Những vườn rau xanh nơi đảo xa
Chúng tôi đến đảo Trường Sa vào đúng thời điểm thời tiết trên biển khắc nghiệt, gió từ hướng Bắc thổi mạnh, biển động hơn mọi năm.
Dưới trời nắng chói chang, từng cơn gió lớn mang theo hơi nước mặn đổ vào đảo nhỏ. Trên đảo, những cây dừa, phi lao, bàng vuông… đều bị rám màu vì nắng gió biển. Thế nhưng, những vườn rau nhỏ của cán bộ, chiến sĩ vẫn nổi bật một màu xanh mướt.
Trung tá Nguyễn Thiên Hòa, Phó chỉ huy trưởng phụ trách công tác hậu cần, kỹ thuật của đảo Trường Sa dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vườn rau của các phân đội. Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là các vườn trên đảo chỉ rộng khoảng 90-160m2, được phân chia thành nhiều ô nhỏ vuông vắn, mỗi ô trồng một loại rau như: Cải mỡ, mồng tơi, rau dền, rau muống, rau gia vị… Trên mỗi luống rau hoặc cả vườn rau được thiết kế hệ thống mái che bằng lưới, màng nilon để hạn chế hơi nước biển.
Xung quanh vườn có tường cao khoảng 1,5m để chắn gió, đồng thời được tận dụng làm giàn trồng các loại cây leo như: Mướp hương, mướp đắng, bí xanh... Diện tích vườn tuy nhỏ nhưng khá nhiều loại rau, với các lứa lớp khác nhau. Đồng chí Nguyễn Thiên Hòa cho biết: “Để có vườn rau xanh trên đảo như hiện nay, có sự đóng góp công sức lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự ủng hộ của quân dân cả nước. Trước đây, diện tích vườn rau trên đảo rất hạn chế, đất trồng chủ yếu là đất pha cát, mặn, nên việc trồng rau rất khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức trong và ngoài quân đội ủng hộ đất trồng, cây giống, cùng với sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ nên diện tích vườn rau ngày càng mở rộng, việc trồng rau đỡ vất vả hơn”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong mỗi chuyến tàu cấp hàng cho đảo, đất trồng rau từ đất liền được vận chuyển theo tàu ra đảo. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ tận dụng lá cây, rác thải hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân vi sinh, kết hợp với vôi bột cải tạo đất. Cứ như vậy, qua nhiều năm, đất trồng rau trên đảo ngày càng dày thêm và màu mỡ hơn. Trong điều kiện nước ngọt trên đảo khan hiếm, cán bộ, chiến sĩ phải tận dụng triệt để nước thải trong sinh hoạt, nhà ăn, nhà bếp, giếng khơi, nước mưa… để tưới rau.
Tại khu vực nhà ăn, nhà tắm của bộ đội đều bố trí thùng chứa nước đã qua sử dụng (không nhiễm hóa chất tẩy rửa). Để phòng, chống sâu bệnh cho rau, cán bộ, chiến sĩ trên đảo xử lý kỹ đất bằng vôi bột, sử dụng chế phẩm sinh học, trồng cây sả, hương nhu… để xua đuổi côn trùng có hại. Việc trồng rau trên đảo tuy vất vả nhưng đã trở thành niềm vui sau giờ huấn luyện hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.
Với sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ, đến nay trên đảo Trường Sa có 15 vườn rau phát triển tốt, thu hoạch bình quân hằng năm đạt 80kg/người. Đó là thành quả lao động vất vả của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.