Những vụ 'bắt cóc' trẻ em kỳ lạ ở Trung Quốc
80.000 trẻ em Trung Quốc đã bị 'bắt cóc' vào năm 2019 bởi chính cha mẹ của mình khi họ đấu tranh giành quyền nuôi con.
Sau một chuyến bay dài từ Canada, Dai Xiao Lei trở về căn hộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc cùng chồng và con trai. Tuy nhiên, mẹ và chị của chồng cô đã chờ đợi bên trong. Họ muốn đưa con trai 16 tháng tuổi của cô đến gia đình họ ở Cao Dương, cách Bắc Kinh vài giờ lái xe.
"Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về điều này và hoàn toàn không có thỏa thuận nào trước đó. Tôi không hề đồng ý việc đó nhưng họ không quan tâm", cô nói.
Trong những tháng tiếp theo, Dai Xiao Lei cho biết chồng cũ đã từ chối yêu cầu cho gặp con trai của cô. Lãnh sứ quán Canada cũng không thể làm gì bởi đây là vấn đề riêng tư của gia đình.
Sau đó, bầu trời như sụp đổ khi cô chứng kiến tòa án trao cho chồng cũ quyền nuôi con. Tòa phán quyết rằng "sự phát triển thể chất và tinh thần" của con trai sẽ được đảm bảo tốt nhất khi ở với người cha.
Kẽ hở luật pháp
Theo các chuyên gia pháp lý, các tòa án Trung Quốc thường cấp quyền nuôi con cho bất kì ai đang giữ đứa trẻ.
Dai Xiao Lei không phải trường hợp hiếm thấy. Theo báo cáo của Zhang Jing, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, ước tính 80.000 trẻ em ở nước này đã bị bắt cóc và giấu đi trong các vụ ly hôn vào năm 2019. Các vụ bắt cóc chủ yếu liên quan đến con trai dưới 6 tuổi.
Con số 80.000 mới chỉ là ước tính dựa trên dữ liệu năm 2019. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn. Nhiều trường hợp có thể không được công khai hoặc giải quyết ngoài tòa án, theo CNN.
Để chấm dứt tình trạng này, tháng 10/2020, một bộ luật mới đã được thông qua. Trong số hàng chục điều mới, một điều luật tuyên bố việc cha mẹ “bắt cóc và che giấu” con cái để giành chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền nuôi con là “bất hợp pháp”.
Bộ luật mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6 và nhận được nhiều ca ngợi. Tuy nhiên, nhiều năm lỏng lẻo trong các quy định về vấn đề này khiến nhiều người nghi ngờ liệu điều luật mới có thay đổi được điều gì hay không.
Mặc dù hoàn cảnh của các vụ bắt cóc khác nhau, kết quả thường giống nhau. Đứa trẻ sẽ bị bắt cóc dưới sự giúp đỡ của người cha hoặc người mẹ. Người còn lại, thường là người mẹ, bị cấm gặp lại con mình. Đôi khi họ còn không biết con mình ở đâu.
Cuộc chiến pháp lý trở nên vô ích trừ khi đứa trẻ bị ngược đãi hoặc gặp nguy hiểm. Quyền thăm con cũng rất khó thực thi và kẻ bắt cóc không chịu hậu quả gì.
Chen Haiyi, trưởng bộ phận vị thành niên và gia đình của Tòa án Nhân dân Trung cấp Quảng Châu, Quảng Đông, cho biết: “Tranh chấp ly hôn tại tòa án 100% liên quan đến quyền nuôi và quyền thăm con. Ít nhất một nửa trong số họ có thể giấu con vì nhiều lý do khác nhau”.
Ở Trung Quốc, quyền nuôi con chung rất hiếm. Theo Jeremy D. Morley, giám đốc một công ty luật gia đình tại New York, suy nghĩ phổ biến là sau khi chia tay gia đình, những đứa trẻ nên sống với cha hoặc mẹ chứ không phải với cả hai.
“Tâm lý độc quyền nuôi con này không phải điều gì đó quá xa lạ. Điều này cũng từng xảy ra ở Hàn Quốc. Điều khó hiểu là câu chuyện ở Trung Quốc kéo dài hơn”, ông Morley nhận xét.
Luật hôn nhân của Trung Quốc quy định rằng sau khi ly hôn, cả cha và mẹ "vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy và giáo dục con cái". Người mất quyền nuôi con vẫn có quyền thăm nom trừ khi điều đó gây hại cho trẻ. Tuy nhiên, không có bất cứ thứ gì đảm bảo điều luật này được thực thi.
Trong luật hôn nhân của Trung Quốc, có một điều khoản khác nói rằng đứa trẻ sẽ ở với cha hoặc mẹ tại nơi cư trú hiện tại nhằm bảo vệ lợi ích và tâm lý. Vì vậy, ngay khi thẩm phán biết rằng đứa trẻ đang ở với người cha, có rất ít cơ hội để người mẹ có thể giành lại quyền nuôi con.
Nếu người mẹ yêu cầu một công ty luật tư vấn về việc giành quyền nuôi con, các luật sư rất có thể khuyên rằng nên bắt cóc đứa trẻ trở lại.
“Nhiều bậc cha mẹ trong hoàn cảnh đó chọn cách không chiến đấu vì họ biết nó vô ích như thế nào. Đó là một lý do khác tại sao số lượng trường hợp thực tế mỗi năm có khả năng cao hơn nhiều so với ước tính của Zhang Jing”, Morley nói.
Động cơ
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Zhang Jing phát hiện rằng trong số các trường hợp liên quan đến bắt cóc trẻ em, khoảng 63% những người bắt cóc là nam giới và gần 70% số trẻ bị bắt cóc là con trai.
Theo các nhà hoạt động, nguyên nhân của điều này bắt nguồn từ tư tưởng truyền thống về thừa kế và huyết thống.
Theo báo cáo của giáo sư Zhang Jing, nhiều gia đình vẫn ưu tiên con trai trong vấn đề thừa kế, đặc biệt là khi các gia đình Trung Quốc ngày càng có điều kiện hơn.
Đồng thời, phụ nữ tại Trung Quốc đang ít sinh con hơn. Năm 2020, số trẻ được khai sinh giảm gần 15% so với năm 2019. Tỷ lệ sinh năm 2020 cũng tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
Chính sách một con của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Chính sách này đã được nới lỏng một phần vào năm 2013 và chính thức kết thúc vào năm 2015, nhưng nhiều gia đình vẫn chỉ có một con. Vì vậy, gánh nặng duy trì dòng họ tiếp tục đặt lên vai của một đứa trẻ.
“Điều này gây ra áp lực rất lớn với các gia đình Trung Quốc”, cô Dai Xiao Lei nói.
Phần lớn các trường hợp bắt cóc được báo cáo xảy ra ở những nơi phát triển kinh tế nhanh chóng, điển hình là Thượng Hải, Bắc Kinh hoặc Quảng Đông.
Ở các khu vực này, các cặp vợ chồng có xu hướng độc lập hơn về tài chính và phụ nữ có thu nhập riêng. Vì vậy, họ có khả năng nộp đơn ly hôn và đấu tranh giành quyền nuôi con.
Báo cáo cũng cho biết một lý do khác khiến hiện tượng này rất phổ biến có thể là vì có rất nhiều lao động di cư trên toàn Trung Quốc. Những người này có thể đưa con trở lại quê nhà.
Cuối cùng, niềm tin văn hóa lâu đời rằng vấn đề gia đình là vấn đề cá nhân, chính quyền sẽ không can thiệp. Điều này là nguyên nhân của việc bảo vệ thủ phạm và bỏ bê nạn nhân trong các vụ án lạm dụng và bạo lực gia đình.
"Nếu hai người lạ đánh nhau, cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng nếu chính người chồng đánh vợ, hình phạt sẽ nhẹ nhàng hoặc thậm chí không có hình phạt", Wang, một người mẹ khác bị bắt cóc con, cho biết.
Luật mới liệu có thay đổi tình hình?
Sau khi mất quyền nuôi con trai, Dai đã đồng sáng lập một tổ chức có tên Purple Ribbon Mother's Love nhằm kết nối và giúp đỡ những người khác trong tình huống tương tự. Cô cũng liên tục vận động hành lang để thay đổi luật pháp và chống lại việc bắt cóc con cái.
Tổ chức đã đưa ra các sáng kiến, kiến nghị và lời khai của nạn nhân đến Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Họ cũng cung cấp hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho hàng trăm người, đa phần là phụ nữ.
Sau những nỗ lực thúc đẩy nhận thức cộng đồng, các vấn đề gia đình và quyền nuôi con cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng. Ngay cả các quan chức chính quyền cũng đã lên tiếng ủng hộ việc thay đổi luật hôn nhân và quyền nuôi con. Năm 2016, Trung Quốc đã ban hành luật toàn quốc đầu tiên cấm bạo lực gia đình.
Dai Xiao Lei thận trọng hy vọng vào luật mới. Cô cho rằng đây chắc chắn là một bước tiến tốt và mọi thứ dần trở nên tốt hơn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, cô cảnh báo rằng: “Luật pháp chỉ hiệu quả khi nó có thể được thực thi”.
Chỉ một tuần nữa là luật gia đình mới của Trung Quốc có hiệu lực. Nhưng đối với những bà mẹ đã mất quyền nuôi con hoặc quyền thăm con, luật mới đến quá muộn.
"Bạn luôn có thể kiếm lại tiền nhưng không bao giờ có thể lấy lại được thời gian", Dai nói. “Thời gian của tôi không phải là vô hạn và thời gian của con tôi cũng vậy”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-vu-bat-coc-tre-em-ky-la-o-trung-quoc-post1218581.html