Những xét nghiệm giúp phát hiện ung thư gan
Dựa trên chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết, các chỉ số sinh hóa, bác sĩ sẽ xác định bạn có mắc ung thư gan hay không và đưa phương án điều trị phù hợp.
Ung thư gan là bệnh phổ biến tại Việt Nam và có nguy cơ tử vong cao. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư gan giống nhiều bệnh khác có thể phát hiện qua tầm soát và sàng lọc.
Khi tới khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nhân. Những nhóm người bị viêm gan, xơ gan có khả năng mắc ung thư gan cao hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân thường xuyên sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, chế độ ăn nhiều giàu mỡ, bị béo phì…, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sau khi kiểm tra dấu hiệu bên ngoài như da và niêm mạc vàng, vùng bụng có sưng to, chướng, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để kết luận chính xác một người bị ung thư gan. Những bước này nhằm tìm ra các chỉ dấu sinh hóa, miễn dịch (do tế bào ung thư tiết ra), từ đó giúp phát hiện sớm ung thư gan, sàng lọc bệnh nhân trước khi khối u ác tính xuất hiện. Đây là yếu tố then chốt quyết định tới kết quả điều trị, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
Kiểm tra hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh sử dụng tia X, từ trường hoặc sóng âm thanh. Bước kiểm tra hình ảnh cho bệnh nhân đến tầm soát ung thư gan bao gồm: Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang mạch máu, quét xương (nhằm kiểm tra khối u có di căn hay không).
Nhờ chụp CT, X-quang, bác sĩ có thể tìm ra các khu vực, khối u đáng ngờ, tiên lượng ung thư. Hình ảnh này còn giúp kim sinh thiết chọc đúng vị trí nghi ngờ để lấy mẫu.
Ở nhiều bệnh nhân, chụp CT, X-quang vùng gan có thể xác định khối u ác tính đã di căn hay chưa và mức độ đến đâu. Hình ảnh này đồng thời giúp bác sĩ có cơ sở xác định phương pháp điều trị, tiên lượng khả năng tái phát của bệnh nhân.
Sinh thiết
Sau khi đánh giá hình ảnh X-quang, CT hoặc MRI, về cơ bản, bác sĩ đã có kết luận ban đầu bệnh nhân có ung thư hay không. Tuy nhiên, để khẳng định, người bệnh cần làm sinh thiết. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, trong nhiều trường hợp, sinh thiết là cách duy nhất giúp bác sĩ biết chính xác bệnh nhân có ung thư hay không.
Dù vậy, chọc kim vào khối u mà không cắt bỏ hoàn toàn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó khiến tế bào ung thư di căn theo đường đi của kim. Đây là mối lo lớn của bác sĩ nếu chỉ định phẫu thuật hoặc ghép gan cho bệnh nhân. Bởi chỉ cần khối u ác tính di căn, bệnh nhân sẽ không đủ điều kiện cấy ghép.
Đây cũng là lý do vì sao một số chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân được chỉ định cấy ghép cần thực hiện sinh thiết tại cơ sở y tế trực tiếp làm phẫu thuật cho họ sau này.
Sinh thiết nhằm tầm soát ung thư có thể thực hiện bằng nhiều cách như: Sử dụng kim, nội soi, rạch, cắt bỏ khối u và một số mô gan lành tính xung quanh.
Xét nghiệm
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chỉ phát hiện ung thư khi đã xuất hiện các khối u. Sinh thiết là phương pháp tiềm ẩn một số nguy cơ. Do đó, bác sĩ cần đến các xét nghiệm truy tìm dấu chỉ ung thư gan.
Bước này giúp bác sĩ xác định yếu tố gây ung thư gan, xem xét tình trạng hoạt động hiện tại của gan, từ đó quyết định cách điều trị. Xét nghiệm còn giúp đánh giá tình hình sức khỏe của các cơ quan lân cận và tiên lượng nguy cơ tái phát hậu điều trị. Các xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư gan bao gồm:
Xét nghiệm alpha-fetoprotein máu (AFP)
AFP là một loại protein đặc hiệu ở những người mắc bệnh về gan, phụ nữ mang thai và các ung thư (bao gồm gan). Nhóm người này có nồng độ AFP cao hơn bình thường.
Nếu nồng độ AFP rất cao ở người có khối u gan, đây có thể là dấu hiệu cho thấy người đó bị ung thư gan. Tuy nhiên, một số bệnh nhân mắc ung thư gan có nồng độ AFP bình thường trong giai đoạn đầu. Do đó, xét nghiệm AFP máu không chứng minh được hiệu quả khi xác định khối u trong gan có phải tế bào ung thư hay không.
Dù vậy, xét nghiệm AFP máu hữu ích với những người đã được chẩn đoán mắc ung thư gan. Mức AFP giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu mức AFP giảm xuống, nó cho thấy bệnh nhân đang tiếp nhận điều trị tốt. Xét nghiệm AFP máu cũng được sử dụng sau chữa ung thư gan để tìm kiếm các khối u nếu bệnh tái phát.
Các xét nghiệm máu khác
Xét nghiệm viêm gan virus: Phương pháp này kiểm tra bạn có mắc viêm gan B, C hay không.
Xét nghiệm chức năng gan (LFTs): Ung thư gan thường phát triển ở các mô đã bị tổn thương do viêm, xơ gan. Do đó, xét nghiệm chức năng gan giúp bác sĩ xác định tình hình hiện tại của cơ quan này trước khi điều trị. Nếu gan không bị ảnh hưởng bởi ung thư, bệnh nhân có thể không cần phẫu thuật vì phương pháp này sẽ cắt bỏ phần lớn lá gan.
Nếu mất gần hết các chức năng gan, bác sĩ sẽ không thể sử dụng phương pháp hóa trị trong trường hợp này.
Xét nghiệm đông máu: Gan cũng tạo ra các protein giúp đông máu. Gan bị tổn thương sẽ không tạo đủ các yếu tố tham gia quá trình trên và tăng nguy cơ chảy máu.
Kiểm tra chức năng thận: Các xét nghiệm về nồng độ nitơ urê trong máu (BUN) và creatinine thường được thực hiện để đánh giá thận của bạn đang hoạt động như thế nào.
Công thức máu toàn bộ (CBC): Xét nghiệm này đo mức độ tế bào hồng cầu (mang oxy đi khắp cơ thể), bạch cầu (chống nhiễm trùng) và tiểu cầu (giúp đông máu). Nó cho biết tủy xương (nơi tạo ra các tế bào máu mới) đang hoạt động ra sao.
Xét nghiệm hóa học máu và các xét nghiệm khác: Xét nghiệm hóa học máu giúp kiểm tra nồng độ của một số chất trong máu. Đây là những chất có thể bị ảnh hưởng bởi ung thư gan như: nồng độ canxi, đường huyết, cholesterol…
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-xet-nghiem-giup-phat-hien-ung-thu-gan-post1130816.html