Hôm 6-7, hãng thông tấn Triều Tiên Uriminzokkiri và báo Korea Times của Hàn Quốc đưa tin, ông Choe In-guk, con trai của cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Choe Tok-sin đã vượt biên sang Triều Tiên. Hôm 7-7, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng xác nhận thông tin này.
Ông Choe In-guk được quan chức Bình Nhưỡng đón tiếp tại sân bay Triều Tiên, ông tươi cười nhận hoa và trả lời trước báo giới rằng bản thân lấy làm tiếc khi không chuyển đến Bình Nhưỡng sống sớm hơn, đồng thời ca ngợi các lãnh đạo Triều Tiên, đặc biệt là chủ tịch Triều Tiên đương nhiệm Kim Jong-un.
“Được sống và đi theo một đất nước mà tôi cảm thấy biết ơn chính là con đường bảo vệ tâm nguyện mà cha mẹ tôi để lại. Dù hơi muộn nhưng vì lẽ đó, tôi quyết định sẽ ở lại Triều Tiên mãi mãi", ông Choe In-guk nói.
Được biết, ông Choe In-guk là con trai của cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Choe Tok-sin và bà Ryu Mi-yong. Cha mẹ ông cũng từng vượt biên sang Triều Tiên thông qua một nước thứ 3. Sau đó, cả hai đã sinh sống ở Triều Tiên cho đến khi qua đời và được chôn cất ở đây.
Năm 1970, ông Choe Tok-sin và vợ di cư sang Mỹ vì có mâu thuẫn với Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Tại đây, ông đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và có bước rẽ ngang sự nghiệp sau đó. Cả hai đã quyết định về Triều Tiên và gắn bó với Bình Nhưỡng.
Đến Triều Tiên, ông Choe Tok-sin và bà Ryu Mi-yong đều trở thành thành viên của giới chính trị nước này. Trong khi ông Choe Tok-sin giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Tổ quốc của Triều Tiên, thì vợ ông - bà Ryu Mi-yong là chủ tịch một đảng nhỏ tại Triều Tiên.
Cuộc đào tẩu của ông Choe In-guk từ Hàn Quốc sang Triều Tiên là một trong những cuộc đào tẩu hiếm có vì thông thường các cuộc vượt biên trái phép đa phần là của người Triều Tiên sang miền Nam.
Một trường hợp khác "đào tẩu" từ Hàn Quốc sang Triều Tiên là bà Pak Jong Suk. Bản thân bà Pak Jong Suk là công dân Triều Tiên đã đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc năm 2006 và sau đó thực hiện cuộc "đào tẩu kép" ngược trở lại quê hương.
Trong cuộc họp báo có cả phóng viên trong nước và ngoài nước ở Cung Văn hóa Nhân dân tại Bình Nhưỡng tháng 6-2012, bà Pak Jong Suk tố các điệp viên Hàn Quốc đã lừa dối bà 6 năm, với lời hứa hẹn sang Hàn Quốc sẽ được đoàn tụ cùng cha nhưng không đúng sự thật.
Bà Pak Jong Suk đã sống ở Hàn Quốc và quay trở lại Triều Tiên vào tháng 5-2012. Người phụ nữ hết lời ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un vì đã không khiển trách và đối xử tốt với bà khi bà quay trở lại. Trường hợp của bà Pak Jong Suk đã khiến Bộ Thống nhất của Hàn Quốc vào cuộc điều tra vụ việc.
Vào thời điểm đó, việc Triều Tiên tổ chức một cuộc họp báo cho cả phóng viên trong và ngoài nước về vấn đề liên quan tới công dân của họ là việc làm hiếm có, đặc biệt là với những người từng bỏ đất nước ra đi.
Telegraph đưa tin ngày 16-9-2013, một người đàn ông Hàn Quốc đã bị lính canh nước này bắn chết ở biên giới với Triều Tiên. Người đàn ông này mang hộ chiếu Hàn Quốc, có tên Nam Yong-Ho, 47 tuổi, bị trục xuất khỏi Nhật Bản vào tháng 6-2013.
Bất chấp cảnh báo từ phía lính canh Hàn Quốc trên biên giới, Nam Yong-Ho cố tình nhảy xuống sông Imjin để bơi sang bên kia biên giới, trước khi bị bắn chết.
Những cuộc đào tẩu từ Hàn Quốc sang Triều Tiên thường ít hơn so với các cuộc vượt biên trái phép từ miền bắc sang miền nam.
Trong những cuộc đào tẩu hiếm có từ Hàn Quốc sang Triều Tiên, có những người là công dân Hàn Quốc tự nguyện sang Bình Nhưỡng để sinh sống, tuy nhiên số khác là công dân Triều Tiên quay trở lại đất nước sau khi cuộc vượt biên trái phép không có kết quả như ý muốn của mình.
Hà Triệu (Tổng hợp)