Những xung đột khiến giá dầu leo thang
Dù tăng hay giảm giá, mỗi cuộc khủng hoảng giá dầu trong 50 năm qua đều gắn liền với xung đột chính trị và suy thoái kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới kinh tế toàn cầu.
Giá dầu nhảy múa
Từ năm 1861 đến trước thập niên 1970, giá dầu khá ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ Mỹ. Nhưng khi sản lượng ở nước này suy giảm, các quốc gia Trung Đông bắt đầu chiếm ưu thế, vươn lên nắm khoảng 80% nguồn cung dầu toàn cầu. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên bắt đầu vào tháng 10-1973, khi những thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tuyên bố cấm vận dầu mỏ nhằm vào những nước được cho là ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur. Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc lệnh cấm vận vào tháng 3-1974, giá dầu tăng từ 3 USD/thùng lên gần 12 USD/thùng trên toàn cầu. Đây được xem là cơn khủng hoảng đáng nhớ nhất trong thời kỳ những năm 1970.
Cuộc khủng hoảng lần thứ 2 bắt đầu vào năm 1979, với nguyên nhân là sự sụt giảm sản lượng dầu sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran. Vào đầu năm 1978, Iran xuất khẩu 5,4 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 17% tổng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nhưng khi cách mạng Iran lật đổ chính quyền quân chủ của Shah, ngành công nghiệp vàng đen đã giảm mạnh. Chỉ trong vòng 12 tháng, mỗi thùng dầu nhảy vọt từ 15,85 USD lên 39,5 USD. Đây chính là tiền đề cho cuộc khủng hoảng kéo dài 30 tháng tại Mỹ. Giá năng lượng tăng kéo theo lạm phát gia tăng, đạt đỉnh 13,5% trong năm 1980, buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ. Không chỉ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng một cách đáng lo ngại, từ mức 5,6% của tháng 5-1979 lên 7,5% một năm sau đó. Dù kinh tế bắt đầu hồi phục trong năm 1981, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao 7,5% và đạt kỷ lục 10,8% vào 1982. Hậu quả của suy thoái tồi tệ đến nỗi các ngành công nghiệp xe hơi, nhà đất, sản xuất thép đều liên tục sụt giảm trong 10 năm sau, cho tới khi cuộc khủng hoảng giá dầu kết thúc.
Cú sốc giá dầu năm 1990 xảy ra sau cuộc tấn công Kuwait của Iraq vào tháng 8-1990. Chỉ kéo dài 9 tháng, đợt tăng giá này ít nghiêm trọng hơn và có thời gian ngắn hơn so với các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đó vào năm 1973 và 1979. Tuy nhiên, đợt tăng đột biến này vẫn góp phần vào cuộc suy thoái đầu những năm 1990. Trước cuộc chiến, Iraq và Kuwait đã sản xuất tổng cộng 4,3 triệu thùng dầu/ngày. Nguy cơ mất nguồn cung này, cùng với mối đe dọa đối với sản lượng dầu của Saudi Arabia, dẫn đến cơn sốt giá dầu. Ngoài ra, Liên hiệp quốc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu dầu toàn phần đối với Iraq và Kuwait. Lệnh cấm vận này đã lấy đi của thị trường dầu mỏ thế giới gần 5 triệu thùng/ngày, khiến giá tăng cao. Mỗi thùng dầu đắt gấp đôi chỉ trong vòng 2 tháng, từ 17 USD lên 36 USD/thùng. Sau đó, giá tăng lên mức 46 USD/thùng vào giữa tháng 10. Khi lực lượng liên quân 30 nước do Mỹ dẫn đầu đưa quân vào Kuwait, tình trạng thiếu nguồn cung mới chấm dứt và giá bắt đầu hạ. Khủng hoảng này phần nào là nguyên nhân dẫn tới cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, với sự sụp đổ của thị trường tín dụng. Một loạt cường quốc chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp như Canada, Australia, Nhật, Anh cũng bị cuốn vào vòng xoáy suy thoái…
Cơn sốt dầu một lần nữa tái phát ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 24-2-2022. Đến ngày 28-2, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 97,62 USD/thùng, tăng 6,03 USD, tương đương 6,58%; giá dầu Brent được giao dịch ở mức 104,05 USD/thùng, tăng 6,12 USD, tương đương 6,25%. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu trong thời gian tới có thể tăng mạnh hơn do gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tác động nhiều mặt
Nhiều người hy vọng những nỗ lực ngoại giao nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tạo cú hích cho nguồn cung nếu diễn biến tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia Carlos Casanova của Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ) nhận định: “Trong trường hợp những diễn biến liên quan đến nguồn cung từ Mỹ hoặc các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna không diễn ra như kỳ vọng, giá dầu có thể chạm mốc 150-170 USD/thùng”. Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley của Công ty Oanda (Mỹ) chia sẻ trên đài Al Jazeera rằng giá dầu sẽ tăng mạnh, lên 120 USD/thùng, khi thị trường nếm trải đầy đủ tác động chiến dịch quân sự của Nga. Tháng trước, Công ty JPMorgan Chase & Co. của Mỹ cũng cảnh báo, nếu giá dầu chạm ngưỡng 150 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm nay có thể xuống mức dưới 1%.
Dầu mỏ là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới, bởi lẽ nó là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất… Vì vậy, giá dầu tác động đến hầu như tất cả hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang. Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU, Nhật Bản…, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida mới đây cho biết, chính phủ sẵn sàng xem xét mọi biện pháp có thể, bao gồm cả việc kích hoạt cái gọi là điều khoản kích hoạt để hạn chế khẩn cấp giá xăng dầu, nhằm giảm tác động của giá dầu thô cao. Tại Mỹ, mức lạm phát lên tới 7% vào tháng 12-2021. Giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ chưa từng thấy trong 40 năm qua. Giá xăng trung bình hơn 3,5 USD/thùng, mức trung bình cao nhất kể từ năm 2014. Nếu giá dầu thô tăng cao, giá xăng gần như chắc chắn sẽ tăng cao hơn. FED đã sẵn sàng các kịch bản tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, và có thể xảy ra ba lần trong suốt năm 2022.
Còn ở châu Âu, theo bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, giá năng lượng chính là động lực lớn nhất của lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bản dự thảo về giá năng lượng của Ủy ban châu Âu dự kiến được công bố vào tháng tới đã cảnh báo giá khí đốt và điện trong khu vực sẽ “vẫn ở mức cao và không ổn định cho đến ít nhất năm 2023”. Giá khí đốt bán buôn tại châu Âu hiện cao hơn khoảng 400% so với cùng kỳ một năm trước, trong khi giá điện bán buôn cũng tăng 260%. Điều này đã thúc đẩy giá bán lẻ khí đốt và giá điện lần lượt tăng 51% và 30%.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-xung-dot-khien-gia-dau-leo-thang-796651.html