Lòng, có 53 chiến sĩ của Trung đoàn 6 chiến đấu, hy sinh, sau đó bị địch chôn tập thể, đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt. Trải qua 10 năm (1965-1975) chiến đấu đã có hơn 13 nghìn chiến sĩ của Trung đoàn 6 ngã xuống tại các chiến trường, trong đó mới có khoảng 1/3 liệt sĩ được tìm thấy phần mộ. Hôm ấy chị Ngô Thị Bích ở phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội, là em ruột của liệt sĩ Ngô Văn Quý cũng có mặt tại buổi lễ. Chị xúc động kể, anh ruột của chị nhập ngũ năm 1969, hy sinh năm 1971 khi vừa tròn tuổi 20, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Gia đình chị được Ban liên lạc CCB Trung đoàn 6 toàn quốc mời vào Ba Lòng để được tri ân trong lễ kỷ niệm 55 ngày thành lập và khánh thành Cụm di tích ghi dấu nơi thành lập trung đoàn. Ngoài chị Bích còn có chị ruột, em rể và chị dâu của liệt sĩ Quý cùng vào Quảng Trị viếng liệt sĩ và đồng đội của người thân. Hôm ấy, có lẽ đôi vợ chồng CCB Nguyễn Ngọc Đằng (94 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Thúy ( 83 tuổi) ở Thừa Thiên-Huế về dự lễ, là những người cao tuổi nhất trong những CCB của trung đoàn có mặt. Ông bà cho biết dù chống nạng, bước đi thật sự khó khăn những vẫn cố gắng thêm một lần này nữa đến với chiến khu Ba Lòng để gặp gỡ anh em, đồng đội. Nhìn hình ảnh cụ ông nắm tay cụ bà ngực lấp lánh huân, huy chương, đi từng bước một đến hàng ghế đại biểu khiến ai cũng thán phục. Ông Đằng nói chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, người dân khắp mọi miền của Tổ quốc đều được sống trong hòa bình, yên vui, nhưng vẫn còn đó những trăn trở về đồng đội. Ông với những đồng đội còn sống là những người may mắn nên cố gắng làm việc nghĩa, cùng nhau tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và góp phần xây dựng Khu lưu niệm của Trung đoàn 6, đó cũng là ước nguyện chung của anh em CCB và gia đình thân nhân liệt sĩ.
Mỗi cựu chiến binh góp một viên gạch hồng
Ước nguyện về một công trình tri ân, đền ơn đáp nghĩa anh hùng liệt sĩ, đồng đội, người dân chiến khu xưa và tôn vinh chiến công của Trung đoàn 6 anh hùng, đứa con tinh thần, niềm tự hào của vùng đất Bình Trị Thiên đã lâu nhưng chưa thực hiện được khiến các CCB mãi day dứt. Ông Nguyễn Đức Dũng, nguyên CCB trung đoàn, nay là Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị nhớ lại, cách đây ba năm, vào ngày 15/7/2017, lần đầu tiên Ban liên lạc CCB Trung đoàn 6 tổ chức lễ cầu siêu cho 53 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào ngày 10/10/1965 tại Khe Su, Ba Lòng. Đó cũng là ngày khởi công công trình Khu lưu niệm nơi thành lập Trung đoàn 6 và tri ân liệt sĩ. Ông Nguyễn Đức Dũng được ban liên lạc bầu làm trưởng ban vận động xây dựng, làm việc theo nguyên tắc thiện nguyện, không phụ cấp, thể hiện rõ tinh thần đền ơn, đáp nghĩa. Huyện Đakrông giúp đỡ bằng cách bố trí các phó, trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng của huyện, các kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư và chủ tịch UBND các xã thuộc chiến khu xưa Ba Lòng làm thành viên. Để có quỹ xây dựng, ban liên lạc đưa ra kế hoạch “Những viên gạch hồng tri ân đồng đội” được CCB Trung đoàn 6 khắp cả nước nhiệt tình ủng hộ. Ông Dũng cho biết, ban liên lạc mong muốn mỗi cựu chiến chia sẻ một phần lương hưu, thu nhập của mình để góp phần nhỏ bằng tiền hoặc hiện vật để cùng nhau xây dựng công trình ý nghĩa này.
Thông điệp và ý nghĩa của “Những viên gạch hồng tri ân đồng đội” lan tỏa khắp cả nước. Sau một thời gian vận động, ban liên lạc nhận được sự ủng hộ của 127 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với số tiền đến 4 tỉ đồng. Luôn nhớ ơn người dân chiến khu xưa che chở cách mạng, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 6 cũng đã hỗ trợ cho bà con 8 căn nhà tình nghĩa; 10 con bò giống, 100 chiếc xe đạp cho học sinh đến trường và 11 nghìn cây ăn quả cho hội nông dân các xã.
Sau ba năm xây dựng, cụm công trình đã hoàn thành các hạng mục: Nhà lưu niệm, bia chứng tích, tượng đài Đoàn kết và chiến thắng, sân hành lễ, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng… với tổng kinh phí thực hiện 4 tỉ đồng trên tổng kinh phí dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình khoảng 10 tỉ đồng. Vì vậy ban liên lạc tiếp tục vận động để xây dựng hoàn tất cụm công trình vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2020.
Đến thăm khu lưu niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng bày tỏ lòng biết ơn Trung đoàn 6 với những chiến công vang dội đã góp phần quan trọng cùng toàn quân, toàn dân giải phóng quê hương, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời ghi nhận những tình cảm sâu sắc của CCB Trung đoàn 6 anh hùng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng công trình lưu niệm tại nơi thành lập Trung đoàn 6. Với ý nghĩa cao cả đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Khu lưu niệm thành lập Trung đoàn 6 tại chiến khu xưa Ba Lòng.
Những trăn trở, mong muốn, kỳ vọng bấy lâu nay về một công trình đền ơn, đáp nghĩa của các thế hệ CCB Trung đoàn 6 anh hùng cũng như các gia đình liệt sĩ của trung đoàn đã thành hiện thực. Ngày công trình được công nhận di tích, các CCB và người dân vùng chiến khu xưa đều phấn khởi và vô cùng xúc động. Câu chuyện về những chiến sĩ Trung đoàn 6 anh hùng và lòng người dân vùng chiến khu xưa mãi mãi luôn được nhắc đến như một bản anh hùng ca cách mạng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=151841