Những vụ tai nạn thảm khốc trong đua xe thể thao

Đua xe thể thao luôn hấp dẫn người xem bởi những pha so kè ở tốc độ lên đến hơn 300 km/h. Tuy nhiên bộ môn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Jason Dupasquier: Chiều 30/5, làng đua xe thế giới lại mất đi một tay đua MotoGP hệ Moto3. Ngay khi thoát khỏi khúc cua số 9 ở đường đua Mugello (Italy), chiếc xe của Dupasquier bị mất kiểm soát và trượt ngã, ngay lúc này tay đua Ayumu Sasaki chạy sát phía sau đã cán qua người tay đua Dupasquier. Dù được đưa đến bệnh viện ngay lập tức bằng trực thăng, tay đua 19 tuổi này đã không thể qua khỏi do vết thương quá nặng. Ảnh: MotoGP.

Luis Salom: Vào năm 2016, tay đua Moto2, Luis Salom, gặp sự cố trong buổi chạy tập luyện thứ 2 (FP2) trên sân đua Catalunya (Tây Ban Nha). Trong lúc phanh trước khi vào cua thứ 2, chiếc xe của Luis Salom bị trượt bánh trước và lao ra khỏi đường đua. Thay vì trượt đến những tấm đệm đặt ở hàng rào, tay đua 25 tuổi này lại va vào chính chiếc xe của mình. Các bác sĩ cấp cứu cho Salom cho biết tim anh đã ngừng đập khi đội cứu hộ tiếp cận. Ảnh: Speedcafe.

Marco Simoncelli: Khán giả có mặt tại sân đua Sepang (Malaysia) năm 2011 không thể nào quên được vụ tai nạn thảm khốc trong cú va chạm giữa Marco Simoncelli với 2 tay đua Colin Edwards và Valentino Rossi. Tại khúc cua số 11 ở vòng 2, Simoncelli đã cố gắng kiểm soát lại chiếc xe sau tình huống bị trượt bằng cách kéo chiếc xe vào lại đường đua, tuy nhiên hành động này vô tình khiến cho anh bị Edwards và Rossi chạy từ phía sau lên kẹp chặt. Sau vụ tai nạn, Simoncelli nằm bất động trên sân đua với mũ bảo hiểm đã bị văng ra. Anh qua đời ngay sau đó. Ảnh: ABC.

Roland Ratzenberger: Năm 1994 có thể được xem là năm thảm khốc nhất trong lịch sử F1 khi có đến 2 tay đua gặp nạn và qua đời. Ngày 30/4/1994, tay đua Roland Ratzenberger đã đâm thẳng vào tường ở tốc độ khoảng 300 km/h. Cú đâm này khiến Ratzenberger mất ngay tại chỗ. Ảnh: Reddit.

Ayrton Senna: Cũng tại sân đua Imola (Italy), Ayrton Senna là người thứ 2 vĩnh viễn ra đi chỉ sau Roland Ratzenberger một ngày. Sau khi ôm góc cua Tamburello ở vòng đua thứ 7 tại San Marino Grand Prix (Italy) năm 1994, Ayrton Senna đã mất lái ở tốc độ trên 300 km/h và đâm vào bức tường không có lớp bảo vệ. Ngay sau cú đâm, Senna dường như vẫn có thể cử động được nhưng chấn thương quá nặng ở vùng đầu khiến anh không thể qua khỏi. Trước khi qua đời, tay đua người Brazil này từng giành được 3 chức vô địch. Ảnh: GP Today.

Gilles Villeneuve: Trong vòng đua phân hạng diễn ra ở Bỉ vào năm 1982, chiếc xe của Vileeneuve xảy ra va chạm với chiếc xe của Jochen Mass ở tốc độ 225 km/h. Chiếc xe của tay đua sinh năm 1950 này bay trên không trung một đoạn khoảng 100 m trước khi rơi xuống đất. Tay đua người Canada ngay lập tức được đưa đến một bệnh viện địa phương gần đó và qua đời tại đây. Hiện tại, tên của ông được đặt cho một sân đua tại Canada. Ảnh: Toronto Star.

 Ngày nay, những chiếc xe đua ngày càng mạnh hơn, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro khi xảy ra sự cố cũng cao hơn. Ban tổ chức các giải đua luôn tìm cách áp dụng những kỹ thuật mới nhất để tăng khả năng đảm bảo an toàn cho tay đua khi xảy ra tai nạn. Từ mùa giải F1 2018, bộ khung bảo vệ người lái Halo là trang bị bắt buộc, thiết bị này ngay lập tức phát huy tác dụng khi cứu sống tay đua Charles Leclerc ở chặng Belgian Grand Prix. Ảnh: Grand Prix.

Ngày nay, những chiếc xe đua ngày càng mạnh hơn, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro khi xảy ra sự cố cũng cao hơn. Ban tổ chức các giải đua luôn tìm cách áp dụng những kỹ thuật mới nhất để tăng khả năng đảm bảo an toàn cho tay đua khi xảy ra tai nạn. Từ mùa giải F1 2018, bộ khung bảo vệ người lái Halo là trang bị bắt buộc, thiết bị này ngay lập tức phát huy tác dụng khi cứu sống tay đua Charles Leclerc ở chặng Belgian Grand Prix. Ảnh: Grand Prix.

 Còn tại hệ thống giải đua MotoGP, áo giáp trang bị túi khí là trang bị bắt buộc từ năm 2018. Theo quy chuẩn, túi khí của giáp đua phải đảm bảo che chắn và bảo vệ được vai và xương đòn. Các hãng cũng có thể chủ động bổ sung thêm túi khí cho toàn bộ thân trên hoặc toàn bộ lưng. Ảnh: MCN.

Còn tại hệ thống giải đua MotoGP, áo giáp trang bị túi khí là trang bị bắt buộc từ năm 2018. Theo quy chuẩn, túi khí của giáp đua phải đảm bảo che chắn và bảo vệ được vai và xương đòn. Các hãng cũng có thể chủ động bổ sung thêm túi khí cho toàn bộ thân trên hoặc toàn bộ lưng. Ảnh: MCN.

Vĩnh Phúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-vu-tai-nan-tham-khoc-trong-dua-xe-the-thao-post1221516.html