Những ý kiến tâm huyết
LTS: Nhiều ý kiến phát biểu và gửi tham luận tới Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ II, năm 2020 đã khẳng định, đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đại biểu bày tỏ quyết tâm phấn đấu, cùng đồng bào các DTTS phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của đại hội. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến.
Đồng chí Y BIÊR NIÊ, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắc Lắc: Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên
Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất; là sắc thái cội nguồn và riêng biệt của mỗi dân tộc. Nói đến bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên, mỗi chúng ta sẽ nghĩ đến văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng, văn hóa nhà dài, kiến trúc nhà rông, sử thi, luật tục... của cộng đồng các dân tộc Ê Đê, M’nông, Jrai, Bahna, Xơ Đăng, Cơ Ho... trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Đắc Lắc, nơi hội tụ của cộng đồng 49 dân tộc anh em sinh sống, có nền văn hóa khá đa dạng với nhiều sắc màu.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắc Lắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tỉnh đã cấp phát nhiều bộ chiêng và trang phục truyền thống; truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng; tổ chức sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tại chỗ; phối hợp mở các lớp truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi...
Tuy nhiên, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại, nhiều lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng... đang thay đổi nhanh chóng, có nguy cơ mất dần. Để hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Đắc Lắc nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới thực sự có hiệu quả, theo tôi, cần xác định công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa mỗi địa phương, là sự nghiệp lâu dài của toàn dân, trong đó đồng bào các dân tộc là trung tâm, là chủ thể của mọi hoạt động. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có chính sách duy trì, phát triển lực lượng nghệ nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian...
Đồng chí DÙNG THỊ VÂN, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang): Gắn bó, đoàn kết hơn trong công cuộc xây dựng đất nước
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công". Thấm nhuần tư tưởng của Người, tôi luôn tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết trong toàn dân nói chung và trong các dân tộc ít người tại địa phương nói riêng.
Xín Cái là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc. Xã nằm cách trung tâm huyện 32km; phần lớn diện tích là núi đá có độ dốc cao, mật độ chia cắt nhiều, khí hậu khắc nghiệt, khó khăn cho việc canh tác và sản xuất. Toàn xã có 19 thôn, gồm 8 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc Mông chiếm đa số (hơn 60%). Từ điểm xuất phát thấp, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân trên địa bàn được nâng lên đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện. Trên cương vị của mình, tôi luôn vận động bà con thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo phát triển kinh tế, tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, giúp bà con yên tâm làm ăn, không tin và nghe theo kẻ xấu xúi giục. Hiện nay, thu nhập của người dân luôn ổn định. Toàn xã đến nay đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Để phát huy tốt hơn nữa tinh thần đoàn kết trong đồng bào DTTS, tạo sức mạnh to lớn xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, theo tôi, trước hết, cần quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện về chủ trương, chính sách nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nói chung; đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết trong cùng một dân tộc nói riêng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng đồng bào DTTS), cụ thể hóa để đồng bào DTTS hiểu, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS, thông qua duy trì và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình...
Thượng tá LƯƠNG HẢI KIÊN, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 (Quân khu 4): Cụ thể hóa nghị quyết thành các cơ chế, chính sách
Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 4 đóng quân ở 2 huyện miền núi phía tây của tỉnh Nghệ An, đó là Huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn KTQP 4 triển khai thực hiện nhiều dự án giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như: Hằng năm vận động hơn 90 hộ dân tham gia trồng và bảo vệ rừng (đã trồng hơn 340ha, bảo vệ hơn 500ha rừng); chuyển giao các mô hình trồng cây, xóa đói giảm nghèo như: Mô hình cây dong riềng cho 54 hộ, mô hình cây chè San tuyết cho 25 hộ, mô hình cây nghệ vàng cho 45 hộ hiệu quả hằng năm các hộ có thu nhập từ 10 triệu đến 35 triệu đồng; tổ chức 22 lớp tập huấn với tổng thời gian 116 ngày cho gần 3.100 lượt cán bộ xã, trưởng bản, già làng, người có uy tín về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nếp sống văn hóa, ăn ở hợp vệ sinh. Đồng thời, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiều chủ trương giải pháp an sinh xã hội để góp phần động viên, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP 4 xác định lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp thành các cơ chế, chính sách về ổn định sản xuất và đời sống đồng bào các dân tộc còn đặc biệt khó khăn. Trong đó, chú trọng thực hiện nâng cao sức lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khư dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”... phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần hỗ trợ, động viên đồng bào các dân tộc phát huy tinh thần tự lực, tự cường không ngừng phấn đấu vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu nơi bản làng vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí NGÔ HÙNG, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng chiếm gần 38% dân số của tỉnh, chủ yếu cư trú tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trình độ học vấn, lao động có tay nghề còn thấp, gây ra nhiều khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tỉnh Sóc Trăng hiện có 167 trường dạy song ngữ Việt-Khmer, có 2.743 giáo viên Khmer (chiếm 19,7% giáo viên toàn tỉnh); 10 Trường Dân tộc Nội trú; có 1 trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ dạy chữ Khmer-Pali. Nhìn chung, chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) vùng đồng bào dân tộc Khmer có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, giảm dần tỷ lệ học sinh bỏ học. Cuộc sống cán bộ, giáo viên dân tộc thiểu số được ổn định, yên tâm công tác, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc Khmer và lao động trực tiếp có chất lượng, nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển phù hợp với vùng miền trong cả nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Tuy nhiên, chất lượng GD-ĐT vùng dân tộc Khmer hiện nay trên địa bàn còn thấp so với mặt bằng chung. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất Trung ương cho phép thành lập Trường dự bị Đại học Dân tộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc Ủy ban Dân tộc đặt tại tỉnh Sóc Trăng; Đảng, Nhà nước và các cấp ngành có liên quan nghiên cứu ban hành các đề án đào tạo, chế độ đãi ngộ, nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc, cũng như có các chính sách ưu tiên tuyển sinh đầu vào sau đại học; chính sách hỗ trợ học bổng, điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh dân tộc Khmer.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhung-y-kien-tam-huyet-645658