Những xúc tác giúp VN-Index thoát khỏi trạng thái tích lũy và đi lên

Sau chuỗi tăng mạnh, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1.300 điểm trước khi đi lên từ những xúc tác tích cực. Đặc biệt, KRX là một bước tiến quan trọng của thị trường và nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ được hưởng lợi.

VN-Index kéo dài chuỗi tăng lên tuần thứ 5, thanh khoản cải thiện mạnh

Tuần qua, VN-Index duy trì đà tăng tuần thứ 5 liên tiếp, với thanh khoản cải thiện đáng kể, đạt trung bình 16.300 tỷ đồng/ngày, tăng 21% so với mức trung bình 5 tuần trước (13.400 tỷ đồng).

Dù khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng, nhưng áp lực đã giảm đáng kể so với tuần trước, với một phiên mua ròng giữa tuần. Thị trường đối diện áp lực chốt lời khi VN-Index tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, nhưng lực cầu từ khối tự doanh vẫn duy trì. Đáng chú ý, dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, với các ngành dẫn dắt gồm bảo hiểm, hóa chất, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu.

Trong tuần, chúng tôi làm việc với một số nhà đầu tư từ Singapore và Thái Lan. Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm, đặc biệt trước rủi ro chính sách thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, một điểm sáng là các nhà đầu tư Thái Lan đang trở nên lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam dưới sự dẫn dắt của chính phủ mới.

Các biện pháp kích thích kinh tế được kỳ vọng sẽ dần phát huy hiệu quả, trong khi mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay củng cố kỳ vọng về sự bùng nổ của đầu tư công. Việc các nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh mẽ năm 2024 được kỳ vọng sẽ dịu bớt trong năm nay, mặc dù vẫn còn dư địa bán thêm nhưng dòng vốn rút sẽ yếu hơn.

Quay lại với yếu tố cơ bản, theo hình minh họa, năm nay, chính phủ đã tăng chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công lên rất cao, khoảng 875 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2024 chỉ tiêu chỉ rơi vào khoảng 677 nghìn tỷ đồng. Với việc nợ công vẫn còn thấp so với trần nợ công quy định, cùng với các luật quan trọng như Luật Đầu tư công và Luật PPP đã được thông qua để tháo gỡ rào cản pháp lý cho giải ngân vốn đầu tư công, chúng tôi kỳ vọng mục tiêu này sẽ hoàn thành và 2025 sẽ là một năm có đầy dấu ấn trong mảng này. Với cam kết đẩy mạnh giải ngân, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong năm nay.

KRX – bước tiến quan trọng cho thị trường chứng khoán

Thị trường cũng đang theo dõi sát tiến trình triển khai hệ thống giao dịch mới (KRX). Dù từng gặp trì hoãn do tính chất phức tạp của việc triển khai một hệ thống giao dịch hoàn toàn mới, nhưng hiện nay, chính phủ đẩy nhanh các dự án cải cách, bao gồm nâng cấp thị trường tài chính, đang tạo kỳ vọng rất tích cực trong thời gian gần đây. Kết quả tích cực từ KRX có thể là chất xúc tác quan trọng, giúp thị trường chuyển từ giai đoạn tích lũy sang trạng thái vận động mạnh mẽ hơn.

Thêm vào đó, FTSE đang đánh giá khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong năm nay, với thông báo dự kiến vào tháng 3 hoặc tháng 9/2025. Hiện Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí nâng hạng, trong khi Thông tư 68/2024/TT-BTC, được thông qua vào đầu tháng 11/2024, đã bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền tại thời điểm đặt lệnh. Quy định này là bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng hai điều kiện còn lại của FTSE, góp phần tháo gỡ nút thắt và tiến gần hơn đến việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.

Trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ được hưởng lợi đáng kể, với mức định giá P/B trung bình của các công ty hàng đầu vẫn ở mức hấp dẫn (2-2.5x). Khi thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy các mã chứng khoán có cơ bản tốt hay mạo hiểm hơn, tìm kiếm những mã có mức chiết khấu tốt so với trung bình thị trường.

Triển vọng ngắn hạn: Tích lũy trong vùng 1.300 điểm trước khi đi lên từ những xúc tác tích cực

Sau chuỗi tăng mạnh, chúng tôi cho rằng, nếu không có biến động vĩ mô quốc tế quá lớn, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy hoặc điều chỉnh kỹ thuật nhẹ trong vùng 1.200 -1.300 điểm trong ngắn hạn.

Khi các tín hiệu vĩ mô tích cực trong nước dần rõ nét như đã đề cập, cùng với rủi ro bên ngoài hạ nhiệt, tâm lý nhà đầu tư sẽ được củng cố, tạo tiền đề cho một nhịp tăng mới với sự lan tỏa rộng hơn.

Một số ngành nghề và yếu tố khác đáng chú ý trong tuần qua:

Lĩnh vực khu công nghiệp tăng trưởng nhờ kỳ vọng FDI

Ngành bất động sản khu công nghiệp đang ghi nhận động lực tích cực, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về làn sóng FDI mạnh mẽ vào năm 2025, khi xu hướng "Trung Quốc +1" có dấu hiệu trở lại dưới chính quyền Trump. Theo Đất Xanh Services – FERI, nguồn cung khu công nghiệp dự kiến tăng thêm 2–5% trong năm 2025, nhờ sự ra mắt của các dự án quan trọng như Tràng Duệ (687 ha, Hải Phòng) và Lộc Giang (466 ha, Long An).

Nhu cầu tiếp tục ở mức cao, được hỗ trợ bởi làn sóng FDI khi các tập đoàn quốc tế dịch chuyển chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại toàn cầu. CBRE nhấn mạnh, miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới, thu hút các ông lớn như Luxshare ICT và Foxconn. Xu hướng này cũng mang lại lợi ích cho các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, tận dụng lực lượng lao động dồi dào và mức giá thuê đất cạnh tranh (60–90 USD/m² cho kỳ hạn còn lại).

Trong ba năm tới, giá thuê đất khu công nghiệp dự kiến tăng 4–8%/năm tại miền Bắc và 3–7%/năm tại miền Nam. Phát triển tập trung vào các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc (miền Bắc), Bình Dương, Đồng Nai, Long An (miền Nam), trong khi các thị trường mới nổi như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam được kỳ vọng thu hút dòng vốn FDI mới, thúc đẩy sự mở rộng của ngành.

Với những yếu tố thuận lợi trên, chúng tôi kỳ vọng bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục là ngành hưởng lợi chính từ nay đến nửa cuối năm 2025 và các năm tiếp theo.

Lĩnh vực tiện ích tăng trưởng nhờ điều chỉnh quy hoạch điện 8

Ngành điện lực ghi nhận hiệu suất tích cực nhờ những điều chỉnh sắp tới trong Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 (PDP8) của Việt Nam. Chuyên gia ngành Tiện ích của chúng tôi, Nguyễn Hoàng Nam, nhấn mạnh các điều chỉnh quan trọng trong PDP8 sửa đổi, đặc biệt liên quan đến năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện tích năng và hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS).

Cụ thể, tổng công suất lắp đặt được nâng lên 193,5GW, tăng 24% so với mục tiêu 2030 trước đó (155,6GW); Năng lượng mặt trời quy mô lớn mở rộng đáng kể lên 28,4 GW từ 8,7 GW; Điện gió gần bờ tăng lên 27,7 GW từ 21,8 GW, trong khi điện gió ngoài khơi bị loại bỏ (0 GW so với 6,0 GW trước đây); Công suất thủy điện tích năng và BESS tăng mạnh lên 13,9 GW từ 2,7 GW, mở ra cơ hội phát triển đồng thời cho các dự án điện mặt trời hiện có.

Những điều chỉnh này không chỉ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của ngành tiện ích mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của hệ thống điện Việt Nam. Ông Nam nhận định, các điều chỉnh này sẽ là cú hích đã chờ đợi lâu cho ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam, vốn đã đối mặt với nhiều năm trì hoãn.

DXY suy yếu trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ kém tích cực

Chỉ số DXY tiếp tục xu hướng giảm khi nền kinh tế Mỹ đối diện với nhiều thách thức. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gần đây tăng lên 219.000 đơn, vượt mức dự báo 215.000 đơn, trong khi lạm phát tháng 1 đạt 3% y/y, cao hơn kỳ vọng 2,9%. Lĩnh vực nhà ở cũng cho thấy dấu hiệu suy yếu với sự sụt giảm trong hoạt động xây dựng nhà ở cho hộ gia đình.

Chỉ số DXY đang có xu hướng giảm

Chỉ số DXY đang có xu hướng giảm

Biên bản cuộc họp FOMC ngày 28-29/1, công bố hôm thứ Tư, cho thấy Fed chưa vội cắt giảm lãi suất do lạm phát vẫn dai dẳng và triển vọng kinh tế còn nhiều bất định. Các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi tác động từ kế hoạch kinh tế của Trump, với khả năng giữ lãi suất ở mức cao ít nhất đến hết tháng 6/2025.

Tâm lý nhà đầu tư châu Á cải thiện, dòng vốn nước ngoài quay lại

Theo khảo sát mới nhất của Bank of America, tâm lý lạc quan đang gia tăng trong giới quản lý quỹ tại châu Á, với sự cải thiện niềm tin vào Trung Quốc và dòng vốn tiếp tục chảy mạnh vào Nhật Bản. Cụ thể, 84% số người tham gia dự báo cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ tăng trưởng trong năm tới, trong đó tỷ lệ phân bổ vào cổ phiếu Trung Quốc đạt mức cao nhất hai năm.

Một phần ba số nhà quản lý quỹ có kế hoạch gia tăng tỷ trọng đầu tư vào Trung Quốc, kỳ vọng vào các chính sách nới lỏng. Nhật Bản vẫn là thị trường được ưa chuộng nhất, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), trong khi sự quan tâm đối với cổ phiếu Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Các ngành công nghệ và viễn thông thu hút dòng tiền, trong khi bất động sản và nguyên vật liệu có xu hướng chững lại. Những chủ đề đầu tư nổi bật bao gồm AI và bán dẫn tại Trung Quốc, cùng với cơ sở hạ tầng và tiêu dùng tại Ấn Độ.

Theo dữ liệu Bloomberg, tính đến ngày 20/2/2025, dòng vốn nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại châu Á, đặc biệt tại Ấn Độ, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc). Giới phân tích cho rằng, những rủi ro tại Mỹ liên quan đến thuế quan, lãi suất, công nghệ và biến số chính sách từ Trump đang thúc đẩy nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền sang các thị trường khác, nơi có triển vọng tăng trưởng ổn định hơn.

Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường, HSC

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhung-xuc-tac-giup-vn-index-thoat-khoi-trang-thai-tich-luy-va-di-len-post364067.html