Những vụ ''siêu lừa' quanh chiếc sổ đỏ

ANTĐ Vụ mất trộm gần 500 phôi sổ đỏ tại thị xã Sơn Tây thời gian qua đã làm dấy lên trong dư luận nghi ngại về việc tiếp tục để xảy ra những vụ lừa đảo bằng các sổ đỏ giả. Không những thế thời gian gần đây, còn xuất hiện nhiều vụ án lừa đảo cả bằng sổ đỏ… thật. Tuy đã được cảnh báo, song số lượng các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị đưa vào 'tròng' vẫn không hề giảm. Vậy đâu là lỗ hổng mà những kẻ gian có thể lợi dụng để lừa đảo ?

Điểm mặt những siêu lừa từ sổ đỏ giả

Một trong những “siêu lừa” bằng sổ đỏ giả đã từng được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội làm rõ là Lê Bá Quỳ. Quỳ cùng vợ là Nguyễn Thị Lệ Thủy đã dùng sổ đỏ giả để vay của 6 ngân hàng với tổng số tiền lên tới 70 tỷ đồng. Vụ việc đã diễn ra trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm nghi ngờ 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả và chuyển lên Công an huyện Gia Lâm để điều tra. Quá trình xác minh đã làm rõ Lê Bá Quỳ đã thông đồng với Phùng Văn Thúy (SN 1979 ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm) từng là cán bộ hợp đồng tại Phòng TN&MT huyện Gia Lâm để lấy hơn 30 phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó Quỳ đã đặt làm 21 sổ đỏ có con dấu và chữ ký giả của lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm mang tên Quỳ và vợ Là Nguyễn Thị Lệ Thủy. Trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2010, Quỳ đã dùng sổ đỏ giả này để vay của 6 ngân hàng với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra Quỳ còn dùng 1 sổ đỏ giả và 1 xe ô tô đã thế chấp tại ngân hàng để vay, chiếm đoạt của 1 cá nhân hơn 2 tỷ đồng.

Gây xôn xao dư luận trong thời gian qua là trường hợp của Nguyễn Thị Bằng An (SN 1959, Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Bằng An thừa nhận đã thuê các đối tượng gồm Nguyễn Thanh Thủy, Vũ Đức Quỳnh, Vũ Ngọc Bình, Trần Văn Xương và Trần Đức Phúc làm giả 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với giá từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, sau đó làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất ở Tổ 47, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho nhiều người, chiếm đoạt số tiền 17,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra còn xác định, tại các địa chỉ như tổ 47 phường Dịch Vọng Hậu, tổ 50 phường Dịch Vọng Hậu, tổ 9 phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), thôn Ấp Tre, xã Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), thôn Ninh Nội, xã An Thủy (Lạc Thủy, Hòa Bình), Nguyễn Thị Bằng An đã thuê làm 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, sau đó dùng thế chấp vào nhiều ngân hàng để vay tiền. Đồng thời, với giấy chứng nhận giả có trong tay, Nguyễn Thị Bằng An đã đến 6 Văn phòng Công chứng (trong đó có cả văn phòng công chứng Nhà nước) để làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chiếm đoạt của 8 bị hại với số tiền lên đến hơn 26 tỷ đồng. Vụ việc hiện vẫn đang được Công an Hà Nội mở rộng điều tra. Liên quan đến các đường dây lừa đảo bằng sổ đỏ giả, Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng đội Chống xâm phạm Sở hữu trí tuệ - Phòng Cảnh sát điều tra về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) cho biết, ngoài đường dây của Nguyễn Thị Bằng An, hiện nay đơn vị còn đang thụ lý điều tra 4 vụ việc khác liên quan đến loại tội phạm này.

Chiêu thức làm sổ đỏ giả

Các đối tượng hiện nay có thể làm giả sổ đỏ bằng nhiều cách. Cách đơn giản nhất là làm giả hoàn toàn. Chúng sử dụng máy scan, “quét” lại sổ thật, chỉnh sửa nội dung rồi in màu trên bìa cứng. Tuy nhiên, việc in hai mặt của sổ để trùng khớp nhau rất khó nên bọn chúng thường in từng mặt rồi dán lại, sau đó ép plastic để tránh bị phát hiện. Với những sổ đỏ được làm giả một cách thủ công như vậy, màu sắc, họa tiết hoa văn trên hình nền của giấy chứng nhận và con dấu, chữ ký thường không sắc nét. Ngoài ra những phần in nổi thường không có, mà chỉ có hình ảnh, đế nghiêng không có dấu nối ở bìa mặt trước, đồng thời không có vết hằn ở lực tỳ ấn khi ký như trên giấy chứng nhận thật. Đây là những dấu hiệu có thể nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên đối với những người không có kinh nghiệm thì rất khó phân biệt, nhất là khi không có bản thật để đối chiếu. Một hình thức khác khá phổ biến hiện nay là làm sổ đỏ theo kiểu “giả trong thật”. Đây là hình thức sổ đỏ giả được làm hết sức tinh vi. Các đối tượng thường móc nối với những cán bộ địa chính thái hóa biến chất để mua bản phôi sổ đỏ thật, sau đó từ những phôi sổ đỏ xịn này chúng in nội dung mới lên và làm giả chữ ký, con dấu của những người có chức năng. Với thủ đoạn làm giả “sổ đỏ” kiểu này, các đối tượng chỉ cần ngồi một chỗ nhưng cũng có thể trở hành chủ sở hữu mảnh đất bất cứ nơi nào chúng muốn để nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Không những thế, mới đây xuất hiện không ít đối tượng lừa đảo bằng sổ đỏ… thật. Lợi dụng sự dễ dãi của những cán bộ làm sổ đỏ, thậm chí chấp nhận “bôi trơn” cho những cán bộ làm sổ đỏ, các đối tượng đã báo bị mất sổ đỏ đề nghị được cấp mới và dùng sổ đỏ đó để thực hiện các hành vi lừa đảo. Trường hợp của Nguyễn Bá Toàn (Krong Nô, Đăk Nông) là một ví dụ. Sau khi đã sử dụng thủ đoạn giả vờ mất sổ đỏ và làm đơn xin xác nhận để được cấp lại, toàn đã dùng sổ đỏ được cấp mới này để thế chấp, cầm cố, vay tiền của nhiều người.

Vì sao vẫn còn nhiều “siêu lừa”?

Trả lời câu hỏi tại sao các đối tượng có thể sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo một cách dễ dàng như vậy, một cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội)cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến cho việc lừa đảo bằng sổ đỏ giả gia tăng trong thời gian qua là do tình hình kinh tế khủng hoảng, dẫn tới nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực bất động sản bị tác động xấu. Khi thị trường bất động sản chững lại, các nhà đầu tư trở thành những con nợ nên một số đối tượng đã tiến hành làm sổ đỏ giả để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, theo trung tá Hà Thế Hùng sở dĩ các đối tượng có thể sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo nhiều lần là bởi chúng có thể dễ dàng qua mặt được các công chứng viên. Việc này xuất phát từ một số bất cập trong Luật công chứng. Trong trường hợp phải công chứng các sổ đỏ bị làm giả, mặc dù bản thân công chứng viên khi tiếp nhận các yêu cầu này, nếu thấy nghi ngờ họ được quyền từ chối, song Luật Công chứng lại không có quy định nào buộc họ phải đem giấy tờ đó đi kiểm tra, xác minh hay giám định. Mà thực tế, nếu không qua giám định của cơ quan chức năng, chỉ bằng mắt thường thì rất khó để công chứng viên có thể xác định được Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đó là thật hay giả. Điều này thể hiện một thực trạng hiện nay, các phòng công chứng tư nhân thường đặt nặng vấn đề dịch vụ mà ít chú trọng đến tính pháp lý của giấy tờ được đưa đến công chứng. Ngoài ra, việc công chứng sổ đỏ hiện nay không có quy định vùng, địa bàn nên những người có nhu cầu công chứng sổ đỏ có thể mang giấy tờ đến bất cứ văn phòng nào để xác nhận. Trong khi đó các văn phòng công chứng lại chưa có kết nối với cơ quan quản lý để cập nhật thông tin về sổ đỏ. Đây chính là điểm mà tội phạm dễ lợi dụng để nhằm thực hiện hành vi của mình.

Còn về phía các cá nhân và những doanh nghiêp, tổ chức tín dụng, hầu hết đều do chủ quan hoặc buông lỏng các quy định thẩm tra nên họ đã mắc bẫy sổ đỏ giả của các “siêu lừa”. Điển hình như trong vụ án của “siêu lừa” Lê Bá Quỳ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 5 cán bộ ngân hàng (trong tổng số 6 ngân hàng mà đối tượng này đã lừa đảo) về tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngăn chặn các siêu lừa bằng cách nào?

Theo Luật sư Phạm Trung Hiếu, Công ty Luật hợp danh JDC Việt Nam, để tránh bị lừa trong các giao dịch về bất động sản, người dân cần lưu ý một số vấn đề sau: Bên mua cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của tài sản như: yêu cầu bên chuyển nhượng cung cấp bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp CMND/hộ khẩu của bên chuyển nhượng để có thể trực tiếp xem xét, kiểm tra. Tuyệt đối không tham gia giao dịch khi tài sản chưa có giấy tờ rõ ràng. Mặt khác, bên mua có thể trực tiếp đến cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền như: Văn phòng đăng ký bất động sản, hoặc đến các UBND phường để tìm hiểu tình trạng tài sản, đồng thời có thể xác minh tính xác thực, nguồn gốc của sổ đỏ tại các phòng hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, người mua cần thực hiện ngay việc đăng ký sang tên sở hữu đối với tài sản sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Bởi, nếu các bên chỉ giao kết hợp đồng, không thực hiện công chứng hoặc có công chứng nhưng không thực hiện việc đăng ký tại cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền thì bên bán vẫn có thể sử dụng giấy tờ sở hữu tài sản (lúc đó vẫn ghi tên chủ sở hữu là bên bán) để lừa bán tiếp cho người khác. Chỉ khi bên mua được ghi nhận là chủ sở hữu trên giấy tờ sở hữu của tài sản, thì mới thực sự là chủ sở hữu tài sản và tránh được việc bên bán tiếp tục lừa đảo.

Trao đổi về biện pháp ngăn chặn loại tội phạm sử dụng dụng sổ đỏ giả để lừa đảo, trung tá Hà Thế Hùng cho biết: Qua các vụ án liên quan đến việc làm sổ đỏ giả để lừa đảo đã xảy ra trong thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát điều tra về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) sẽ có những kiến nghị với các cơ quan có chức năng của Hà Nội và các quận huyện về công tác quản lý phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như công tác phối hợp cung cấp, kiểm chứng thông tin với các Văn phòng công chứng trong quá trình thực hiện giao dịch về nhà đất. Đồng thời sẽ kiến nghị Sở Tư pháp Hà Nội về quy trình, địa điểm công chứng Hợp đồng, văn bản liên quan đến bất động sản theo hướng bất động sản của quận huyện nào thì chỉ làm ở địa phương, quận, huyện đó. Còn với các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cũng cần phải nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ lợi ích cho chính mình.

Việt Cường

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/an-ninh-doi-song/nhung-vu-sieu-lua-quanh-chiec-so-do/444609.antd