Những vụ tấn công tàu hàng ở Eo biển Hormuz
Eo biển Hormuz án ngữ trên tuyến đường vận chuyển dầu và khí gas quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Nơi đây đã trở thành tâm điểm chú ý, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi Washington tăng cường trừng phạt Tehran và điều động thêm các lực lượng quân sự đến khu vực.
Một chiếc tàu chở dầu bốc khói ngoài vịnh Oman. (Nguồn: Sky News)
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran cách đây 1 năm và Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm đưa xuất khẩu dầu lửa của Iran về 0.
Điều đó khiến Eo biển Hormuz, nơi được coi là cửa ngõ dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, đang ngày càng trở nên nguy hiểm với bất kỳ con tàu nào đi qua đây. Ngày 11/5, nhà chức trách Mỹ khuyến cáo các tàu thương mại, trong đó có tàu chở dầu đi trên các tuyến vận tải biển huyết mạch ở Trung Đông có thể là mục tiêu bị Iran tấn công.
Những dự đoán của Mỹ đã trở thành hiện thực, bởi 6 tàu chở dầu hoạt động tại khu vực này đã bị tấn công và hư hại nặng, xảy ra chỉ cách nhau có một tháng.
Vụ 4 tàu chở dầu ngoài khơi UAE
Vụ tấn công đầu tiên diễn ra vào ngày 12/5, Bộ Ngoại giao của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thông báo có 4 tàu thương mại đã bị tấn công ở vùng biển gần lãnh hải nước này tại Vịnh Oman, phía Đông cảng Fujairah. Thông báo nêu rõ không có thương vong trong các vụ việc này, đồng thời cho biết Bộ Ngoại giao UAE đang phối hợp với các cơ quan trong nước và quốc tế điều tra vụ việc.
Bốn chiếc tàu chở dầu này neo đậu ngoài khơi Fujairah đã bị nổ với nhiều lỗ thủng trên thân tàu. Cảng Fujairah của UAE nằm cách Eo Hormuz khoảng 140 km về phía Nam. Ban đầu, UAE không tiết lộ cụ thể tàu bị tấn công mà chỉ cho biết những tàu này mang nhiều quốc tịch khác nhau và nước này không quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hoặc bên nào về hành động trên.
Sau đó, ngày 13/5, hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) dẫn thông báo của Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih cho biết một trong 2 tàu kể trên đang trên đường vận chuyển dầu thô của Saudi Arabia từ cảng Ras Tanura tới các khách hàng của Công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco tại Mỹ. Vụ tấn công không gây thương vong hay rò rỉ dầu nhưng làm hư hại nghiêm trọng cấu trúc của hai tàu kể trên.
Tiếp theo, ngày 7/6, một cuộc điều tra sơ bộ do UAE dẫn đầu cho thấy, 4 chiếc tàu nói trên đã bị phá hoại bởi mìn limpet (một loại mìn hải quân sử dụng nam châm) được gắn vào phần thân tàu chìm dưới nước. Báo cáo cũng cho biết, các thợ lặn được đào tạo bài bản đã tiếp cận với những chiếc tàu bằng thuyền cao tốc và gắn mìn vào thân tàu ngay sau khi chúng hạ neo tại Fujairah.
Bản thân UAE không tiết lộ rõ thủ phạm của vụ tấn công ngày 12/5 là ai, nhưng xác nhận một “chủ thể nhà nước” là chủ mưu. Mỹ thì trực tiếp lên tiếng đổ tội cho Iran đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các lực lượng ủy nhiệm thực hiện các cuộc tấn công vào hoạt động vận chuyển quốc tế, đường ống dẫn dầu và cơ sở cảng ở các nước láng giềng. Trong khi đó, Tehran lại phủ nhận có liên quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đưa ra lời cảnh báo về "âm mưu của những kẻ xấu" và các thế lực bên ngoài tìm cách phá hoại ổn định và an ninh trong khu vực.
Hai chiếc tàu ở Vịnh Oman
Các nước châu Âu đều lên án các vụ tấn công tàu chở dầu, tuy vậy, các ngoại trưởng châu Âu cho rằng cần nhiều bằng chứng hơn trước khi quy kết Iran là thủ phạm tấn công hai tàu dầu ở vịnh Oman. Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh EU Federica Mogherini nói rằng các bên liên quan cần kiềm chế tối đa và hành xử khôn ngoan. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay chưa thể quy kết bên nào đứng sau vụ tấn công và Đức vẫn đang thu thập thông tin, bằng chứng liên quan, đồng thời nói thêm rằng tình báo Mỹ, Anh cần kiểm chứng thông tin thu thập được với các đồng minh.
Ngày 13/6, hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman đã phát các tín hiệu cấp cứu sau khi bị hư hại do các vụ nổ lớn. Tàu Front Altair, gắn cờ Quần đảo Marshall và thuộc sở hữu của Frontline, một công ty vận tải Na Uy, đang vận chuyển naphtha, một sản phẩm dầu mỏ, từ Abu Dhabi; và tàu Kokuka Courageous, đăng ký tại Panama và được điều hành bởi công ty Kokuka Sangyo của Nhật, đang vận chuyển mặt hàng methanol.
Cả hai đang hướng đến các cảng châu Á. Hình ảnh từ các hãng tin Iran cho thấy một ngọn lửa đang bùng cháy ở phía mạn phải tàu Front Altair. Luồng khói đen đủ dày để có thể nhìn thấy được trong các bức ảnh vệ tinh. Vụ nổ mới nhất gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với cuộc tấn công hồi tháng Năm, buộc thủy thủ đoàn phải sơ tán khỏi cả hai tàu. Toàn bộ 44 thủy thủ trên hai tàu đều được giải cứu.
Sẽ mất nhiều tuần để điều tra những gì đã xảy ra. Các báo cáo cho rằng ngư lôi đã được sử dụng trong các sự cố này. Tuy vậy, thủy thủ đoàn trên Kokuka Courageous nói rằng họ đã nhìn thấy một "vật thể bay" trước vụ nổ thứ hai trên tàu. Những vụ nổ dường như không phải là ngẫu nhiên. Chủ tịch của hãng Kokuka Sangyo cho biết tàu Kokuka Courageous đã bị “tấn công” hai lần trong vòng ba tiếng.
Ông Trump cáo buộc Iran đứng sau hai vụ tấn công tàu chở dầu nói trên. Phía Mỹ còn công bố đoạn băng cho thấy tàu tuần tra của Iran đang gỡ thủy lôi chưa phát nổ từ một trong hai tàu chở dầu. Dựa trên nội dung đoạn băng này, Tổng thống Trump nhận định Iran là "thủ phạm".
Tuy nhiên Tehran đã kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ". Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc Washington tìm cách phá hoại nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại Trung Đông. Đồng thời, Iran ám chỉ chính Mỹ có thể đã tấn công hai tàu dầu để gây áp lực cho Tehran và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Nhiều người cho rằng bằng chứng này của Mỹ đưa ra “có vấn đề” do những hình ảnh trong video nói trên có độ phân giải cực thấp, lại còn là video đen trắng, khá là bất hợp lý khi Mỹ là quốc gia số một về công nghệ. Chưa hết, video cho thấy nhóm người trên xuồng hải quân đang gỡ thủy lôi trong lúc đang bị trực thăng quân đội Mỹ giám sát. Xuồng cũng không treo cờ Iran và những người trên đó không mặc quân phục.
Căng thẳng khó chấm dứt
Trước tình hình trên, Washington vẫn tiếp tục củng cố lực lượng quân sự tại Vùng Vịnh, tăng cường thêm tàu chiến và máy bay đánh bom. Ngày 17/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã phê duyệt kế hoạch triển khai thêm 1.000 quân tới Trung Đông để đối phó với Iran, nói rõ rằng động thái này để phục vụ mục đích phòng thủ trước mối đe dọa từ trên không, mặt đất, mặt biển ở Trung Đông và ứng phó với mối đe dọa tới lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Về phần mình, Iran vẫn bất chấp, không lo ngại trước những lời đe dọa của Mỹ, đồng thời khẳng định mình hoàn toàn có đủ tiềm lực quân sự để công khai phong tỏa toàn bộ khu vực Eo biển Hormuz. Tehran cũng nhiều lần tuyên bố họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ cho tới khi nào các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.
Dù không phải là nguyên nhân gây ra căng thẳng đang ngày một trầm trọng giữa Mỹ và Iran, thế nhưng những sự việc xảy ra tại Eo biển Hormuz như “đổ thêm dầu vào lửa”, và chỉ một bước đi sai lầm của bất kỳ Washington hay Tehran, một cuộc đối đầu quân sự hẳn sẽ nổ ra ngay tại Trung Đông. Cả hai bên đều đã từng lên tiếng, khẳng định rằng họ không muốn chiến tranh xảy ra.
Eo biển Hormuz là con đường biển chiến lược quan trọng và hẹp, nằm kẹp giữa hai quốc gia Vùng Vịnh là Oman và Iran, có vai trò thông Vịnh Ba Tư với Biển Arab để từ đó đi khắp thế giới. Đây là tuyến đường thủy duy nhất để 8 nước trong khu vực Vịnh Ba Tư đi ra các vùng biển quốc tế. Eo Hormuz chỉ dài 39km, làn tàu chạy theo cả hai hướng chỉ rộng có 3km. Mỗi ngày có nhiều tàu chở dầu di chuyển qua làn đường hẹp này.
Khoảng 1/6 lượng dầu sản xuất ra của thế giới đi qua Eo Hormuz, tương đương 17,2 triệu thùng mỗi ngày. Số dầu này bao gồm phần lớn dầu từ OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) trong đó có Saudi Arabia, Iran, UAE, Kuwait. Qatar, nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng LNG lớn nhất thế giới cũng vận chuyển phần lớn LNG qua eo biển này.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-vu-tan-cong-tau-hang-o-eo-bien-hormuz-96212.html