Những vụ trộm sách thư viện đáng lên án trên thế giới
Lấy 7.000 cuốn sách, trộm các tài liệu quý trị giá 8 triệu đô, cắt và lấy cắp các bức tranh trong sách... Đó là những kẻ trộm bất chấp tất cả để trục lợi từ các cuốn sách.
Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ hàng trăm nghìn cuốn sách mà còn là nơi cất giữ nhiều tài liệu quan trọng có giá trị lớn. Với việc tiếp đón hàng trăm lượt đọc sách, mượn sách và tham quan mỗi ngày, các thư viện không tránh khỏi việc mất, hỏng hoặc thất thoát sách.
Tuy nhiên có những vụ trộm sách thư viện với giá trị lớn khiến dư luận dậy sóng và chỉ trích những kẻ trộm hám tiền và vô lương tâm.
Trộm 7.000 cuốn sách của thư viện đem bán online
Khoảng hơn 7.000 cuốn sách bị trộm khỏi ba thư viện của trường đại học tại Anh được xác định là do một người đàn ông đã đánh cắp trong suốt 11 tháng từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018. Darren Barr, 28 tuổi đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ để trộm hàng nghìn cuốn sách có tổng trị giá lên đến 80.000 bảng Anh từ các thư viện của trường Đại học Edinburgh, trường Napier và trường Heriot-Watt.
Sự việc chỉ được phát hiện khi một sinh viên mua trên mạng được một cuốn sách từ chính thư viện của mình. Theo như bảng kê thì thư viện trường Edinburgh có 6 ấn bản của cuốn sách này nhưng không còn cuốn nào được tìm thấy trong thư viện. Khi cô sinh viên mua cuốn sách đó trên trang web Webuybooks, cô nhận ra đây chính là cuốn sách của thư viện trường mình.
Ngay lập tức các trường đại học rà soát lại số sách trong thư viện và phát hiện bị mất cắp hàng nghìn cuốn sách. Phía cảnh sát đã làm việc với trang web Webuybooks để tìm ra thủ phạm và truy tìm tới một tài khoản đã bán hàng trăm cuốn sách tại đây, được đăng ký dưới một cái tên giả là Alexander Van De Kamp mà thực chất đó chính là Darren Barr.
Qua camera an ninh, phía cảnh sát cũng ghi lại được cảnh Barr nhiều lần đến các thư viện với một chiếc balo lớn màu đen. Khi bị bắt vào tháng 9/2018, xe của Barr cũng chất đầy các cuốn sách, và trong tủ gửi đồ cá nhân của Barr cũng chứa đầy sách của các thư viện.
Ước tính, Barr đã kiếm được hơn 30.000 bảng Anh từ việc bán online các cuốn sách trộm được, trong đó trang WeBuyBooks trả 10.612 bảng cho 1.995 cuốn sách. Ziffit trả 18.600 bảng cho 4.488 cuốn và Zapper trả 1.238 bảng cho 253 cuốn.
Darren Barr sau đó bị kết án 25 tháng tù giam vì hành vi phạm tội của mình. Tuy vậy, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các thư viện cần xiết chặt các biện pháp an ninh để giữ gìn và bảo quản các cuốn sách của mình.
Cựu thủ thư đánh cắp tài liệu quý trị giá hơn 8 triệu đô
Trong suốt 25 năm, từ năm 1992 đến 2017, Greg Priore, 63 tuổi, đã đánh cắp 314 tài liệu quý trị giá hơn 8 triệu đô la Mỹ của thư viện Carnegie, nơi ông ta làm việc với tư cách thủ thư quản lý phòng sách quý hiếm.
Theo như điều tra, Priore đã giấu những bức tranh quý bằng cách cuộn bên trong những vật dụng lớn, hoặc đơn giản chỉ đem các cuốn sách ra khỏi thư viện. Sau đó anh ta chuyển các tài liệu này cho nhà buôn sách John Schulman, 56 tuổi, để bán lại cho những khách hàng giàu có và không nghi ngờ gì về nguồn gốc của chúng.
Sự việc mới chỉ được phát hiện vào đầu năm 2020 khi hai kẻ cắp bị bắt quả tang trộm những tài liệu quý khác của thư viện Pennsylvania. Ước tính tổng giá trị của các cuốn sách và tài liệu quý này lên đến 8.066.300 đô, khép Greg Priore và John Schulman tội danh lớn nhất trong lịch sử trộm cắp sách.
Theo như thống kê của nhân viên thư viện, các tài liệu bị mất bao gồm ấn bản đầu tiên tác phẩm Philosophiae Naturalis Principia Mathematica của nhà vật lý, nhà toán học Isaac Newton, một cuốn kinh thánh hơn 400 năm tuổi, các ấn bản tiếng Đức của Maximilian, Prince of Wied’s, Travels in the Interior of North America cùng nhiều bản đồ, sách tranh, sách ảnh, kịch bản có giá trị khác.
Theo quyết định ban đầu, phiên tòa xét xử hai tên trộm này sẽ được diễn ra vào tháng 4 năm nay, nhưng vì tình hình dịch COVID-19 nên vẫn chưa thể tiến hành như kế hoạch.
Kẻ phá hoại hàng trăm nghìn cuốn sách khắp nước Mỹ
Mùa hè năm 1980, một nhà buôn tranh Robert Kindred cùng đồng bọn Richard Green sống tại bang Illinois đã đột nhập vào hàng trăm thư viện khắp nước Mỹ cắt trộm những bức tranh quý từ các cuốn sách và bộ sưu tập của thư viện.
Vào thập niên 70, 80 tại Mỹ, các thư viện ít đầu tư, chú trọng vào việc bảo quản những cuốn sách quý hiếm. Kẻ trộm có thể dễ dàng ngồi ở một góc xa của thư viện và cắt hình minh họa từ những cuốn sách như vậy mà không bị phát hiện.
Là một người buôn tranh lâu năm, hiểu rõ giá trị của các bức tranh cho dù là được cắt rời ra nhưng vẫn có thể bán đấu giá với số tiền tương đối lớn, Kindred cùng Green đã lên kế hoạch đột nhập vào các thư viện thông qua cửa sổ nhà vệ sinh nam ở tầng một.
Kindred sẽ tìm hiểu trước những bức tranh mà anh ta muốn đánh cắp nằm trong cuốn sách nào, cắt chúng ra và buộc lại bằng một sợi dây nylon và thả xuống một cửa sổ tầng dưới cho Green, người đang đợi bên dưới mái nhà thấp của một tòa nhà liền kề.
Rất nhiều tác phẩm quý đã bị phá hủy dưới tay hai tên trộm. Chỉ tiếng riêng cuốn Proceedings of the Zoological Society of London đã bị cắt mất khoảng 1.300 bức tranh. Nhiều tài liệu khác cũng bị mất cắp hoặc cắt trộm như tờ báo Harper’s Weekly hay Illustrated London News lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quý báu.
Sau khi bị bắt, Kindred bị truy tố vì tội trộm cắp ở hạt Champaign và bị kết án quản chế, trong khi các thủ thư đã mất hàng tháng để giúp xác định giá trị của các tài liệu bị đánh cắp. Kindred sau đó bị truy tố thêm tại tòa án liên bang vì tội vận chuyển tài sản bị đánh cắp giữa các tiểu bang và bị kết án năm năm tù.
Luật pháp Mỹ khi này vẫn còn chưa nghiêm túc xem xét đến tội trộm cắp nên Green gần như không bị truy tố ở Illinois, hay thậm chí cả Texas, nơi họ gây thiệt hại nhiều nhất.