Sông Rio Tinto, Andalusia, Tây Ban Nha: Nước ở Rio Tinto có một lượng lớn sản phẩm phụ từ khai thác mỏ kim loại nặng và axit. Từ năm 3000 trước Công Nguyên, khu vực quanh sông đã được khai thác vàng, bạc, đồng và nhiều khoáng sản quý khác. Ảnh: Prefijos-telefonicos.
Kết quả là dòng nước có màu sắc sặc sỡ kéo dài 100 km, đổ ra vịnh Cadiz. Nước sông quá nguy hiểm với con người, nhưng lại là nơi sinh sống của nhiều vi khuẩn có khả năng tồn tại trong môi trường độc hại và không cần ôxy. Ảnh: W-dog.
Hồ Sôi, Dominica: Chỉ là suối nước nóng tự nhiên lớn thứ hai thế giới, nhưng hồ Sôi của Dominica có nhiệt độ cao nhất. Nằm ở thung lũng Desolation, nước hồ Sôi đạt 82-92 độ C. Ảnh: Rumshopryan.
Đó mới chỉ là độ nóng của phần nước ven bờ, chưa ai ra được trung tâm hồ để đo nhiệt độ. Hiện tượng độc đáo này là nhờ các túi núi lửa trong khu vực. Ảnh: Gopixpic.
Blue Lagoon, Derbyshire, Anh: Đây là một mỏ đá cũ đã ngập nước. Khu vực này có màu xanh lạ do các hóa chất độc hại tiết ra từ các tảng đá. Hồ nước có độ pH là 11,3 (độ pH của amoniac là 11,5 và của thuốc tẩy là 12,6). Ảnh: Cbforum.
Ngoài ra, nước còn chứa rác rưởi, phân và xác động vật. Hồ từng được nhuộm đen vài lần để tránh du khách xuống tắm, nhưng sau đó nước vẫn trở lại màu xanh như cũ và không ít người đã liều lĩnh xuống đây bơi. Ảnh: Daily Mail.
Hồ Horseshoe, California, Mỹ: Hồ nước nằm ở hạt Mono này có lượng CO2 và H2S, hỗn hợp cực độc không chỉ làm chết một diện tích cây lớn xung quanh mà còn khiến con người mất mạng. Năm 1998, không khí ở hồ khiến một người leo núi 58 tuổi thiệt mạng, và vào năm 2006, khí gas giết chết 3 nhân viên tuần tra của khu trượt tuyết. Lượng khí độc này tới từ các núi lửa dưới lòng đất nằm rải rác khắp khu vực. Ảnh: Summitpost.
Hồ Mono, California, Mỹ: Đây là một trong những hồ nước cổ xưa và nguy hiểm nhất nước Mỹ. Nước hồ có hàm lượng muối cao gấp 3 lần nước biển và độ pH là 10. Ảnh: Mycoolbackgrounds.
Điều này đem lại cho hồ các cột đá muối ấn tượng, nhưng khá nguy hiểm. Ở đây chỉ có tôm, ruồi và một loại tảo sống được. Độ nguy hiểm của hồ phụ thuộc vào mực nước. Ảnh: Tabletwallpapers.
Hồ Kivu, châu Phi: Nằm giữa Rwanda và Congo, hồ Kivu chứa một lượng khí metan và CO2 lớn phía dưới đấy. Hiện tại lượng khí này chưa gây nguy hiểm, nhưng với nhiều núi lửa trong khu vực, Kivu giống như một quả bom hẹn giờ, đe dọa sinh mạng của hàng triệu người ở khu vực lân cận. Một vụ nổ hay chấn động mạnh có thể khiến các khí này thoát ra ngoài. Ảnh: Technologyreview.
Theo Hoàng Linh/Zing