Những vụ hành quyết tội phạm ma túy gây dậy sóng ở Singapore
Nhiều vụ hành quyết tội phạm ma túy liên tiếp ở Singapore đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các tổ chức quốc tế trước cách tiếp cận không khoan nhượng của nước này.
Singapore đã hành quyết 8 người vì tội buôn bán ma túy kể từ tháng 3, trong đó có 2 người đàn ông bị treo cổ hôm 2/8. Điều này làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền quốc tế trước cách tiếp cận không khoan nhượng đối với tội phạm ma túy ở Singapore, theo Wall Street Journal.
Buôn bán ma túy vượt quá một lượng nhất định sẽ bị kết án tử hình ở Singapore. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các thẩm phán có thể đưa ra án tù chung thân. Giới chức Singapore cho biết những hình phạt nghiêm đã giúp ngăn chặn các tổ chức ma túy lớn hoạt động ở nước này.
Một cuộc tranh luận ở Singapore
Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết việc sử dụng án tử hình để trừng phạt tội phạm ma túy là vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Cơ quan này ủng hộ việc bãi bỏ toàn diện hình phạt tử hình, và kêu gọi các quốc gia chỉ sử dụng hình phạt này đối với các tội nghiêm trọng, liên quan đến việc cố ý giết người.
Họ cũng nhận định tội phạm ma túy vẫn chưa đến ngưỡng của những tội nghiêm trọng nhất này.
Việc chỉ trích chính phủ là rất hiếm ở Singapore. Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền được nhiều người dân tín nhiệm vì đã giữ cho đất nước thịnh vượng và ổn định. Tuy nhiên, số lượng vụ hành quyết xảy ra trong thời gian gần đây đã dẫn đến một cuộc tranh luận trong nước về án tử hình.
Kirsten Han, một nhà báo người Singapore và là nhà hoạt động của Transformative Justice Collective - tổ chức phi lợi nhuận phản đối án tử hình - cho biết: “Thanh niên Singapore có tư tưởng cởi mở hơn đối với việc sử dụng ma túy. Điều đó không gây ra nỗi hoang mang về đạo đức như ở các thế hệ trước”.
“Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều người sẵn sàng chất vấn án tử hình, cũng như việc nó liên quan thế nào với các vấn đề công bằng xã hội khác như bất bình đẳng, chủng tộc và nghèo đói”, Han nói thêm.
Trong số 8 người đàn ông bị hành quyết năm nay, Transformative Justice Collective cho biết ba người mang quốc tịch Malaysia và những người còn lại là người Singapore gốc Mã Lai, một nhóm thiểu số.
Chính phủ Singapore không tiết lộ tên hoặc thông tin chi tiết của hai người đàn ông bị treo cổ hôm 2/8. Lý do họ đưa ra là gia đình của một người đàn ông trong số đó đã yêu cầu đảm bảo quyền riêng tư.
Các nhà hoạt động cho biết thêm rằng ít nhất một tù nhân nữa đã nhận được thông báo hành quyết và sẽ bị treo cổ trong tuần này.
Cách tiếp cận không khoan nhượng
“Buôn bán ma túy gây ra những tác hại rất nghiêm trọng, không chỉ đối với những người lạm dụng nó, mà còn cả gia đình và toàn xã hội”, Bộ Nội vụ Singapore lập luận.
Bộ này cũng đề cập tới các vụ buôn bán ma túy lớn gần đây trong khu vực. Họ cho rằng Singapore, là một trung tâm vận tải, sẽ “ngập trong ma túy” nếu không có cách tiếp cận nghiêm ngặt. Cơ quan ma túy Liên Hợp Quốc cũng cho biết hơn một tỷ viên methamphetamine đã bị thu giữ ở Đông và Đông Nam Á vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ Singapore khẳng định bản án tử hình chỉ được thông qua và thực hiện sau một quy trình pháp lý chặt chẽ.
Một vụ việc gần đây ở Singapore đã gây ra sự phẫn nộ chưa từng có. Vào ngày 27/4, Nagaenthran Dharmalingam bị treo cổ sau khi bị kết án hơn một thập kỷ trước, liên quan đến tội buôn bán ma túy.
Nagaenthran, 34 tuổi vào thời điểm qua đời và là công dân Malaysia, bị kết án năm 2010 vì mang khoảng 44 g heroin vào Singapore. Anh đã kháng cáo nhiều lần với những lý do khác nhau, trong đó có việc chỉ số IQ 69 của bản thân khiến anh có những khiếm khuyết về mặt trí tuệ.
Tuy nhiên, người đàn ông này đã không thể kháng cáo thành công. Tòa án Singapore đã phán quyết rằng anh không bị thiểu năng trí tuệ.
Vụ việc của Nagaenthran đã gây sốc cho nhiều người dân ở Singapore và nước ngoài. Một bản kiến nghị trực tuyến nhằm kêu gọi ân xá cho Nagaenthran đã nhận được hơn 106.000 chữ ký. Các nhà hoạt động địa phương đã vận động được hơn 14.700 USD để hỗ trợ gia đình anh. Chính phủ Malaysia cũng yêu cầu sự khoan hồng cho phạm nhân này.
Những câu hỏi liên quan đến vấn đề về trí tuệ và địa vị xã hội của gia đình anh đã thu hút sự đồng cảm từ mọi người. Nhiều người nhận định rằng luật pháp nghiêm khắc của Singapore có thể khiến các tội phạm lợi dụng những người khiếm khuyết để vận chuyển ma túy.
“Nếu chúng ta hành quyết một ‘con la’ ma túy ngày hôm nay, trùm ma túy chỉ tìm một nạn nhân khác và tiếp tục chuỗi buôn bán ma túy. Vậy điều chúng ta thực sự đạt được là gì”, Dheepthi Krishnan, 20 tuổi, một sinh viên luật ở Singapore, đặt câu hỏi.
“Không ai nói rằng họ nên được thả tự do, nhưng ít nhất, hãy cho họ lựa chọn tù chung thân. Chúng ta là ai mà lấy đi mạng sống của họ?”, sinh viên này nói thêm.