Những vụ bác sĩ làm giả kết luận, bệnh án tâm thần gây chấn động dư luận

Với hành vi làm giả bệnh án tâm thần, giúp tội phạm né tránh được sự trừng phạt của pháp luật, nhiều bác sĩ đã bị các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố và xét xử.

Như PLOđã đưa tin, mới đây Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt giữ nhiều bác sĩ, điều dưỡng và nguyên lãnh đạo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa. Theo nguồn tin ban đầu, những người này bị bắt để làm rõ một số vấn đề liên quan đến kết quả giám định, điều trị bệnh nhân.

Việc làm giả kết luận, hồ sơ bệnh án tâm thần cho một người ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ pháp lý, đặc biệt là trách nhiệm hình sự của họ. Việc làm giả này khiến cho một người bình thường trở thành người "điên hợp pháp". Chỉ nói riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, thi hành án thì "người điên hợp pháp" có thể được cơ quan tố tụng căn cứ kết luận giám định tâm thần để áp dụng biện pháp tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án để bắt buộc chữa bệnh, thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.

Thực tế đã có không ít bác sĩ, người làm trong các trung tâm, bệnh viện về tâm thần làm giả hồ sơ bệnh án đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. PLO điểm lại một vài vụ án điển hình gần đây.

Người điều trị tâm thần điều tổ chức bay lắc trong bệnh viện

Ngày 31-8-2022, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương I.

Theo đó, bị cáo chủ mưu Nguyễn Xuân Quý (39 tuổi, ở huyện Thanh Trì) nhận mức án tử hình về ba tội mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

 Các bị cáo trong vụ tổ chức bay lắc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Ảnh: UYÊN TRANG

Các bị cáo trong vụ tổ chức bay lắc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Đỗ Thị Lưu (cựu trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) bị tuyên phạt ba năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Minh Huệ (cựu điều dưỡng viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) và Bùi Thị Hạt (cựu hộ lý Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) cùng bị phạt năm năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nguyễn Anh Vũ (kỹ thuật viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) bị phạt bảy năm tù về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ bảy năm sáu tháng tù đến tù chung thân về các tội liên quan đến ma túy.

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vào thời điểm đó vì người cầm đầu tổ chức sử dụng ma túy lại chính là người đang phải điều trị bệnh tâm thần và nhiều cán bộ, bác sĩ tại bệnh viện cũng tiếp tay cho đường dây ma túy này hoạt động.

Hồ sơ vụ án thể hiện, Nguyễn Xuân Quý là đối tượng đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần khi đang can tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cuối năm 2020, Quý tự cải tạo buồng bệnh thêm một phòng riêng, có hệ thống loa, am ly, đèn nháy phục vụ việc “bay, lắc”, sử dụng ma túy. Bị cáo còn tổ chức hệ thống gồm nhiều đối tượng tham gia mua bán trái phép chất ma túy ngay trong khuôn viên của bệnh viện.

Quý thường xuyên chỉ đạo đàn em đi giao nhận, bán lẻ ma túy. Ổ nhóm ma túy do Quý cầm đầu hoạt động trong suốt thời gian dài. Đến tháng 3-2021, lực lượng cảnh sát ma túy Hà Nội bắt quả tang ba nghi phạm đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Đáng chú ý, Quý còn khai dùng tiền mua chuộc bị cáo Đỗ Thị Lưu (trưởng khoa) bằng cách mỗi tháng nộp từ 6 đến 10 triệu đồng. Theo lời khai của Quý, nếu không nộp tiền hàng tháng, bác sĩ Lưu sẽ nhận xét vào bệnh án là sức khỏe tốt, phải đi trả án; hoặc không được tiếp tục điều trị tại khoa.

Thoát tội nhờ có kết quả bệnh tâm thần

Một vụ việc khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là thuê người tiêm HIV vào con của tình địch xảy ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nội dung vụ án thể hiện, đầu năm 2014 bà Đào Thị Thu Thảo nhận được nhiều tin nhắn nặc danh cho biết bạn trai của bà có quan hệ tình cảm và có con chung với bà NTL ở TP Vũng Tàu. Bà Thảo đã thuê hai người khác truyền HIV cho cháu bé con của tình địch.

Sau nhiều lần lên kế hoạch hãm hại cháu L. nhóm của Thảo cũng đã thực hiện được và đến tháng 4-2016, Thảo và hai đối tượng khác bị công an bắt và khởi tố về tội cố ý lây truyền HIV cho người khác và tội cưỡng đoạt tài sản.

Đáng chú ý, trong vụ án này, bà Thảo được xác định là người chủ mưu, cầm đầu vụ việc nhưng do có kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 (đóng tại Biên Hòa, Đồng Nai) kết luận trước, trong và sau khi gây án bà Thảo bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần nên VKSND tỉnh đã quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Thảo và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX đã nhiều làm làm rõ về hồ sơ bệnh án của Thảo và dẫn chứng nhiều chứng cứ thể hiện Thảo có thể không mắc bệnh tâm thần vì khoảng thời gian đó Thảo tham gia nhiều sự kiện, thuyết trình hội thảo...Đồng thời HĐXX cũng đã triệu tập Thảo đến phiên tòa với tư cách người làm chứng nhưng Thảo đã không có mặt vì đang phải điều trị bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

Quá trình xét xử, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã trả hồ sơ để giám định lại bệnh của bà Thảo nhưng sau đó không được trưng cầu giám định lại nên khi tuyên án HĐXX đã kiến nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM và các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương xem xét lại trường hợp của bà Thảo để tránh bỏ lọt tội phạm.

Đến nay vẫn chưa có thông tin gì liên quan đến việc xử lý bà này ra sao.

Nhiều bác sĩ lãnh án về tội nhận hối lộ

Ngày 8-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt ông Phạm Ngọc Phượng (cựu giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi) bốn năm sáu tháng tù về tội nhận hối lộ.

Theo đó, từ năm 2016-2022, ông Phượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiều lần nhận tiền qua trung gian để làm nhiều bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả, giúp cho các đối tượng đã bị kết án có đủ điều kiện được TAND xét hoãn chấp hành án phạt tù để điều trị bệnh bắt buộc.

Một vụ khác: Năm 2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Thân Thái Phong, cựu phó trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, tám năm tù về tội nhận hối lộ.

Hồ sơ vụ án thể hiện, để tránh trách nhiệm hình sự, Lê Thanh Tùng đã nhờ người làm giúp bệnh án tâm thần giả với giá 85 triệu đồng. Tháng 11-2017 Tùng mang tiền đến Bệnh viện Tâm thần trung ương I và được dẫn đến gặp phó trưởng khoa tâm thần người cao tuổi Thân Thái Phong.

Sau khi thăm khám và ghi nhận lại thông tin để lập hồ sơ bệnh án, Phong đã đưa cho điều dưỡng của khoa viết nội dung bệnh án theo ý mình, viết biên bản hội chẩn là Lê Thanh Tùng bị bệnh "tâm thần phân liệt thể Paranoid (20.0)"

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-vu-bac-si-lam-gia-ket-luan-benh-an-tam-than-gay-chan-dong-du-luan-post795893.html