Những vụ án lớn nào được phá từ khi Thanh Hóa có tân giám đốc Công an?
Chính sách luân chuyển cán bộ trong lực lượng công an đã tạo ra nhiều chuyển biến về an ninh trật tự, chính trị tại nhiều địa phương. Ở Thanh Hóa, chưa đầy hai năm, sau khi Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND (Bộ Công an) được điều động về làm Giám đốc Công an tỉnh này, nhiều chuyên án được triệt phá, có tác động tích cực đến xã hội.
Xóa ổ nhóm “tín dụng đen” lớn nhất nước
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Thường vụ lãnh đạo Bộ Công an về việc bố trí giám đốc công an các tỉnh, thành phố không phải người địa phương, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, được điều động giữ chức vụ giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa. Đến cuối tháng 11/2018, Công an Thanh Hóa phối hợp với Bộ Công an công bố thông tin về phá án thành công vụ “tín dụng đen” có quy mô lớn nhất nước.
Vụ án bắt đầu từ việc một bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa rồi tử vong. Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen và có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rộng, phức tạp, Công an Thanh Hóa đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xác lập chuyên án.
Tập đoàn “tín dụng đen” này mang tên Công ty Nam Long có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Từ ngày 11 đến 18/2/2020, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử Nguyễn Đức Thành (giám đốc điều hành hoạt động “tín dụng đen” của Công ty Nam Long) và các đồng phạm.
Cụ thể, tuyên phạt Nguyễn Đức Thành (SN 1988, trú tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh) 10 năm 6 tháng tù giam về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngoài ra, Nguyễn Đức Thành phải nộp lại tổng số tiền hơn 33,3 tỷ đồng để xung công quỹ Nhà nước; trả lại cho 49 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người vay) tổng số tiền thu lời bất chính là hơn 3,8 tỷ đồng.
Tiếp đó, tháng 2/2019, Công an TP Thanh Hóa tiếp tục triệt xóa một tổ chức “tín dụng đen”, bắt giữ 18 đối tượng liên quan ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tổ chức “tín dụng đen” này lấy tên là Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Tín Nghĩa (Công ty Tín Nghĩa), Hải Phòng, do Nguyễn Giang Huy (SN 1986, ở Lạch Tray, Lê Chân, Hải Phòng) cầm đầu.
Hệ thống của tổ chức “tín dụng đen” này có khoảng 50 chi nhánh trên phạm vi toàn quốc. Công an TP Thanh Hóa đã tiến hành khám xét 8 điểm kinh doanh thuộc Công ty Tín Nghĩa đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận (6 điểm tại Thanh Hóa, 1 điểm tại Nghệ An, 1 điểm tại Hải Phòng), bắt giữ 18 đối tượng, thu giữ 510 bộ hồ sơ tài liệu vay nợ của khách hàng (là người bị hại) cùng nhiều vật chứng khác.
Từ các vụ án lớn về hoạt động “tín dụng đen” được triệt phá, người dân đặt niềm tin vào cơ quan công an. Nhiều nạn nhân của “tín dụng đen” không còn sợ bị trả thù đã cung cấp thông tin, bằng chứng phục vụ công tác điều tra các vụ việc… Ngoài ra, nhiều đối tượng trùm "xã hội đen" như "Tuấn thần đèn", "Đạt ma"... cũng bị bắt.
Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 (tháng 4/2019) về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.
Nhiều cán bộ tham nhũng lĩnh án
Một trong những vụ án được dư luận quan tâm trong năm 2019 tại Thanh Hóa chính là vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ bị bắt.
Ngày16/3/2020, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm vụ đưa và nhận hối lộ với 5 bị cáo là cựu cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và 3 bị cáo là người đứng đầu các doanh nghiệp. Nhóm 5 bị cáo bị truy tố về tội “nhận hối lộ” gồm Lê Mạnh Hà - Trưởng đoàn thanh tra tỉnh, Nguyễn Thị Cúc - Phó trưởng đoàn thanh tra và Nguyễn Hưng, Dương Văn Bằng, Nguyễn Quý Diễn, cùng là thành viên đoàn thanh tra.
Theo cáo trạng, 5 cựu cán bộ thanh tra này đã nhận 594 triệu đồng của các doanh nghiệp để bỏ qua một số vi phạm.
Tiếp đó, ngày 19/3/2020, Công an Thanh Hóa đã bắt quả tang ông Nguyễn Ngọc Đính (SN 1963) là Trưởng phòng Pháp chế Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa có hành vi cưỡng đoạt 100 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Nguyễn Ngọc Đính, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa thu 14 cuốn sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Ngọc Đính trị giá khoảng hơn 4 tỷ đồng, 1 máy tính xách tay và 3 thùng tài liệu có liên quan.
Từ năm 2018 đến 2020, một loạt vụ án về lợi dụng chức vụ, tham nhũng kinh tế ở Thanh Hóa đã được xử lý như: Khởi tố, bắt nhiều cán bộ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa; Khởi tố, bắt lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quan Hóa; khởi tố, bắt Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Trung chia sẻ: "Khi về làm Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, tôi đặt mục tiêu cũng là mong muốn, khát vọng cùng các cá nhân, tập thể đưa Công an Thanh Hóa phát triển vững mạnh hơn, góp phần đảm bảo sự bình yên, phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa. Khó khăn lớn nhất của tôi chính là làm sao để mọi người, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa hiểu được mong muốn ấy, cùng chia sẻ để thực hiện mục tiêu ấy với tôi".
“Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công nhiều chuyên án ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi luôn nghĩ và cũng chia sẻ với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị rằng, phần thưởng cao quý nhất đối với chúng tôi đó chính là sự tin yêu của nhân dân dành cho lực lượng công an”, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung (SN 1968) quê Vĩnh Phúc. Ông từng là Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND (Bộ Công an).
Ngày 21/8/2018, ông được điều động về giữ chức Giám đốc Công an Thanh Hóa.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh hóa khóa 17, ông Trung đã cung cấp thông tin về “tín dụng đen” trên địa bàn được các đơn vị công an tỉnh Thanh Hóa triệt xóa; đồng thời, khẳng định: Nếu xác minh có việc lực lượng công an “bảo kê” hoạt động “tín dụng đen”, sẽ xử lý nghiêm..