Những xu hướng mới

Thay vì mua đồ ăn sáng đựng trong túi nilon, chị Nguyễn Thị Minh, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Lảm Lượng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã mang cặp lồng đi để đựng. Chị còn chủ động lấy lá chuối rửa sạch mang đi để gói thịt, cá rồi đựng vào làn nhựa khi đi chợ… Gần 3 tháng nay, nhờ sửa đổi thói quen cũ, chị đã bớt mang rác về nhà... Không chỉ có chị Minh, cán bộ, hội viên phụ nữ, nhân dân xã Tứ Quận đã từng bước nâng cao nhận thức, hành vi trong phòng, chống rác thải nhựa nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của Hội LHPN xã.

Không mang rác về nhà

“Thời buổi này, đi chợ chỉ cần đi tay không, ra chợ được phục vụ không thiếu thứ gì, thức ăn sống, chín đựng đẹp đẽ trong túi nilon hay hộp nhựa, cốc nhựa kèm theo thìa nhựa, đũa nhựa… Cứ nghĩ đó là văn minh, hiện đại nhưng lại đang phá hủy môi trường bởi rác thải nhựa cần đến cả trăm năm để phân hủy; nếu đốt cháy, nó sản sinh ra khí độc như thuốc diệt cỏ… Chị em phụ nữ chúng ta là những người nội tướng trong gia đình, nên thay đổi thói quen đi chợ, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng rác thải nhựa chính là không mang rác về nhà, hãy bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình”. Đây là nội dung mà các cấp Hội Phụ nữ của xã Tứ Quận thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên trong phòng, chống rác thải nhựa trong thời gian qua.

“Làm sao để thay đổi thói quen cố hữu của đa phần chị em phụ nữ đi chợ?”. Câu lạc bộ “Phòng, chống rác thải nhựa” thôn Lảm Lượng đã ra đời vào giữa tháng 8-2020, làm điểm mô hình Câu lạc bộ “Phòng, chống rác thải nhựa” của xã từ sự trăn trở của người cán bộ Hội tâm huyết chị Vũ Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN xã. Chị Toan bày tỏ, sau gần 1 tháng, Hội LHPN xã phối hợp, chỉ đạo vận động tuyên truyền, CLB ra mắt với 45 thành viên. Nay, thành viên CLB là 84 hội viên, đạt 100% tổng số hội viên chi hội tham gia. 100% thành viên cam kết không sử dụng túi nilon, các sản phẩm làm từ đồ nhựa, hộp sử dụng một lần khi đi chợ; đi chợ mang theo giỏ tre hoặc làn nhựa, không xả rác thải bừa bãi, thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, giảm dần sử dụng các vật dụng bằng nhựa trong sinh hoạt, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Sản phẩm mây tre đan thân thiện với môi trường đang được chị em ngày càng ưa chuộng.
Ảnh: Thu Hương

Còn nhớ, ngay sau khi ra mắt CLB, chị em phụ nữ thôn Lảm Lượng đã mang làn nhựa, giỏ tre ra chợ Tứ Quận để trải nghiệm mua hàng không dùng túi nilon. Lá chuối dùng để gói đậu, thịt, cá, hay dùng lạt để treo thịt lợn, xỏ qua mang cá… Tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội Facebook, các hoạt động trải nghiệm đã được CLB phát trực tiếp, quay video thu hút hàng nghìn lượt người xem và chia sẻ.

Thay đổi từ nhận thức đến ý thức, hành vi là việc làm không dễ dàng nhưng không phải là không làm được. Hội LHPN xã đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ hội, hội viên nòng cốt, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa đối với hội viên phụ nữ thường xuyên, liên tục thông qua hoạt động của chi hội, các buổi họp thôn. Hiện nay, Hội LHPN xã chỉ đạo thành lập 6 CLB “Phòng, chống rác thải nhựa”, nâng tổng số lên 7 CLB với 500 hội viên. Như vậy đã có 500 gia đình hội viên phụ nữ được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hằng ngày trong phòng, chống rác thải nhựa.

Bao năm làm nghề kinh doanh thịt lợn, ông Hoàng Quang Tường, Trưởng thôn Lảm Lượng vô cùng ngạc nhiên trước tình trạng sử dụng túi nilon giảm hẳn. Mới cách đây 3 tháng trở về trước, ông phải sử dụng khoảng 4 kg túi nilon đựng thịt cho khách mỗi tháng, nay chỉ khoảng 1 kg. Nhiều chị em phụ nữ còn chủ động mang lá chuối từ nhà đi để gói thịt, hoặc mang 1 túi vải, 1 túi nilon đựng đồ rồi tái sử dụng nhiều lần. “Quá trình bán hàng, tôi cũng tuyên truyền, vận động khách hàng hạn chế sử dụng túi nilon. Cũng như nhiều tiểu thương tại chợ Tứ Quận, tôi cũng chuẩn bị lá chuối để gói thịt cho khách” - ông Tường cho biết.

Dân vận khéo ắt thành công

Không chỉ có hội viên phụ nữ mà nhiều người dân của xã Tứ Quận không nghĩ rằng hoạt động phòng, chống rác thải nhựa của Hội LHPN xã lại có sức lan tỏa nhanh như vậy. Nhất là trong gia đình, đấng mày râu ủng hộ việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa thông qua việc làm cụ thể của người vợ, người mẹ khi đi chợ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tứ Quận Vũ Thị Toan phấn khởi, hoạt động phòng, chống rác thải nhựa được tổ chức Hội coi là mô hình “Dân vận khéo” và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN xã với các chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quá trình vận động, tuyên truyền. Đối với nội dung này, để dân vận thành công, không gì hiệu quả hơn là tổ chức hoạt động hướng về cơ sở, cụ thể, thiết thực để người dân, hội viên được tận mắt thấy, tai nghe, được tham gia. Điều đặc biệt, trong hoạt động phòng, chống rác thải nhựa, Hội LHPN xã luôn xây dựng chương trình có trẻ em, học sinh cùng tham gia. Các em là thế hệ tương lai nhưng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì rác thải nhựa. Sự tham gia của các em không chỉ tạo thêm không khí sôi nổi, hào hứng cho các chương trình mà còn góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục cho trẻ bảo vệ môi trường thông qua phòng, chống rác thải nhựa.

Tại chương trình ra mắt 7 CLB “Phòng, chống rác thải nhựa”, thanh thiếu nhi được tham gia với màn trình diễn trang phục từ rác thải nhựa do chính tay các mẹ thực hiện. Trong tháng 9 vừa qua, Hội LHPN xã đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ 10 triệu đồng, phối hợp với trường Tiểu học Tứ Quận tổ chức “Đổi rác thải nhựa lấy cặp sách”, thu hút đông đảo các bậc phụ huynh và học sinh tham gia. Nhiều học sinh đem rác thải đến đổi cặp nhưng không được, ra về trong tiếc nuối vì số lượng còn hạn chế.

Vừa qua, tại Hội thi “Phụ nữ Yên Sơn chung tay phòng, chống rác thải nhựa”, Hội LHPN xã Tứ Quận đã giành giải Nhất. Ban Giám khảo tâm đắc với các phần thi bởi những nội dung tại hội thi chính là những hoạt động thực chất mà tổ chức Hội đã và đang triển khai thực hiện. Đồng chí Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết, Hội LHPN xã tiên phong trong công tác phòng, chống rác thải nhựa, tạo sức lan tỏa rộng lớn trên địa bàn xã, thực hiện hiệu quả tiêu chí số 17 về môi trường, góp phần đưa địa phương về đích nông thôn mới trong năm 2020.

Minh Huệ

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nhung-xu-huong-moi-139059.html