Những vướng mắc trong xây dựng nôn thôn mới

>> Tiến Hưng phấn đấu xây dựng NTM nâng cao
>> Bù Đăng tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới
>> Người cao tuổi Chơn Thành xây dựng nông thôn mới
>> 13.640 lượt cán bộ được tập huấn về xây dựng nông thôn mới
>> Bình Long xây dựng 188km đường nông thôn

BPO - Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở nhiều xã vùng sâu, vùng xã của tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 35/90 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đến cuối năm nay sẽ có thếm 13 xã. Như vậy, đến đầu năm 2020. Toàn tỉnh sẽ có 48/90 xã nông thôn mới. Các xã chưa được công nhận đều đã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh miền núi, dân tộc, biên giới, nên công tác xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc và đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Tiêu chí số 1 - Quy hoạch:

Hiện nay, 100% xã đã ban hành quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quyết định ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt. UBND các xã niêm yết công khai bản vẽ quy hoạch tại trụ sở xã, ấp; đồng thời công bố trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân trong xã biết và thực hiện. 90/90 xã đạt nhóm tiêu chí quy hoạch. Khó khăn, hạn chế là do địa bàn các xã rộng nên việc khảo sát thực địa tốn nhiều thời gian và có độ chính xác không cao dẫn tới việc định hướng phát triển hạ tầng còn nhiều sai lệch, hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần. Công tác triển khai ban đầu còn bỡ ngỡ, Ban Quản lý đề án nông thôn mới các xã chưa chủ động trong công tác đôn đốc, kiểm tra.

Các cơ sở văn hóa đã được nâng cấp đảm bảo cho người dân yên tâm sinh hoạt - Ảnh: C.L

Tiêu chí số 2 - Giao thông:

Đây là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, triển khai làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù bê tông xi măng (BTXM) và với sự tham gia đóng góp của người dân, đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 4.500km; làm được 2.261,244km đường BTXM. Khó khăn, hạn chế do địa bàn rộng, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nên quá trình đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp cần khối lượng kinh phí lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện. Công tác huy động nguồn vốn đối ứng ở nhiều xã để triển khai đường BTXM theo cơ chế đặc thù còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước, chưa nhận thức được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Tiêu chí số 3 - Thủy lợi:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 công trình thủy lợi gồm: 61 hồ chứa vừa và nhỏ, 4 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn. Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới tiêu, phát triển sản xuất cho người dân. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế 14.729m3/ngày/đêm. Đảm bảo cung cấp nước nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Đưa tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,4%. Khó khăn do tình hình thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, khó dự báo; mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra ngày một tăng. Công tác trang bị phương tiện tại chỗ còn hạn chế, nhiều xã chưa được trang bị các phương tiện thiết yếu để cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra như; áo phao, dây dù, nhà bạt ...

Tiêu chí số 4 - Điện:

Hiện nay 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân có sử dụng điện đạt 98,75%. Hệ thống lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng điện năng. Tính đến 30-6-2019 toàn tỉnh có 56/90 xã đạt tiêu chí. Tăng 56 xã so với năm 2011 và tăng 41 xã so với năm 2015. Đang phấn đấu 100% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện theo kế hoạch. Khó khăn là docông trình đầu tư cấp điện cho nhân dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có suất đầu tư cao, không hiệu quả về kinh tế nên công tác huy động vốn của nhân dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tiêu chí số 5 - Trường học:

Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường học các cấp học đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh.Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 34/160 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 21,25%; có 57/165 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiểm tỷ lệ 34,55%; có 24/109 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 22,02%. Đến nay có 37/90 xã đạt chuẩn, tăng 36 xã so với năm 2011 và tăng 34 xã so với năm 2015. Khó khăn là mặt bằng tiêu chí thấp, cần nhiều nguồn lực (ngân sách) mới đạt, một số trường không thể mở rộng diện tích do nằm trong khu dân cư.

Tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa:

Về cơ bản các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đã phát huy công năng, không chỉ là nơi tổ chức hội họp mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng nông thôn. Tính đến 30-6-2019, toàn tỉnh có 57/90 xã đạt tiêu chí, tăng 37 xã so với năm 2015.Khó khăn là nguồn vốn hỗ trợ ít, chậm, khả năng đối ứng của người dân có hạn. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao. Các trang thiết bị trong nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm dần nên không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhà văn hóa. Các cơ sở văn hóa thể thao ngoài công lập chưa nhiều.

Tiêu chí số 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn:

Hiện nay, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn của tỉnh Bình Phước đang được phát triển và dần hoàn thiện với 68 chợ được quy hoạch, đang hoạt động gồm: 4 chợ hạng 1, 9 chợ hạng 2, 45 chợ hạng 3 và 10 chợ hoạt động tạm chưa phân hạng. Các hạ tầng thương mại đang được hình thành và phát triển với 8 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, khoảng 30 nhà phân phối và 6.500 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, tiện lợi. Khó khăn là một số chợ chưa phát huy được công năng sử dụng, nhu cầu mua bán, trao đổi, giao thương hàng hóa thấp. Một số chợ chưa có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống vệ sinh môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy, việc đầu tư theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư rất khó khăn bởi vốn đầu tư lớn.

Tiêu chí số 8 - Thông tin & Truyền thông:

98% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 100% xã có internet đến thôn, ấp, 100% xã có đài truyền thanh, 100% xã có ứng dụng công nghệ thông tin, 100% huyện, thị, thành phố có từ 75% trở lên đạt tiêu chí số 8. Đài truyền thanh xã và hệ thống loa đến các ấp, sóc được bảo dưỡng định kỳ, đáp ứng nhu cầu thông tin, truyền thông. Công tác quản lý điều hành ở cấp xã đều được trang bị phầm mềm quản lý văn bản one Win SYS, Next Office và sử dụng mạng Internet. Khó khănlà trong quy định mới có một số chỉ tiêu buộc phải có, trong khi đó do điều kiện lịch sử hoặc điều kiện nguồn lực nên chưa thể đạt tuyệt đối 100%. Hệ thống đài truyền thanh xã và loa đến các ấp, sóc thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp.

Tiêu chí số 9 - Nhà ở dân cư:

Trong gần 10 năm, toàn tỉnh đã xây dựng và bàn giao 10.350 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, hỗ trợ tiếp theo cho Chương trình 167 với 1.062 căn, sửa chữa và nâng cấp 593 căn nhà tình thương và xây dựng 43 công trình dân sinh. Đồng thời kêu gọi các hộ dân chủ động xây dựng, chỉnh trang nhà cửa và các công trình phụ đảm bảo vệ sinh, gọn gàng sạch sẽ. Nâng tỷ lệ người dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng đạt trên 90%. Khó khăn là do xuất phát điểm với số lượng nhà tạm, dột nát nhiều gây khó khăn cho công tác thực hiện đạt tiêu chí. Đồng thời, do tập quán sinh sống của người dân tộc thiểu số dẫn đến số lượng nhà tạm luôn tăng thêm hàng năm.

Tiêu chí số 10 - Thu nhập:

Trong những năm qua, có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ... được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, các mô hình liên kết sản xuất ngày càng phát triển, nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng, như: mô hình chăn nuôi bò; mô hình trồng cây ăn trái, mô hình trồng rau sạch,... từ đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2018 đạt 57,22 triệu đồng/người/năm tăng 2,1 lần so với năm 2011 và tăng 1,4 lần so với năm 2015. Khó khăn là giá các mặt hàng nông sản thấp, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên gây khó khăn cho công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

Tiêu chí số 11 - Hộ nghèo:

Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 là 6,15% đến nay đã giảm còn 3,55%. Quyết tâm đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ giảm thêm 1000 hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, với 36.371 lượt người được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 94,68%, từ đó giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo bền vững. Tính đến 30-6-2019, có 71/90 xã đạt tiêu chí này. Khó khăn, là chỉ tiêu đánh giá tiêu chí hộ nghèo cao, năm sau lại cao hơn năm trước gây khó khăn không nhỏ trong việc thực hiện đạt tiêu chí. Chỉ tiêu xét hộ nghèo thay đổi nên hộ nghèo phát sinh tăng, gây khó khăn trong công tác giảm nghèo. Vẫn còn tình trạng tái nghèo tiếp diễn.

Tiêu chí số 12 - Lao động có việc làm:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển nhiều cụm, khu công nghiệp giúp giải quyết việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Ở những xã có khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỷ lệ người dân thất nghiệp hầu như không có. Qua công tác giải quyết việc làm hàng năm đã giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn

Tiêu chí số 13 - Tổ chức sản xuất:

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Các mô hình sản xuất theo hướng liên kết như các trang trại chăn nuôi tập trung ký kết đầu ra sản phẩm với các công ty CP, CJ, Deheilf, Việt Phước, Hòa Phước, Choice Gentis... mô hình sản xuất tiêu thụ măng tre có ký kết hợp đồng với cơ sở thu mua của chợ đầu mối, chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm - OCOP bước đầu đã được triển khai, củng cố và hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 112 Hợp tác xã; 1.335 tổ hợp tác, 909 trang trại đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho người dân.Khó khăn,sản xuất nông nghiệp đã hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản, nhưng diện tích tham gia còn ít. Chất lượng hoạt động của các loại hình liên kết hiệu quả chưa cao, chưa có sức lan tỏa, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hợp tác còn tự phát, chưa có định hướng rõ ràng.

Tiêu chí số 14 - Giáo dục - Đào tạo:

100% các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 99,09% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 1; 45,9% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 2; 3,6%xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 3. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. 54,9% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Có 85/90 xã thực hiện đạt tiêu chí này. Khó khăn, nhiều trường có trang thiệt bị chưa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương.

Tiêu chí số 15 - Y tế:

Hệ thống y tế dự phòng các cấp được củng cố và nâng cấp phát triển. Công tác phát triển mạng lưới y tế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được thực hiện theo đúng quy định. Các chương trình mục tiêu y tế được triển khai đây đủ các hoạt động. Số bác sĩ/vạn dân đạt 7,8 bác sĩ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 83%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi tại các xã đều ở mức thấp, đạt so với quy định. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,2%. Khó khăn là chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng cao, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, nhiều người dân vẫn không tin vào chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở.

Tiêu chí số 16 - Văn hóa:

Hiện toàn tỉnh có 209.972/221.203 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 94,92%); 694/866 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa chiếm tỉ lệ (80,13%). Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao được chú trọng, nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư sân bãi và cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao. Tính đến cuối năm 2018 có 1.273/1.289 “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” đạt chuẩn văn hóa chiếm (98,75%). Khó khăntrang thiết bị trong nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm dần nên không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhà văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiêu chí số 17 - Môi trường và An toàn thực phẩm:

Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh có nỗ lực, việc xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường đã được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là mô hình Hợp tác xã thu gom rác. Công tác an toàn thực phẩm đã được tăng cường quản lý, giám sát. Các Đoàn kiểm tra liên ngành đã hoạt động hiệu quả, 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Khó khăn là chưa đẩy mạnh được công tác xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, rác vẫn được vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Tiêu chí số 18 - Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật:

Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; cấp ủy, chính quyền các xã đã tích cực làm tốt công tác tổ chức và xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh. Trong công tác tiếp cận pháp luật, ban quản lý nông thôn mới các xã phối hợp với ban phát triển các ấp lồng ghép các buổi hội nghị ở khu dân cư tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, tuyên truyền về các nội dung Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, thương tích trẻ em,... Khó khăn là ở cấp xã vẫn còn một số cán bộ chưa được đạt chuẩn về bằng cấp chuyên môn ở một số chức danh bầu cử như: Chủ tịch Hội nông dân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh chưa được chuẩn hóa về chuyên môn.

Tiêu chí số 19 - An ninhQuốc phòng:

Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực tác chiến, sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng dân quân tự vệ. Các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp tổ chức tuần tra, truy quét đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và nội địa. Thực hiện tốt công tác đối ngoại với chính quyền và lực lượng vũ trang các huyện giáp ranh Campuchia. Khó khăn là do chỉ tiêu đánh giá cao, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố vì vậy rất nhiều xã đã không giữ vững trong cả giai đoạn vừa qua. Một số xã tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tình hình tranh chấp, khiếu kiện kéo dài chưa thể giải quyết triệt để.

VPĐP

>> Khơi sức trẻ đổi mới nông thôn
>> Hết 2019, toàn tỉnh sẽ 48 xã nông thôn mới
>> Bình Thắng hoàn thành nông thôn mới trước hẹn
>> Tuổi trẻ Đồng Tiến chung tay xây dựng NTM
>> [Video] Ban chỉ đạo đề án 192 của tỉnh kiểm tra tại Đồng Phú

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nhung-vuong-mac-trong-xay-dung-non-thon-moi-345015