Những ý kiến tâm huyết tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra ngày 25-9, phóng viên Báo Thanh Hóa đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết của đại biểu là cán bộ quản lý, hội viên, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp...
Tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đã được Đại hội HND tỉnh lần thứ XI cụ thể hóa trong mục tiêu chung, định hướng cho hoạt động của nhiệm kỳ. Theo đó, các cấp HND tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thực hiện chương trình hành động XDNTM với nội dung cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn, dân cư, xây dựng người nông dân văn hóa có lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, có kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Các cấp hội cần xác định công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ quan trọng theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Phải làm thật tốt công tác tuyên truyền theo hướng “đi trước mở đường, đi cùng để thực hiện, đi sau để sơ kết, tổng kết và mở ra một việc làm mới”. Trong tuyên truyền phải sử dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, từng ngành nghề. Vì vây, các cấp hội cần nghiêm túc thực hiện và vận dụng linh hoạt vào quá trình hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
Với phương châm “Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, phát huy quyền chủ động, sáng tạo của tổ chức Hội các cấp trong công tác vận động hội viên, nông dân phù hợp với địa phương, cơ sở”, HND huyện Thạch Thành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tập trung xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Hội theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội. Cùng với đó, xây dựng được 3 chi HND nghề nghiệp, 53 tổ HND nghề nghiệp, từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt chi Hội trong nhiều năm qua, xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giúp hội viên, nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, từ đó hình thành cho hội viên, nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo nền tảng tiền đề phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Nhiệm kỳ 2023-2028, HND huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, tích cực xây dựng và củng cố tổ chức; kịp thời tham mưu với các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HND; tham mưu và tổ chức nhiều diễn đàn để đối thoại với nông dân, làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.
Xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả góp phần xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại
Với phương châm “xây dựng tổ chức Hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm nòng cốt trong công tác hội, phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua HND TP Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng hiệu quả hoạt động của hội. Bên cạnh thực hiện tuyên truyền, Hội đã chú trọng tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các chủ đề sinh hoạt đa dạng, nhất là chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Cùng với đó, 2 chi hội, 38 tổ hội nghề nghiệp trực thuộc đã làm tốt vai trò, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất; hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng hoa và cây ăn quả, mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng kết hợp nuôi ốc nhồi thương phẩm... Nhất là xây dựng được 18 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thời gian tới HND TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội và các quy định hướng dẫn của HND các cấp đến với hội viên nông dân. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những vướng mắc trong nông dân, qua đó phát huy tốt vai trò, vị thế của tổ chức HND góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Xây dựng các mô hình kinh tế gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia
Trong nhiệm kỳ qua, HND huyện Quan Hóa đã tích cực vận động hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Mô hình nuôi cá tại bản Pượn, bản Ta Bán, xã Trung Sơn, mô hình nuôi gà lai chọi Bản Chiềng, xã Nam Động, Mô hình trồng cây Mác ca bản Chong xã Thiên Phủ, mô hình trồng cây Sâm báo, tại bản Ken, xã Nam Tiến, mô hình trồng cây Quế dược liệu tại bản Lở và bản Chiềng, xã Nam Động... Bên cạnh đó HND huyện đã tiếp nhận và triển khai 3 dự án chăn nuôi gắn với thành lập các tổ hội nghề nghiệp tại các xã Phú Xuân và xã Trung Thành; dự án hỗ trợ 48 con bò cái sinh sản và 52 con dê cho các hộ nghèo, hiện tại đã sinh sản và phát triển tốt. Các dự án đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho Hội viên nông dân nghèo.
Thời gian tới các cấp Hội Nông dân tiếp tục tham gia tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia. Tăng cường công tác hỗ trợ thực hiện các mô hình, chương trình phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, Huyện hội tiếp tục hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng nông dân xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Phối hợp thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ là một chương trình lớn, có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc. Thông qua chương trình, người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và XDNTM.
Nhiều năm qua, Agribank Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với HND quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ; Chương trình phối hợp số 01 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Trung ương HND Việt Nam... đến đông đảo cán bộ, hội viên. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và linh hoạt, công tác triển khai chương trình cho vay theo Thỏa thuận liên ngành số 01 ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành kênh truyền dẫn vốn trực tiếp đến hội viên, tạo sự gắn kết hoạt động của Agribank với hoạt động của các cấp HND. Thông qua chương trình cho vay, hội viên HND không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn lãi suất ưu đãi, còn được ngân hàng tư vấn về phương án SXKD; được các cấp Hội tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu cách làm hay, mô hình SXKD hiệu quả, góp phần thay đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” trong hội viên.
Để tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, HND các cấp và Agribank trên địa bàn tỉnh cần kịp thời tham mưu, bổ sung quy chế hoạt động, nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp, năng lực quản lý nguồn vốn vay cho cán bộ chi hội, tổ trưởng tổ vay vốn.
Đồng thời, thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách tín dụng phục đến đông đảo hội viên, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng thuận lợi. Phối hợp triển khai các chính sách, chương trình tín dụng, đặc biệt là cho vay phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn.